Ngay khi có được thân chiếc hộp vàng, các nhà khoa học đã xác định đây là cổ vật vô cùng quý hiếm, có niên đại vào thời Trần.
Giấc mơ lạ chỉ dẫn vị sư tìm chiếc hộp vàng ròng
Vào ngày 21/6/2012, theo lịch trình, sư Thích Quảng Hiển (trụ trì chùa Trung Tiết, Đông Triều Quảng Ninh) cũng với đoàn phật tử lên am Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch để chiêm bái. Đoàn người khá đông chuẩn bị lên đường theo lối Tây Sơn. Lối đi này đường dốc, nhưng gần, dễ đi. Đây là tuyến đường hành hương chính để lên am Ngọa Vân.
Thế nhưng, khi mọi người chuẩn bị lên đường, thì trong lòng sư Thích Quảng Hiển cứ có cảm giác lạ, thấy bất an. Tự dưng, ông nảy ra suy nghĩ đi lối hồ Trại Lốc.
Thời điểm đó, con đường hành hương từ Trại Lốc, qua các di chỉ khảo cổ Thông Đàn đang được mở, khôi phục lại tuyến đường lên am Ngọa Vân thời xưa. Sư Hiển tự dưng thay đổi tuyến đi, dù đường xa hơn, vất vả hơn, là để muốn xem xét quá trình thi công đường sá thế nào. Một số người phản đối đi lối Trại Lốc, vừa xa, vừa vất vả, nhưng sư Hiển đã quyết, nên mọi người phải đồng ý.
Chùa Trung Tiết, nơi sư Quảng Hiển trụ trì |
Sáng sớm, khi mặt trời chưa ló khỏi đỉnh núi, thì đoàn người lên đường. Vòng qua hồ Trại Lốc thì vào khu vực nơi người Tàu khi xưa sinh sống. Khu vực đó vốn là vườn vải, đang được máy móc san ủi, như một công trường ngổn ngang.
Đang rón rén từng bước, tránh những vũng nước, thì sư thầy nhìn thấy một vật lạ có màu đen xỉn nhưng ánh lên vài tia vàng chóe. Vật ấy hình khum tròn, nằm nghiêng, 1 phần phát lộ, còn 4 phần vẫn chìm dưới lòng đất. Nhìn vật ấy mà không suy nghĩ gì, nên sư thầy tiếp tục đi.
Tuy nhiên, những bước chân dường như có gì níu lại. Đi được một đoạn, dừng chân nghỉ ngơi, ông chợt suy nghĩ về vật lạ, thế là ông quay lại. Ông dùng mũi giày vải dũi dũi vào vật lạ. Mũi giày làm tuột lớp ngoài đen xỉn, lộ ra màu vàng rực rỡ. Ông moi vật lạ lên và biết là cổ vật, chứ chưa nghĩ là vật báu bằng vàng.
Khi đó, các phật tử vẫn tiếp tục hành hương, chỉ có một kỹ sư chỉ đạo công trường ở gần đó. Ông nhờ vị kỹ sư này đem xuống suối rửa sạch. Ông còn dặn vị kỹ sư kia rửa ráy cẩn thận, kẻo làm hỏng cổ vật. Lát sau, vị kỹ sư kia mang cổ vật từ dưới suối lên, với ánh mắt kinh ngạc đưa lại cho sư thầy. Vật ấy chính xác là vàng ròng.
Sư thầy Thích Quảng Hiển, người có duyên lượm được báu vật |
Lượm được chiếc hộp vàng ròng, nhưng nhà sư Thích Quảng Hiển cùng đoàn phật tử không quay lại, mà tiếp tục hành hương lên am Ngọa Vân. Quay trở về chùa, vài hôm sau, sư thầy Thích Quảng Hiển đã thông báo với chính quyền địa phương, bàn giao cho UBND huyện Đông Triều bảo quản, lưu giữ.
