Hàng trăm dự án đang chào bán trên thị trường, nhưng chỉ có khoảng 10% nằm ở khu trung tâm. Những thương vụ thành công cũng chỉ nằm trong 10% số dự án này.

M&A bất động sản luôn là vấn đề nóng, và được quan tâm trong những năm gần đây khi thị trường rơi vào giai đoạn khó khăn. Giá trị tài sản ở vào “vùng đáy” thì đó cũng là thời điểm diễn ra nhiều thương vụ thâu tóm dự án, đặc biệt là những dự án đất vàng nằm ở trung tâm Thủ đô. Đã có nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm để sở hữu tài sản giá rẻ.

Trong một hai năm qua, hoạt động “săn” dự án bất động sản “hoa hậu” vẫn âm thầm diễn ra. Trong đó, Hà Nội luôn là địa chỉ được quan tâm rất lớn, đặc biệt là những dự án có vị trí nằm ở khu trung tâm, chào bán với giá rẻ.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Sohovietnam, một đơn vị chuyên tư vấn môi giới mua bán các dự án BĐS đã từng cho rằng ở Hà Nội có tới 70 dự án mà các chủ đầu tư có nhu cầu bán trong danh mục mà công ty này quan tâm. Tuy nhiên, trong số này thì chỉ có khoảng 10% là dự án đất vàng trung tâm Thủ đô. Số còn lại đa phần ở những quận, huyện mới như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoài Đức, Hoàng Mai,…

Điều này cho thấy, nhu cầu bán dự án BĐS trong một vài năm qua là rất lớn. Một Giám đốc Công ty BĐS tại Hà Nội cho rằng trước đây, rất nhiều lĩnh vực khác đều gắn với BĐS như điện lực, dầu khí, khoáng sản, dệt may,…tuy nhiên, nay họ buộc phải thoái vốn ngoài ngành. Điều này càng thúc đẩy hoạt động M&A.

{keywords} 

Trên thực tế thị trường, nhìn vào các thương vụ diễn ra thời gian gần đây có thể thấy hầu hết đều là những dự án có giá trị thương mại cao, tính thanh khoản tốt ở những khu trung tâm. Ông Phan Xuân Cần cho hay, những thương vụ đã được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau còn nhiều thương vụ mua bán dự án đang diễn ra âm thầm.

Gần đây ông Cần được biết đến như một nhân vật có tiếng chắp nối cho nhiều thương vụ mua bán dự án thành công. Ở Hà Nội, gần đây có ít nhất 3 dự án lớn Sohovietnam đứng ra tư vấn. Tuy nhiên, thông tin về chuyển nhượng những dự án này khá kín tiếng.

Chỉ trong thời gian gần đây, thị trường M&A mới đang dần lộ diện những nhân vật bí ẩn đứng sau thâu tóm dự án đất vàng Thủ đô. Trường hợp điển hình như thương vụ Sky Park Residence, Complex 36 Phạm Hùng, Khách sạn 4 sao số 9 Cát Linh,…

Trong đó, thương vụ Sky Park Residence (Cầu Giấy), đối tác mua lại được biết đến khá bất ngờ đó là Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa –CTCP, ông Trương Lâm làm chủ tịch HĐQT. Được biết, đơn vị này đã bỏ ra 143 tỷ để sở hữu dự án này. Vốn điều lệ của Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa là 165 tỷ thì ông Trương Lâm nắm tới gần 95%, số còn lại do 4 cổ đông cá nhân khác nắm giữ.

“Trước đó, Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa cũng đã chi ra hơn 100 tỷ đồng để mua dự án Khách sạn Hà Đô Mercure Hà Nội, tại số 9 Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là một dự án khách sạn 4 sao cao 15 tầng nổi và 3 tầng hầm trên khu đất 1.584m2, với tổng số 250 phòng. Mercure Hà Nội theo kế hoạch sẽ có tổng vốn đầu tư là 450 tỷ đồng. Dự án hiện đã có giấy phép xây dựng và "ông chủ mới" dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong quý này.” Ông Cần cho biết thêm.

Bên cạnh đó, đáng chú ý trên thị trường M&A bất động sản gần đây nhất cũng phải kể đến thương vụ mua lại ION Complex 36 Phạm Hùng của Tập đoàn FLC. Dự án này ban đầu là đất của Vinafco, công ty này dự định đầu tư xây dựng một khu tổ hợp văn phòng, nhà ở, thương mại (Vinafco Building). Khoảng 2006-2007, Vinafco đã xin lập đầu tư dự án với tổng mức đầu tư gần 196 tỷ đồng. Đến khoảng 2009, Công ty CP Đầu tư Hải Phát đã mua lại dự án này từ Vinafco.

Theo xác nhận của FLC, cuối tháng 5 vừa qua Tập đoàn này đã chính thức mua lại dự án này để đầu tư một dự án hoàn toàn mới trên khu đất 36 Phạm Hùng có diện tích 5.000m2. Dự án được đổi thành FLC Complex 36 Phạm Hùng, dự kiến là khu căn hộ, thương mại cao cấp. Công trình cao 38 tầng, và dự kiến ngay trong quý 3/2014 sẽ tiến hành khởi công xây dựng. Chủ tịch FLC cũng đã xác nhận thương vụ này có giá trị 198 tỷ đồng bằng việc mua lại 99% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà ION Complex.

Bên cạnh những thương vụ chuyển nhượng được biết đến gần đây thì nhiều dự án khác cũng đã đổi chủ trước đó. Trong đó, đại gia điếu cày cũng đã có những hoạt động mua lại một số khu đất ở khu vực quận Hoàng Mai như Kim Văn Kim Lũ; VP5,VP6 Linh Đàm để đầu tư dự án nhà ở giá rẻ; FLC cũng đã mua lại dự án Alaska Garden City (đổi tên FLC Garden City) quy mô 8ha, tổng mức đầu tư 3500 tỷ tại Đại Mỗ, Từ Liêm,HN…

Theo Trí Thức Trẻ