- Đầu tư Nhật vào Myanmar tăng nhanh trong khi vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc giảm tới 10 lần. Có vẻ như Myanmar đang âm thầm chuyển hướng thu hút đầu tư, rời xa dần nguồn vốn Trung Quốc.

Tăng vốn Nhật, giảm vốn Trung Quốc

Số liệu công khai cho biết, năm tài chính 2013-2014 kết thúc vào 3/2014, nền kinh tế quyến rũ bậc nhất Đông Nam Á thu hút hơn 4,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng mạnh so với 1,4 tỷ USD trong năm liền trước.

Con số này có lẽ không khiến giới đầu tư ngạc nhiên khi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gần đây ước tính tăng trưởng kinh tế của Myanmar trong năm 2013-2014 ở mức 7,5%, cao hơn so với dự báo 6,75% của IMF và cũng theo ADB tăng trưởng có thể lên tới 7,8%/năm trong các năm tài chính tiếp theo.

Cũng như các nền kinh tế trong thời kỳ đầu mở rộng cửa khác, Myanmar thu hút rất mạnh FDI. Trong các năm trước đây, Trung Quốc luôn là nước đứng đầu về FDI vào Myanmar, tập trung vào năng lượng, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên nói chung – nguồn lực mà Myanmar rất giàu có nhưng trước đó chưa biết làm cách nào để khai thác.

Tuy nhiên, đầu tư một thị trường mới nổi với nền kinh tế đang chuyển đổi, không phải dự án nào vào Myanmar cũng thuận lợi và xu hướng thu hút đầu tư của nước này đã có những thay đổi đáng kể.

{keywords}

Có vẻ như Myanmar đang âm thầm chuyển hướng thu hút đầu tư, rời xa dần nguồn vốn Trung Quốc

Theo WSJ, trong năm tài chính vừa qua, Trung Quốc đã giảm mạnh đầu tư vào Myanmar với FDI cam kết chỉ đạt 407 triệu USD, chưa bằng 1/10 so với con số 4,3 tỷ USD cam kết trong năm trước đó.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng sụt giảm nói trên được đánh giá là do Chính phủ Myanmar đã quyết định đình chỉ nhiều dự án đầu tư khai thác tài nguyên, năng lượng của các DN Trung Quốc.

Trong đó có dự án xây đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD ở một bang phía bắc của Myanmar - một dự án thủy điện trọng điểm với kế hoạch cung cấp 21 Gigawatts điện cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường. Hay như dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung trị giá 1 tỷ USD…

Ở chiều ngược lại, dòng vốn từ các khu vực khác lại đang có xu hướng chảy mạnh về quốc gia này. Chính phủ Myanmar và Nhật gần đây đã phát triển mối quan hệ kinh tế lên một mức cao chưa từng có với những dự án nổi bật như đặc khu kinh tế Thilawa rộng 400-acre.

Trái ngược với Trung Quốc, vốn đầu tư của các DN Nhật vào Myanmar đã tăng hơn 10 lần trong khoảng thời gian cuối 2012 tới cuối 2013.

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư

Cuộc họp các Quan chức cấp cao (SOM) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hôm 9/6 tại Yangon, Myanmar vừa qua là lần đầu tiên Myanmar đứng ở vị trí chủ nhà tiếp đón đại diện của hàng chục quốc gia; đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình đa dạng hóa các quan hệ của nước này.

{keywords}

Myanmar đang mở rộng cánh cửa với những thay đổi và cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Trong thời gian vừa qua, Myanmar đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của mình với những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác với nhiều nước lớn như Mỹ và Anh, chứ không còn quá tập trung vào một khu vực, một đối tượng nào.

Bản thân các lãnh đạo của Myanmar cũng đã tuyên bố công khai không phản đối các đối tác truyền thống nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy xu hướng thân thiện với nhiều đối tác khác trên thế giới đang được đẩy mạnh.

Rất nhiều quốc gia khác cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt với Myanmar. Trong một hội nghị chuyên đề: “Myanmar now; Myanmar’s recent moves and its relationship with Japan viewed from Southeast Asia” gần đây, nhiều chuyên gia thúc đẩy Nhật đẩy mạnh đầu tư vào nước này. Bên cạnh đó, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Singapore… cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Myanmar.

Myanmar đang mở rộng cánh cửa với những thay đổi và cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và hầu hết các nước phương Tây đã dỡ bỏ lệnh cấm vận. Điều này biến Myanmar trở thành một thị trường đầy hứa hẹn với quy mô 60 triệu người, được ví như mảnh đất cuối cùng chưa được khai phá nên ai cũng muốn có phần.

Ở chiều ngược lại, sự im tiếng của nhiều DN Trung Quốc, sự thất bại của những gã khổng lồ trong lĩnh vực viễn thông tại Myanmar, cùng với nhiều dự án lớn đang bị dừng vô thời hạn cho thấy đã có một khoảng cách trong hợp tác đầu tư giữa Myanmar.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là một đối tác lớn của Myanmar với vị trí dẫn đầu về FDI và thương mại. Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào nhiều dự án trong số đó liên quan tới an ninh kinh tế và an ninh năng lượng như dự án đường ống dẫn dầu khí từ Côn Minh, Trung Quốc tới cảng Kyaukpyu của Myanmar trị giá hàng tỷ USD.

Mặc dù vậy, sự hấp dẫn của Myanmar không chỉ dành riêng cho ai và chính Myanmar cũng mong muốn đa dạng hóa các hợp tác quốc tế. Không những thế, quyết định ngừng hàng loạt các dự án trị giá nhiều tỷ USD của Trung Quốc với lý do ảnh hưởng tới môi trường, nằm trên các vùng lịch sử… cho thấy những thay đổi đáng lưu ý.

Vào 2015, khi mà Myanmar tiến hành tổng tuyển cử, rất có thể sẽ còn những thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách của quốc gia này. Myanmar rất có thể sẽ chứng kiến nền kinh tế phát triển mạnh và minh bạch hơn nữa. Điều đó sẽ khiến cho những dự án chỉ nặng đào bởi tài nguyên, xâm phạm môi trường văn hóa hay tiềm ẩn những rủi ro ngoài kinh tế sẽ có ít cơ hội hơn.

Văn Minh