Nhưng, điều kỳ lạ nữa xảy ra, là hôm bào giao vật báu, nắp chiếc hộp tự dưng biến đâu mất. Vậy nên, cuộc bàn giao diễn ra khi chỉ có thân chiếc hộp.
Ngay khi có được thân chiếc hộp vàng, các nhà khoa học đã nhanh chóng vào cuộc và xác định đây là cổ vật vô cùng quý hiếm, có niên đại vào thời Trần.
Khu vực An Sinh là nơi phát tích của triều Trần, cũng là nơi các vua Trần về an dưỡng tuổi già, tu thiền và an nghỉ, do đó, toàn bộ khu vực An Sinh dày đặc các di tích, vố số cổ vật. Tuy nhiên, cổ vật bằng vàng ròng thì đây là lần đầu tiên tìm thấy. Chính vì xác định được tầm quan trọng, cũng như giá trị của cổ vật, mà chính quyền đã vào cuộc truy tìm ráo riết.
Điều kinh ngạc tiếp theo đã xảy ra, là sau vài hôm bàn giao phần thân, thì chiếc nắp cổ vật đã biến mất bí ẩn bỗng dưng… tìm về.
|
Chiếc hộp vàng có niên đại thời Trần |
Sư thầy Thích Quảng Hiển cho biết: “Tôi cất giữ chiếc hộp vàng ở chùa, thế nhưng, một buổi sáng, tự dưng chiếc nắp biến mất, dù tôi đã bảo quản rất kỹ càng. Thế rồi, vài hôm sau, chiếc nắp hộp lại bỗng dưng xuất hiện trước mắt tôi.
Nếu là trộm đột nhập, thì sẽ phải mất cả, chứ không thể chỉ mất phần nắp. Không tìm thấy nắp, nên tôi đành phải bàn giao thiếu. Nào ngờ, vài hôm sau, thì tôi tìm thấy chiếc hộp trong phòng ngủ của mình, nó sờ sờ trước mắt. Khi tìm lại được chiếc nắp, tôi đã lập tức bàn giao nốt cho chính quyền địa phương.
Dù trong giấc mơ, cụ già báo mộng tôi nhặt được vàng để xây chùa, và tôi đã lượm được vàng thật, nhưng xác định đây là vật báu của quốc gia, nên tôi không thể giữ cho riêng mình được, mà phải giao nộp theo đúng quy định pháp luật”.
Theo sư trụ trì Thích Quảng Hiển, sau khi lượm được vật báu, ông đã quay lại khu vực Trại Lốc, nơi công trường thi công đường lên am Ngọa Vân trên đỉnh Tây Yên Tử để hỏi han thêm thông tin. Theo các kỹ sư xây dựng, thì khu vực sư Hiển nhặt được di vật quý đã được máy xúc đào sâu và san gạt thành mặt bằng.
Như vậy, chiếc hộp vàng ròng này đã nằm sâu dưới lòng đất, còn di vật đã nằm bao nhiêu năm dưới lớp đất rừng rú ấy, thì mỗi người phán đoán một kiểu.
Cổ vật gạch thời Trần ở đền Trần |
Người thì cho rằng, thời Trần đã chôn giấu báu vật dưới lòng đất. Một số ý kiến cho rằng, người Tàu tìm sang Trại Lốc săn tìm kho báu, rồi sinh sống ở vùng đất này đã đào trộm các kho báu của nhà Trần, rồi cất giấu dưới lòng đất. Mặc dù họ cất giấu rất kỹ, nhưng vô tình máy xúc đã đào bới trúng kho báu, và moi lên một di vật, đó là chiếc hộp vàng ròng. Còn kho báu ở địa điểm nào cụ thể, thì chưa ai xác định được.
Cũng có lời đồn cho rằng, chính người Tàu đã đúc vàng thành nhiều loại cổ vật, chẳng hạn như chiếc hộp vàng, rồi hóa trang thành những vật dụng bình thường, để vận chuyển về nước hồi thập kỷ 80. Tuy nhiên, chiếc hộp vàng vô tình rơi rớt lại và vị nhà sư kia đã có duyên lượm lại được.
