Thời gian qua, nhiều loại "thực phẩm bẩn", không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường như một ma trận khiến người tiêu dùng cảm thấy e dè, sợ sệt mỗi khi phải lựa chọn. Đặc biệt, gạo không thể thiếu trong bữa ăn gia đình Việt cũng đang bị nhiễu loạn bởi những thông tin đảm bảo về độ sạch và khả năng chữa bách bệnh.
Ma trận "gạo siêu sạch"
Thời gian gần đây khi đi mua gạo ăn, PV đã được người bán hàng tư vấn đến một số loại gạo được cho là "siêu sạch" và có khả năng chữa bách bệnh.
Chị Hương, chủ cửa hàng gạo tại Phú Đô, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội đon đả nói với PV: "Bây giờ là thời đại của ăn ngon mặc đẹp rồi. Những người đi làm, có điều kiện như em nên tìm đến gạo siêu sạch mà dùng. Gạo ăn vừa ngon, vừa có thể chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe, giúp sống lâu trăm tuổi. Gạo bình thường bây giờ chỉ dùng cho sinh viên thôi!”.
Vì tò mò và có sự không hài lòng với cách PR sản phẩm theo kiểu "phân biệt" của chị bán hàng, PV ngỏ lời hỏi mua sản phẩm "gạo siêu sạch, chữa bách bệnh" thì được chị Hương cho biết: "Gạo đắt gấp đôi, gấp ba gạo thường nên chị chưa dám lấy về bán. Nếu em có nhu cầu, chị sẽ giới thiệu đến cửa hàng của bạn chị. Chị chỉ tư vấn với người mua để khảo sát nhu cầu và có kế hoạch kinh doanh về sau".
Đương nhiên, theo lời giới thiệu của chị Hương, PV đã tìm đến một đại lý gạo lớn ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo quan sát của PV, đại lý này vừa bán buôn, vừa bán lẻ với hàng trăm mặt hàng gạo sạch và cam kết giá rẻ nhất, gạo đạt chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Giá gạo ở đây dưới mức 20.000 đồng/kg cũng có mà trên 100.000 đồng/kg cũng có.
Nhiều loại gạo được đóng trong các túi nhỏ với trọng lượng khác nhau, dễ dàng cho mọi người lựa chọn. Cũng có nhiều loại gạo bày ra các chậu nhôm lớn, phía trên có một tấm biển nhỏ bằng bìa catton ghi giá thành/kg.
Một điều lạ, tất cả sản phẩm gạo ở đây đều được quảng cáo là "gạo sạch đặc biệt" nhưng giá thành chỉ từ 18.000-24.000 đồng/kg. PV thắc mắc thì được giải thích: "Gạo sạch này chỉ để xuất khẩu thôi. Nhưng nhờ có mối quan hệ quen thân nên phía đại lý được công ty "tuồn" bớt ra ngoài để bán không cần nhãn mác, thương hiệu nên giá thành rẻ hơn".
Các chuyên gia khẳng định gạo không phải là thuốc chữa bệnh. |
Có thể chữa ung thư, HIV?!
Khi nghe PV bày tỏ muốn tìm mua "gạo chữa bệnh", nhân viên bán hàng tên Nhung đã nhiệt tình giới thiệu một số loại gạo có tác dụng đặc biệt như... thực phẩm chức năng.
Những loại gạo này đều là gạo sạch, rất tốt cho cơ thể. Nếu kiên trì, sử dụng đúng cách thì có thể chữa được tất cả các loại bệnh ung thư. Thậm chí, nhân viên này còn hưng phấn cho biết: "Rất nhiều người nhiễm HIV cũng tìm đến đây mua loại gạo này vì có thể ngăn cản sự phát triển của mầm bệnh, kéo dài sự sống như một người bình thường".
Bằng thái độ tò mò, thể hiện khao khát có sức khỏe tốt nhờ nguồn "thực phẩm sạch", PV đã được nhân viên giới thiệu đến gặp chủ đại lý tên Phan để được tư vấn cụ thể.
