“Ràng buộc là đúng thôi, vì đại gia giao cả tính mạng bản thân và người nhà, tài sản cho người bảo vệ. Trên thế giới và ngay cả Việt Nam cũng đã xảy ra những chuyện “động trời” liên quan đến sự phản thùng của vệ sỹ đối với ông chủ”, anh Thống nói.
Ràng buộc sinh - tử
Anh Đại Hoàng bộc bạch: “Vì có chút năng khiếu võ thuật và tính khí khác người là “thấy chuyện bất bình giữa đường, chẳng tha” nên tôi chính thức trở thành “dân xã hội” từ năm 18 tuổi. Cô phải biết rằng, những năm 80 của thế kỷ trước, trở thành giang hồ là một nỗi nhục của cha mẹ. Tôi đem theo nỗi nhục đó vào đời với tâm thế phải kiếm thật nhiều tiền để cha mẹ hiểu rằng, có nhiều tiền thì nỗi nhục sẽ được gột rửa”. Thế mới biết, triết lý sống của người bảo vệ chuyên nghiệp, già dơ cũng góc cạnh ra trò đấy chứ!
Trước khi được ông chủ H. đầu tư, anh Hoàng đã từng nhận giải quyết vài phi vụ cho ông H. Theo anh Hoàng, đó là những phi vụ khó, không đơn thuần chỉ là doạ dẫm, đánh đấm. Giải quyết xong hợp đồng, anh Hoàng cũng không hề chú ý gì đến ông H. nữa. Hai bên không liên lạc gì với nhau. Sau đó hơn một năm, trong một lần vô tình gặp mặt trên đường lại là một vụ va chạm giao thông. Tài xế lái xe ô tô của ông H. va chạm với xe của một “dân xã hội”. Cạy thế ông chủ quen biết nhiều, người tài xế xuống xe, đóng cửa lại và có lời lẽ lăng mạ người lái xe va chạm. “Dân xã hội” trên xe đã xuống, yêu cầu lái xe của ông H. mở cửa, mời ông H. xuống nói chuyện. ông H. không xuống, “dân xã hội” đập vào kính xe, buộc lái xe mở cửa, “dân xã hội” lôi ông H. ra khỏi xe và gí kiếm vào cổ, yêu cầu lái xe của ông H. phải quỳ xuống xin lỗi và đền bù mọi thiệt hại. ông H. im lặng, loay hoay định gọi điện thoại thì bị “dân xã hội” giật điện thoại, ném vào trong xe ô tô siêu sang... Chứng kiến những cảnh đó, anh Hoàng đứng ra giải quyết. Nhìn thấy Hoàng, ông H. như bắt được vàng.
Nghe Hoàng phân tích, ông H. yêu cầu lái xe xin lỗi mấy người “dân xã hội” và mời anh Hoàng đến trụ sở công ty chơi. Thế là, anh Hoàng bắt đầu từ bỏ giang hồ, chuyển hẳn sang làm nghề bảo vệ đại gia với cam kết “mạng đổi mạng”. Anh Thống bật mí: “Bản cam kết được ông chủ H. làm bốn bản; mỗi bên giữ hai bản. Cam kết được luật sư soạn thảo với các điều khoản ràng buộc rõ ràng. Mọi điều khoản liên quan đến quyền lợi, ông chủ H. rất mở nhưng điều khoản liên quan đến trách nhiệm, xảy ra hậu quả nghiêm trọng do ý thức chủ quan của con người được xác định nó xuất phát từ sự phản bội, được ghi rất rõ, chi tiết. Ngày đó, anh Hoàng phải mang hết tài sản và vợ đến để cầm cố với ông chủ H. Vợ anh Hoàng được bố trí làm việc ở văn phòng công ty. Con anh Hoàng đi học cũng phải học ở trường do ông chủ H. chỉ định...”.
Huấn luyện vệ sỹ - ảnh minh họa |
Tôi hỏi “mất tự do như thế, phải cược cả gia tài, mạng sống, thu nhập được bao nhiêu mà đánh đổi?”. Anh Hoàng thừa nhận: “Với những người nhiều tiền, có uy tín như ông chủ H. tiền không thành vấn đề mà họ quan trọng ở lòng trung thành. Thu nhập ông chủ H. trả cho tôi, tôi đủ nuôi gia đình sống tốt và còn một khoản tiết kiệm nữa. ông chủ cho vợ, con tôi vào công ty làm việc. Vợ, con phù hợp với vị trí làm việc nào, được sắp xếp vào chỗ đó. Còn con gái nhỏ học lớp 12, được ông chủ cho học ở trường tư thục, được đầu tư học tiếng Anh. Thằng con trai lớn, ông chủ nuôi bốn năm học đại học Kinh tế, giờ cháu đang làm ở phòng Kinh doanh. Triển vọng rất tốt và đang được ông chủ cho học làm người quản lý, CEO gì đó”.
Những phi vụ “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Anh Đức Tính, người được đi học nghề bảo vệ chuyên nghiệp tại Canada, với khoá học 18 tháng, cùng thời với anh Thống, anh Hoàng, kể chuyện anh được ông chủ T. nhận làm “người giúp việc” một cách tình cờ nhưng bắt đầu từ tiếng tăm mà “dân xã hội” đồn thổi trong giang hồ.