Sau khi nhà sư Thích Quảng Hiển nhặt được chiếc hộp vàng, cư dân trong vùng trở nên sôi sục. Rất nhiều người lạ mặt từ nơi khác tìm đến, với cả máy dò kim loại rà tìm khắp vùng Trại Lốc, đặc biệt là khu vực mở đường lên am Ngọa Vân, nơi sư Quảng Hiển nhặt được vật báu. Tuy nhiên, có đoàn nào tìm thấy kho báu hay không, thì không ai nắm rõ.
Ngay sau khi chiếc hộp vàng được giao nộp, chính quyền huyện Đông Triều đã mời các chuyên gia ở Hà Nội về nghiên cứu. Thạc sỹ Nguyễn Văn Anh, người có nhiều năm nghiên cứu, khai quật khảo cổ ở du di tích nhà Trần ở Đông Triều là nhà nghiên cứu đầu tiên tiếp cận chiếc hộp vàng ròng này.
Trong tài liệu nghiên cứu của mình, Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh mô tả tỉ mỉ về chiếc hộp: Chiếc hộp được chia thành hai phần riêng biệt, gồm phần thân và phần nắp. Chiều cao toàn bộ thân hộp là 4,2cm, đường kính miệng 4,90cm, đường kính thân chỗ lớn nhất là 5,1cm, đường kính chân đế 3,5cm.
Ngày 9/10/2012, Hội đồng Giám định cổ vật, thuộc Bộ VHTT&DL đã tiến hành giám định chiếc hộp trước sự chứng kiến của của lãnh đạo Sở VHTTDL, Công an tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Đông Triều. Kết quả cho thấy, chiếc hộp được làm hoàn toàn bằng vàng ròng, có trọng lượng tương đương 1,5 cây vàng.
PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đánh giá rất cao cổ vật vàng ròng được tìm thấy ở Đông Triều. Theo TS. Chiến, toàn bộ phần thân của chiếc hộp được trang trí hoa văn cánh sen.
Khi đóng nắp hộp, thì chiếc hộp mang hình dáng của bông hoa sen đang độ mãn khai. Nắp hộp được tạo tác vô cùng công phu, với 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm, là hình ảnh của một đài sen. Ngoài cùng có tới 11 cánh, lớp cánh thứ hai có 33 cánh, lớp thứ 3 có 28 cánh và lớp trong cùng có 15 cánh. Ở tâm đài sen, giữa nắp hộp là chiếc núm như một đài sen nhỏ. Giữa các lớp cánh sen là đường chỉ nổi và riềm văn chấm tròn như nhụy hoa tạo nổi rất tinh tế.
TS. Nguyễn Đình Chiến nhận định: “Đặc sắc nhất của chiếc hộp vàng là bên trong tất cả các cánh sen từ nắp đến thân lại được chạm khắc chìm hoa chanh 4 cánh cực kỳ tinh tế, mềm mại. Xung quanh hoa chanh điểm xuyết những cành lá mềm, các vòng tròn nhỏ để tạo kiểu nền gấm. Bao quanh các đường riềm của từng cánh sen cũng được trang trí hoa văn dây lá mềm rất công phu và đẹp.
Những hoa văn cánh sen nổi, hoa chanh, đường viền chấm nổi thường gặp trên các cổ vật bằng gốm men và đá thời Trần, do đó, có thể tin rằng chiếc hộp này được chế tạo vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV).
Phân tích những hoa văn trên chiếc hộp, có thể khẳng định rằng, chiếc hộp vàng này được làm ra bởi một bàn tay nghệ nhân cực kỳ điêu luyện, và quá trình làm ra chiếc hộp cũng hết sức công phu. Thứ vật dụng tinh tế như thế này, phải là vật của những người quyền quý đương thời”.
(Theo VTC)