- Hàng năm, đi lại từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Đà Lạt, TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tuyến đường 23-10 nối đường Nha Trang - Đà Lạt với Quốc lộ 1A quá tải và úng ngập 2-3 tháng.

Ông Lê Thành Trực, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông và thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, cho biết, từ khi có tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt (dài 130 km) việc lưu thông, kết nối du lịch giữa hai địa danh Đà Lạt và Nha Trang đã trở nên thuận lợi.

Tuy nhiên do hết vốn đầu tư nên 10 năm nay tuyến đường này khi vào địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa gần như trở thành một con đường cụt. Tuyến đường duy nhất nối từ đường Nha Trang - Khánh Hòa tới Quốc lộ 1A là Đường 23-10 đã xuống cấp, quá tải lưu lượng phương tiện và cứ tới mùa mưa là ngập úng 2-3 tháng.

“Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương, đi lại từ Nha Trang tới TP Đà Lạt và TP.HCM”, ông Trực nói.

{keywords}

Tuyến đường hiện đại nối từ Đà Lạt về Nha Trang bị “cụt” tại địa phận huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai thực hiện dự án đường Cao Bá Quát- Cầu Lùng nhưng do nhiều lý do nên đến giờ dự án vẫn đang triển khai ì ạch.

Cuối năm 2009, theo đề nghị tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai thực hiện dự án đường Cao Bá Quát- Cầu Lùng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT với nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Sau đó, Khánh Hòa đã lựa chọn nhà đầu tư, liên danh Công ty CP Đầu tư Bất động sản Thành Đông và Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên do dự án chưa được bố trí nguồn trái phiếu Chính phủ và nhà đầu tư không sắp xếp được tài chính nên đến đầu năm 2013 vẫn chưa ký kết được hợp đồng BT.

Để đảm bảo tính khả thi, hoàn thành dự án theo tiến độ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấm dứt đầu tư dự án theo hình thức BT và cho phép thực hiện dự án và 2 khu tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây do ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký duyệt cho biết, việc hoàn thành, đưa tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng (song song với tuyến đường 23/10) vào khai thác, sử dụng sẽ đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông, do giảm bớt lưu lượng xe đi vào trung tâm thành phố; tạo động lực khởi đầu, thu hút đầu tư các dự án để phát triển Nha Trang.

Do tính cấp bách của dự án, năm 2014 Bộ Tài chính đã đồng ý cho Khánh Hòa tạm ứng 500 tỉ đồng từ vốn kho bạc nhà nước (và đã phân bổ 350 tỉ đồng) để triển khai dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay gói thầu đoạn 1 (từ đầu tuyến đến trụ sở UBND xã Vĩnh Thái) đã tổ chức đấu thầu và đã lựa chọn nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn - Công ty Xây dựng Yên Lạc - Công ty CP Xây dựng Đồng Tiến.

Tuy nhiên, “Nếu tổ chức đấu thầu giai đoạn 2 của dự án, thời gian thực hiện các thủ tục sẽ kéo dài và không thể hoàn thành dự án theo tiến độ đã xác định tại Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là hoàn thành vào cuối năm 2015”.

Vì thế, Khánh Hòa đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu và trừ tiết kiệm 2% đối với các gói thầu xây dựng giai đoạn 2 dự án xây dựng đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng và hai khu tái định cư. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc triển khai dự án Cao Bát Quát - Cầu Lùng và hai khu tái định cư trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, thuộc trường hợp đặc biệt được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Ông Lê Thành Trực cho biết qua 3 tháng triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, khoảng 800 hộ dân đã đồng thuận và ủng hộ việc sớm đẩy nhanh xây dựng tuyến đường này. “Việc sớm có tuyến đường Cao Bá Quát- Cầu Lùng không chỉ giúp phát triển giao thương, du lịch, tính kết nối giữa Nha Trang với TPHCM, Đà Lạt mà còn giúp cuộc sống của rất đông người dân sống trong khu vực này có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn”, ông Trực nói.

Hoàng Sang