Trò chuyện cởi mở với tôi, anh Tính cho rằng, làm người bảo vệ chuyên nghiệp cho ông chủ nhiều của cải, ngoài danh tiếng của bản thân thì còn phải có “cơ duyên” mới làm việc được với nhau. ông chủ T. giàu đến cỡ nào thì không ai biết nhưng ông ta là người thứ hai dám chi một khoản tiền lớn cho sự an toàn của bản thân, gia đình và tài sản. Thuyết của ông chủ T. rất đơn giản rằng: “Còn người còn của; người làm ra của cải; sức khoẻ và sự an toàn là quan trọng nhất”.
Anh Tính thừa nhận, anh không phải là sự lựa chọn đầu tiên, số một của ông chủ T. Người đầu tiên ông chủ T. nhắm đến là một võ sư, đầu trọc lốc, cũng có “tướng tá” của “dân xã hội” nhưng lại là một viên chức Nhà nước.
Thế nhưng, người này quá cao ngạo, lại không hợp tuổi với tuổi của ông T. nên sau một thời gian ngắn, ông chủ T. đã “dừng hình” với võ sư này. Khi “dừng hình”, võ sư này cũng quấy quả ông chủ T. một thời gian. ông chủ T. phải chi một khoản tiền cho võ sư và chính vì lần đầu tiên này mà ông chủ T. quyết định phải thuê người bảo vệ chuyên nghiệp để tránh rủi ro cho bản thân và gia đình.
Biết tiếng tăm trong giang hồ của anh Tính, ông chủ T. chủ động tìm hiểu và thấy tuổi, mệnh, mạng phù hợp với mình, qua một người bạn của anh Tính, ông chủ T. gặp gỡ và chính thức đưa ra lời đề nghị. Buổi đầu, hai bên chuyển thông số cho nhau cùng những đề nghị, yêu cầu nếu hợp tác. Anh Tính tâm sự: “Lúc đó, tôi băn khoăn lắm. Mẹ thì già yếu, vợ thì dại mà con còn nhỏ. Tôi chưa bao giờ xa nhà đến quá nửa tháng”. “Vậy làm thế nào?”, tôi hỏi. “Bàn với mẹ, với vợ, cả hai người đều động viên tôi nhận lời ông chủ T., vì cho rằng, ông ấy là người “đức cao, vọng trọng”, “theo hầu” ông ấy sẽ không thiệt thòi lại còn học được nhiều điều. Giang hồ hiểm ác, không phải là nghề, hơn nữa, chẳng nhẽ lại mang danh giang hồ đến cuối đời cho con cái hưởng sao?”, anh Tính nói.
Bây giờ, khi đã làm tổ trưởng tổ giúp việc cho ông chủ T., gắn với ông chủ như môi với răng, anh Tính vẫn phải thừa nhận rằng, phong cách làm việc của ông T. rất chuyên nghiệp. Những quyết đáp về mặt con người, ngoài trình độ thì ông chủ T. còn ưu tiên những độ tuổi hợp với mệnh, mạng của ông để xem xét. Tất nhiên, việc trên chỉ diễn ra với những nhân sự quan trọng, ở cạnh ông chủ, làm chủ bộ phận quan trọng nào đó trong doanh nghiệp mà thôi.
Tôi tò mò: “Thù lao của anh thế nào? Gấp nhiều lần so với ngày ở chốn giang hồ không?”. Nghĩ vài phút, anh Tính lấp lửng: “Sống khoẻ, được đối đãi như con người với con người, ít nhìn thấy máu nên tuổi thọ chắc tăng hơn. Ngày nào cũng luyện võ công cùng với các cháu trong tổ giúp việc...”.
Dân trong nghề và bí mật bên lề Anh Thống kể: “Thường cứ một quý, những người bảo vệ chuyên nghiệp có lịch gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau một lần. Ai bận tháp tùng ông chủ đi nước ngoài hoặc công tác không về được thì phải báo trước. Ngày gặp mặt cũng là một ngày cố định trong quý, có thể là ngày Chủ Nhật của tuần cuối của tháng cuối quý. Trước đó, nhiều ông chủ không thích cho người bảo vệ gặp gỡ nhau, vì sợ lộ thông tin. Sau khi phân tích, ông chủ thấy cần thiết và đồng ý”. “ Trong buổi gặp đó, các anh chia sẻ với nhau những gì?”. Anh Thống thẳng thắn: “Chỉ là câu chuyện nghề nghiệp, tình huống hiếm gặp thôi. Đời tư hay những công việc của ông chủ, có biết, chúng tôi cũng không nói. Chúng tôi là những người bảo vệ chuyên nghiệp mà”. Tôi đùa: “Tích lại các chuyện, về hưu, viết tự truyện, kiểu gì cũng kiếm bộn tiền đấy!”. Anh Thống cười mà rằng: “Chuyện đó, hồi sau sẽ rõ”. |
(Theo Đời sống & Pháp luật)