Hiếm có sản phẩm nào có “tầm phủ sóng” rộng như mì ăn liền khi tốc độ tăng trưởng của thị trường mì ăn liền Việt Nam luôn trong top đầu và sẽ tiếp tục tăng.
Cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu mì ăn liền
Thị trường mì ăn liền Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mới đây, Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết mức tiêu thụ sản phẩm này tại Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Theo đó, tổng sản lượng thị trường trong nước hiện ở mức khoảng hơn 7 tỉ gói/năm, cùng doanh thu hơn 20.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 4 năm trước đây, thị trường mì ăn liền tăng trưởng tới 24%. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng chững lại, chỉ đạt khoảng 5% nhưng thị trường vẫn được xem là “miếng bánh ngon” cho nhiều ông lớn.
Doanh nghiệp Việt không dẫn đầu thị trường mì ăn liền Việt nhưng những ông lớn như Masan, Asia Foods hay Vifon đều khẳng định vị thế của mình. Hiện, Masan Consumer là doanh nghiệp Việt chiếm thị phần cao nhất với tỉ lệ 16,5%. Asia Food chiếm thị phần 12,1%. Vina Acecook, công ty có vốn đầu tư từ Nhật Bản đang dẫn đầu thị trường với thị phần 51,5%. Vina Acecook đang sở hữu hơn 20 nhãn hiệu mỳ... Như vậy, 3 “ông lớn” của ngành đã nắm giữ hơn 80% thị phần. 20% còn lại dành cho các thương hiệu nhỏ hơn như Miliket – Cosula, Vifon,… theo khảo sát của VTC.
DN Việt không dẫn đầu thị trường mì ăn liền Việt, nhưng những ông lớn như Masan hay Asia Foods đều khẳng định vị thế của mình |
Các nhà sản xuất cho biết, khẩu vị ẩm thực của người tiêu dùng ngày nay cũng đa dạng nên sản phẩm phải đáp ứng khẩu vị thì mới được chấp nhận. Điều này cho thấy, cạnh tranh trên thị trường mì ăn liền hiện khá gay gắt. Thương hiệu nào chậm đổi mới về kiểu dáng, chất lượng là sẽ bị loại bỏ ngay.
Cuộc đua thật sự khốc liệt khi các đại gia không ngừng rót vốn vào sản xuất mì ăn liền. Năm 2012, Vina Acecook đã tăng thêm vốn 10 triệu USD và đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Tp.HCM có quy mô, công nghệ thuộc loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Chiếm lĩnh thị trường mì ăn liền bằng quảng cáo
Theo DDDN cho biết việc cạnh tranh trên thị trường mì ăn liền chỉ bắt đầu bùng nổ và một xu hướng phát triển kinh doanh dựa vào tiếp thị hình ảnh, truyền thông chỉ thực sự xuất hiện khi liên doanh sản xuất mì Vifon Acecook hình thành vào năm 1993. Cuộc cạnh tranh trên thị trường cũng khá quyết liệt cả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trước hết, phải kể đến Vina Acecook, thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này. Vina Acecook nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng được bảo chứng bởi công nghệ Nhật Bản. Trong khi đó, Vifon lại tạo dựng sức mạnh từ một thương hiệu lâu đời nhất Việt Nam và đã chứng thực được niềm tin thông qua mạng lưới xuất khẩu rộng khắp và cả ở những thị trường khó tính, có yêu cầu cao.
Đặc biệt, khi Massan tung ra dòng sản phẩm Omachi thì quả là một bước đột phá trong công nghệ “lăng xê” mì gói. Việc lựa chọn phân khúc cấp trung và chuyển tải một thông điệp rất thiết thực “không sợ nóng” là một lựa chọn chiến lược xuất sắc của Massan.
Rõ ràng là, đã qua rồi cái thời mì sản xuất ra không kịp bán, chẳng cần phải quảng cáo. Giờ đây, cho dù sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp nhưng nếu không có chiến lược truyền thông một cách bài bản thì thua là cầm chắc. Và vì nhiều lẽ, đây cũng là điểm yếu của các công ty trong nước.
Không có “đất” cho mì ăn liền Trung Quốc
Ưu điểm lớn nhất của hàng Trung Quốc chính là giá rẻ. Nhưng trong thị trường mì ăn liền, giá rẻ không còn là ưu điểm của hàng Trung Quốc nữa vì các đại gia Việt Nam và Nhật Bản đã lấp đầy mọi phân khúc. Ở phân khúc cao cấp, Masan Consumer chiếm lĩnh với các thương hiệu như Omachi. Ở phân khúc trung cấp có mì Tiến Vua.
Còn ở phân khúc bình dân – phân khúc hàng Trung Quốc thường chiếm ưu thế trong nhiều ngành, thị trường cạnh tranh quyết liệt với nhiều nhãn hiệu đắt khách. Masan Consumer có Kokomi, Asia Food có mì Gấu Đỏ và đặc biệt Vina Acecook có Hảo Hảo.
Có thể thấy, ngay tại phân khúc lợi thế nhất, mì ăn liền Trung Quốc khó có cửa cạnh tranh. Nếu bánh kẹo Trung Quốc dù “bại trận” trước đại gia Việt nhưng vẫn chiếm được một số địa bàn nhất định như chợ truyền thống và cổng trường tiểu học, trung học thì mì ăn liền Trung Quốc hoàn toàn trắng tay.
Phải đối mặt với những ông lớn trên thị trường Việt, mì ăn liền Trung Quốc còn gặp khó khi “mang tiếng” bởi “đồng nghiệp” ở quê nhà. Các đây hơn 1 năm, dư luận thế giới xôn xao với thông tin cảnh sát Côn Minh (Trung Quốc) phát hiện một nhóm nhỏ các nhà máy hoạt động trái phép tại khu vực phía Tây Nam thành phố bị nghi ngờ sản xuất hàng trăm tấn mì nhiễm độc.
Không chỉ có vậy, thông tin hàng trăm thùng mỳ ăn liền của Công ty TNHH Thực phẩm Jinmailang Nissin, một công ty ở Trung Quốc đã bị thu hồi vì bị phát hiện có hàm lượng axit cao, gây nôn mửa, tiêu chảy và ảnh hưởng tới gan cũng khiến mỳ ăn liền Trung Quốc mất điểm, theo ý kiến của Người lao động.
(Theo Viet Q)