Cách đây gần 20 năm, một "nhân vật tên tuổi" khác cũng đã từng bị truy tố, thậm chí suýt phải nhận án tử hình - đó là đại gia Lê Ân.

Vào tù vì "cú phốt" 82 t

Những năm 1980, cái tên Lê Ân rất nổi tiếng trong giới tín dụng và ngân hàng của Việt Nam với hàng loạt dấu ấn như sáng lập 2 ngân hàng Hướng Thọ Phú và Đại Nam, thành lập quỹ tín dụng (QTD) Hoà Hưng, cứu QTD Phú Đông khỏi cảnh phá sản (sau này sáp nhập với QTD Thống Nhất, tiền thân của ngân hàng Tân Việt), phát minh ra séc lữ hành (một dạng ATM) giúp khách hàng có thể rút tiền ở mọi quỹ tín dụng và ngân hàng trong chuỗi liên kết...

Với những thành công như thế, Lê Ân đã được lãnh đạo của QTD Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo khi đó đang ở bờ vực phá sản, mời về làm quản lý. Năm 1990, Lê Ân xin được phép nâng cấp Quỹ tín dụng Hội phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo lên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB) và thu được kết quả kinh doanh ấn tượng. Đến năm 1994, VCSB là ngân hàng ngoài quốc doanh duy nhất đủ khả năng đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng và được phép thanh toán quốc tế.

{keywords}
Đại gia Lê Ân

Liên tục lớn mạnh, năm 1995, VCSB mở xưởng chế biến vàng miếng “Vũng Tàu Việt Nam tiền vàng”. Tiếp đến, VCSB xin thành lập dự án làng du lịch Chí Linh nhưng không được NHNN chấp thuận do không đăng kí kinh doanh ngành du lịch. Tuy nhiên, ít ai ngờ, đây lại chính là "cái hố" khiến Lê Ân sa vòng lao lý.

Dự án làng du lịch Chí Linh không được chấp thuận, VCSB đã chuyển nhượng dự án cho công ty Lê Hoàng (cũng do Lê Ân làm chủ tịch HĐQT) với giá trị lên tới 82 tỷ đồng. Số tiền khổng lồ thời điểm đó đã làm dấy lên nghi ngờ "đại gia" này lạm quyền. Ngày 11/2/2000, Lê Ân cùng 6 thành viên trong Ban lãnh đạo VCSB bị bắt. Lê Ân bị tuyên phạt 20 năm tù giam với tội danh "Cố ý làm trái", chung thân với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và tử hình với tội danh "Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo". Án chung cho cả 3 tội danh là tử hình.

Tuy nhiên, Lê Ân đã làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ các chứng từ của VCSB cho Cơ quan điều tra để chứng minh vô tội. Tuy được giảm án nhưng "ông chủ ngân hàng" vẫn phải lĩnh mức án tù 12 năm.

Ra tù làm lại cuộc đời

Ngày 31/8/2005, do cải tạo tốt, Lê Ân được đặc xá ra tù trước thời hạn. Ra tù, "đại gia" một thời đã phải trải qua rất nhiều khó khăn mới giữ lại được công ty Lê Hoàng, khắc phục hậu của ngân hàng VCSB và thành lập làng du lịch Chí Linh. Không chỉ vậy, Lê Ân còn trợ giúp cho 6 thành viên HĐQT ngân hàng VCSB (bị bắt cùng ông thời điểm năm 2000) khi ra tù: người thì ông tặng cho chiếc ôtô Toyota Camry, người thì được mua cho nhà giá 3 tỷ đồng..., tất cả đều được bù đắp xứng đáng.

Và bây giờ, ít ai còn nhớ rằng từng có một "tù nhân" Lê Ân mà chỉ biết đến "đại gia" Lê Ân lấy vợ trẻ kém 50 tuổi, sắm siêu giường 6 tỷ, hàng sáng vẫn cùng vợ lái xe Roll Royce tham một vòng khu du lịch Chí Linh của mình. Ông từng nói sẽ dành toàn bộ số tài sản của mình, ước tính khoảng 15.000 tỷ đưa vào quỹ từ thiện Lê Ân để giúp những mảnh đời bất hạnh.

Như vậy, có thể thấy, từ quá khứ tới hiện tại, vẫn có không ít các lãnh đạo lạm dụng quyền lực của mình để rồi sa vòng lao lý. Và có chăng chỉ khác ở chỗ, họ có cơ hội để làm lại mình như trường hợp của Lê Ân hay không mà thôi!

(Theo Seatimes)