Tại tòa, ông Kiên cho biết giữa ông và ông Trần Đình Long (bầu Long) – chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã hợp tác với nhau nhiều dự án lên dến nhiều nghìn tỷ.
Ngày 9/6, tòa sơ thẩm đã tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) tổng hình phạt 30 năm tù cho các tội danh: cố ý làm trái, kinh doanh trái phép, chiếm đoạt tài sản.
Tội danh nặng nhất, chiếm đoạt tài sản với mức án 20 năm tù liên quan đến một khoản đầu tư chung của ông Kiên với tập đoàn Hòa Phát.
Tại tòa, ông Kiên cho biết giữa ông và ông Trần Đình Long (bầu Long) – chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã hợp tác với nhau nhiều dự án lên dến nhiều nghìn tỷ. Quả thực giữa Hòa Phát và công ty của Nguyễn Đức Kiên đã có một số thương vụ hợp tác đầu tư lớn như thành lập công ty Thép Hòa Phát, Bất động sản Hòa Phát Á châu hay Xi măng Hòa Phát.
Tại những thương vụ trên, thì phía Hòa Phát hoặc là đã thoái vốn toàn bộ (xi măng Hòa Phát, bất động sản Hòa Phát Á châu) hoặc là đã mua lại để sở hữu toàn bộ (Thép Hòa Phát).
Xi măng Hòa Phát
Xi măng Hòa Phát đã bán lại cho Hoàng Phát Vissai |
Xây dựng từ tháng 4/2007 tại huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Phía Hòa Phát góp một nửa trên tổng số 600 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty này. Công ty Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) của ông Kiên góp 120 tỷ, tương đương 20% cổ phần.
Giai đoạn 1 của dự án có công suất 1 triệu tấn/năm. Không lâu sau khi đi vào vận hành, Xi măng Hòa Phát đã được bán lại cho Tập đoàn Hoàng Phát Vissai và đổi tên thành CTCP Xi măng Vissai 3. Thương vụ này diễn ra khá “âm thầm”.
Việc bán công ty Xi măng Hòa Phát có thể nằm trong chiến lược tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất và kinh doanh thép của Hòa Phát.
Khu liên hợp gang thép Kinh Môn – Hải Dương
Hòa Phát và ACBI đã cùng góp vốn để thành lập CTCP Thép Hòa Phát nhằm thực hiện Khu liên hợp gang thép tại huyện Kinh Môn, Hải Dương. Tỷ lệ góp vốn tương ứng là 85%-15%.
Khu liên hợp này hiện là nơi sản xuất thép quan trọng của Hòa Phát.
Tháng 5/2012, phía Hòa Phát đã đề nghị mua lại 10% cổ phần của Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng. Dù số cổ phần này đang được thế chấp tại ACB nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo công ty ACBI chuyển nhượng cho Hòa Phát. Đây là cơ sở để cơ quan điều tra truy tố ông Kiên tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến tháng 9/2013, một năm sau khi ông Kiên bị bắt, phía Hòa Phát đã công bố mua lại và nâng tỷ lệ sở hữu tại Thép Hòa Phát lên 99,99%.
CTCP Bất động sản Hòa Phát – Á châu
Công ty B&B của Nguyễn Đức Kiên đã cũng với Hòa Phát thành lập CTCP Bất động sản Hòa Phát – Á châu. Công ty B&B đã 2 lần góp vốn vào công ty này, lần đầu là 426 tỷ đồng, lần 2 là 55 tỷ đồng. Phía Hòa Phát góp 152 tỷ đồng.
Tháng 7/2010, Công ty Bất động sản Hòa Phát Á châu cùng với Hòa Phát, ACB và Viettel đã thành lập liên danh đề nghị UBND TP Hà Nội được lập dự án đầu tư xây dựng Nhà hát Thăng Long, đổi lại liên doanh này sẽ được khai thác quỹ đất xây khu đô thị rộng tới 600 ha tại Đông Anh.
Bất động sản Hòa Phát Á châu hiện có một khoản ủy thác trị giá 449 tỷ đồng cho Hòa Phát để Hòa Phát đầu tư vào CTCP Phát triển đô thị Vinaconex-Viettel. Trong giao dịch này, Hòa Phát chỉ đóng vai trò “giao dịch hộ”, mọi trách nhiệm, rủi ro cũng như mức sinh lời của khoản đầu tư này thuộc về Bất động sản Hòa Phát Á châu.
Khoản đầu tư này là một trong việc liên danh Vinaconex – Viettel – Hòa Phát - ACB cam kết góp 3000 tỷ cho Thành phố Hà Nội để thực hiện dự án đại lộ Thăng Long. Đổi lại, Hà Nội sẽ giao cho liên danh trên làm chủ đầu tư khu đô thị Tây Mỗ, Đại Mỗ với quy mô gần 300ha.
Bóng đá
Ông Long và ông Kiên đã một thời gian dài cùng nhau làm bóng đá. Tháng 9/2011, khi bầu Long quyết định ngừng đầu tư vào bóng đá và giải thể đội bóng Hòa Phát Hà Nội thì câu lạc bộ Hà Nội ACB của Nguyễn Đức Kiên đã tiếp nhận đội bóng này.
(Theo Trí Thức Trẻ)