Anh Hoàng Văn Phan không ngần ngại quảng cáo: "Gạo sạch của chúng tôi nhập trực tiếp từ những cơ sở gieo trồng đã có uy tín lâu năm. Lúa được cấy trồng trên vùng đất đảm bảo, không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Cây lúa phát triển tự nhiên, mỗi năm người nông dân chỉ thu hoạch một vụ nên nhiều loại giá thành hơi mắc, đặc biệt là đối với một số loại gạo có thể chữa bệnh, giá dao động từ 70.000-120.000 đồng/kg, hoặc có thể cao hơn nữa, tùy thời điểm".
Hỏi về gạo lứt đỏ, anh Phan cho biết: "Gạo được nhập trực tiếp từ miền Nam. Nếu người sử dụng ăn kiêng theo đúng phương pháp thực dưỡng số 7 thì chỉ cần ăn liên tục từ 2-3 năm là mọi mầm bệnh ung thư có thể ngưng phát triển và tiêu biến, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh như người chưa từng mắc bệnh.
Thậm chí, nhiều trẻ em từ 3-5 tuổi không may bị mắc chứng ung thư máu cũng có thể khỏi bệnh khi được bố mẹ thường xuyên cho ăn loại gạo này. Ngoài ra, ăn gạo lứt đỏ còn có thể chữa khỏi nhiều bệnh như tiểu đường, bệnh gout, phong tê thấp...
Dường như muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm thuyết phục người mua hàng là PV, anh Phan còn dẫn chứng: "Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm. Giờ sử dụng loại gạo này, sức khỏe đã ổn định trở lại. Chỉ số HbA1c cao nhất cũng chỉ lên đến 6,1% mà thôi". Đây được coi như một chỉ số lý tưởng với người đã có tiền sử bệnh tiểu đường.
Trên một số diễn đàn mạng, PV cũng đã liên hệ với một vài số điện thoại đường dây nóng rao bán sản phẩm gạo lứt đỏ, "gạo chữa bách bệnh" thì đều được tư vấn về công dụng "trên trời". Anh Hùng, số điện thoại 098746xxxx từ TP. Hồ Chí Minh rao bán gạo lứt đỏ Bến Tre với giá 80.000 đồng/kg.
Anh cho biết, gạo này anh trực tiếp lấy từ quê thu mua của những người thân quen. Gạo ngon, có tác dụng chữa bệnh hữu hiệu. Còn số điện thoại 097958xxxx lại khẳng định: "Gạo lứt đỏ chữa ung thư rất tốt. Nó là cứu tinh của các bệnh nhân không may bị mắc bệnh nan y này".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì khả năng chữa ung thư cũng như quảng cáo chữa bách bệnh của gạo lứt đỏ hay một số loại gạo dược liệu, gạo hữu cơ trên thị trường hiện nay là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng gạo còn tạo ra những thương hiệu sản phẩm mới với những cái tên mỹ miều và những lời quảng cáo có cánh về tác dụng bằng cách trộn hai loại gạo quen thuộc với nhau.
Lợi dụng một số công dụng thực tế của gạo, nhiều người bán hàng đã dựa vào đó và tự thổi phồng thành những tác dụng "thần kỳ", "chữa bách bệnh" để gài bẫy người tiêu dùng. Chỉ cần sơ suất và ham hố ăn theo lời có cánh là người tiêu dùng có thể “tiền mất tật mang”.
Theo luật sư Trần Thu Nam, đoàn Luật sư TP. Hà Nội thì, việc quảng cáo thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người có thể bị xử phạt hành chính theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Gạo không phải thuốc chữa bệnh Bác sỹ Trần Nhật Trường, bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội khẳng định: Trong một số loại gạo mầm trên thị trường có một hàm lượng chất gamma aminobutyric, là một hoạt chất có khả năng giúp điều hòa thần kinh và hệ thống tim mạch, giúp ổn định đường huyết. Tuy nhiên, gạo không phải là thuốc chữa bệnh. Một số loại gạo hữu cơ, gạo dược liệu nếu dùng thường xuyên sẽ bị thiếu chất trầm trọng, dẫn đến trí lực, thể lực suy giảm do gạo không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể. Không được phép xuyên tạc, bóp méo Theo PGS.TS. Trần Đáng, Chủ tịch hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam: "Nói một số loại gạo như gạo lứt đỏ chữa được bệnh là sai, thiếu cơ sở khoa học, là xuyên tạc và bóp méo sự thật. Đây chỉ là một loại thực phẩm hỗ trợ, giảm nguy cơ, phòng ngừa bệnh tật". |
(Theo ĐSPL)