Với tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng, những người điều hành trên những chiếc xe buýt già cỗi của Bangkok không có cả thời gian cho việc đi toilet. Đó là dùng... tã giấy.

Bất chấp nhiều năm kinh tế tăng trưởng nhanh, nhiều công nhân "cổ xanh" ở Bangkok vẫn phải vật lộn với quá trình đô thị hóa không ngừng nghỉ và tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng. Từ những công nhân thu gom rác thải đến công nhân nhà máy và tài xế taxi, những người góp phần vận hành trơn tru đô thị ồn ào có tới 12 triệu dân, đồng lương tăng không đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.

Do Bangkok có rất ít tuyến tàu điện ngầm hoặc đường sắt trên cao, nhiều người dân phải phụ thuộc vào xe buýt, ô tô, tuk-tuk hoặc xe máy để đi lại. Ưu đãi về thuế khiến ngày càng nhiều người dân sử dụng xe 4 bánh.

Với tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng, những người điều hành trên những chiếc xe buýt già cỗi của Bangkok làm việc hàng giờ liên tục trong những tuyến đường bị ô nhiễm và trong cái nóng hầm hập của thành phố nhiệt đới. Hầu như dọc tuyến đường không có lúc nào xe tạm dừng để họ giải quyết "nỗi buồn".

Khi phát hiện bị nhiễm trùng đường tiết niệu, Watcharee Virya chẳng có lựa chọn nào khác là phải dùng tã người lớn để đối phó với hàng giờ liền không được đi toilet. "Nó rất khó chịu khi tôi di chuyển, đặc biệt khi phải tiểu ở bên trong. Khi tới bến xe buýt, tôi phải hộc tốc chạy đi thay. Tôi dùng ít nhất hai chiếc bỉm mỗi ngày", Watcharee nói. Sau đó, cô bị chẩn đoán ung thư tử cung và phải phẫu thuật. Bác sĩ cho biết, do thường xuyên dùng bỉm, chất bẩn và vi khuẩn xâm nhập vào tử cung nên đã dẫn đến căn bệnh nan y trên.

{keywords}

Nữ điều hành trên xe buýt ở thủ đô Bangkok.

Watcharee không phải là người duy nhất lựa chọn giải pháp đóng bỉm đi làm. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 28% nữ điều hành xe buýt ở Bangkok phải dùng tã giấy trong khoảng 16 tiếng làm việc mỗi ngày. "Chúng tôi đã bị sốc", Jaded Chouwilai - Giám đốc Quỹ Phong trào nam nữ tiến bộ, tổ chức thực hiện khảo sát cho biết, "Chúng tôi phát hiện rất nhiều người trong số họ bị nhiễm trùng đường tiết niệu và có sỏi trong bàng quang. Nhiều người còn bị ung thư tử cung".

Hố ngăn cách giữa tầng lớp lao động với tầng lớp thượng lưu giàu có ở Thái Lan là một trong những yếu tố trong cuộc khủng hoảng chính trị phức tạp kéo dài nhiều tháng qua trên đường phố Bangkok, mà đỉnh điểm là cuộc đảo chính quân sự ngày 22.5 vừa qua.

Những người biểu tình muốn quét sạch ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã định hình lại bức tranh chính trị bằng cách thu hút sự ủng hộ của người nghèo nông thôn bằng chính sách chăm sóc sức khỏe phổ cập, trợ cấp nông nghiệp và các chương trình tín dụng vi mô. Thaksin bị lật đổ vào năm 2006 trong một cuộc đảo chính quân sự. Lịch sử lại một lần nữa lặp lại, khi chính quyền quân sự vừa tiếp quản chính phủ đồng minh của Thaksin.

Các chuyên gia cho rằng, Thái Lan đã có một số tiến bộ trong việc giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo theo chỉ số Gini - một biện pháp thường được sử dụng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Chỉ số này của Thái Lan đứng sau Campuchia và Indonesia, nhưng cao hơn Malaysia và Philippines.

Chỉ số Gini giảm xuống dưới 0.36 trong năm 2013 từ 0.42 một thập kỷ trước đó. Số 0 tượng trưng cho sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng một mức thu nhập), số 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập).

"Mặc dù chỉ số này đã bị thu hẹp, nhưng khoảng cách giàu nghèo ở Thái Lan vẫn còn rộng", ông Somchai Jitsuchon - Giám đốc Nghiên cứu phát triển toàn diện của Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan nói, "Hệ thống chính trị xã hội của Thái Lan đem đến cơ hội cho những người giàu và người kinh doanh lớn".

Sự bất bình đẳng trong giáo dục cũng là một trong số những nguyên nhân khác. Con cháu của người giàu có điều kiện học hành tử tế, trong khi con nhà nghèo không thể cạnh tranh được. Một số công việc tệ nhất ở Thái Lan, như làm việc trên tàu cá và làm nông, hầu như được lao động nhập cư trái phép đảm nhiệm, đến từ Campuchia, Myanmar và Lào.

Không giống như nhiều nước Châu Âu, người lao động Châu Á hiếm khi đấu tranh. Ở Thái Lan, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước không được phép đột ngột bỏ việc. Nhưng những người điều hành xe buýt ở Bangkok và các công đoàn viên đang bắt đầu có tiếng nói đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn.

"Điều kiện làm việc của họ không tốt. Họ phải làm nhiều giờ liền dưới cái nóng. Khi họ đói cũng không có thời gian để ăn, muốn đi toilet cũng không thể", bà Chutima Boonjai - Chủ tịch Công đoàn của Cơ quan quản lý giao thông công cộng Bangkok nói. Chính bà là người đề nghị xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh dọc tuyến đường xe buýt hoặc tại các bến xe buýt.

Tài xế xe buýt còn gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác, từ đau lưng đến bệnh trĩ. Trường hợp xấu nhất là ung thư, đột quỵ, cao huyết áp do điều kiện làm việc mệt mỏi và nóng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi việc tuyển dụng nhân viên xe buýt ngày càng khó khăn, khi mức lương khởi điểm chỉ ở mức 300 baht/ngày (khoảng 200.000 đồng).

Cuộc sống thì không cải thiện được, song những công cụ hiện đại như điện thoại thông minh và những phát kiến công nghệ khác thậm chí làm cho công việc của họ khó khăn hơn. "Khi khách hàng không hài lòng với bất cứ lý do nhỏ nào, họ dùng công nghệ để phàn nàn về dịch vụ. Nhưng họ không nghĩ đến việc những người lao động như chúng tôi cảm thấy thế nào", bà Chutima nói.

Theo Lao động