Chỉ có ngồi sau vô-lăng ôtô và đi lại trong thành phố, mới thấy những chiếc xe máy di chuyển liều lĩnh và nguy hiểm nhường nào.
Đang lái xe êm ái với bản nhạc ưa thích, điều hòa mát mẻ và tốc độ chừng 50 km/h vì đường phố hôm nay không đông lắm, tôi giật mình đạp thắng. Cú rẽ trái bất ngờ của em xe máy làm gai ốc nổi khắp người. Cũng may tôi còn được ngồi đó để thở phào nhẹ nhõm vì tránh được cú va quệt không đáng có ấy.
Tôi hẳn sẽ không sao vì được bọc “sắt, da, nỉ, kiếng, nhựa...". Nhưng em xe máy kia mà lăn ra thì chỉ có nước da xương sẽ đi trước, sắt nhựa bước theo sau. Mà sắt thép thì vô tri vô giác chứ da thịt thì nhiều cảm xúc lắm.
Ngồi sau vô-lăng, lái xe ô tô luôn phải tập trung cao độ để đề phòng những chiếc xe máy đi ẩu |
Tôi bất ngờ, nhưng chắc các bạn còn bất ngờ nhiều lần hơn thế? Xe máy bây giờ ít ai bật xi-nhan báo hiệu. Người có ý thức tốt xi-nhan sớm, khi nào điều kiện thật an toàn thì mới rẽ. Nhưng số người như vậy chẳng thấm vào đâu. Vài kẻ biết sợ đưa tay ra vẫy vẫy. Nhưng xi-nhan thì kiên quyết không bấm. Cũng có người xi-nhan, nhưng mới bật xong đã rẽ ngay mà chẳng cần biết phía sau.
Có lần từ đại lộ Đông Tây rẽ ra Quốc lộ 1 về nhà, tôi chứng kiến 2 chiếc xe máy va vào nhau khá mạnh. Người phụ nữ trung niên đi xe máy sau lồm cồm ngồi dậy. Còn thanh niên trẻ chạy xe thứ nhất nằm lặng thinh.
Nguyên nhân đơn giản chỉ là xe thứ nhất từ hướng Long An chạy nhanh rẽ phải, không kịp báo cho xe sau nên cả hai cùng tai nạn. Tôi nhận thấy các bác, các chú, các bà và chị em hầu như không sử dụng gương chiếu hậu. Họ nghĩ chỉ cần quay đầu lại là đủ. Nhưng có biết đâu chỉ vì lười mà tai nạn mới xảy ra.
Nhiều bác vừa rước xe mới là thay luôn gương chiếu hậu cho xì-tai (style). Phần đông còn lại lắp gương trái chỉ nhằm đối phó với CSGT. Còn phụ nữ, họ dùng gương để trang điểm thì phải. Hoặc là chiếu vào mặt, hoặc bẻ xuống đất. Nguy hiểm quá!
Điều không thể phủ nhận là xe máy rất tiện. Nhưng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra kẹt xe ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM là do phương tiện này.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra kẹt xe ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM là do xe máy |
Vì thuận tiện nên mọi người hay “đi tắt, đón đầu” tranh giành đường. Bí quá họ có thể giành luôn đường ôtô. Tới ngã ba, ngã tư thì “mạnh ai nấy chạy”, thấy hở là tới. Ngã tư nào mà tín hiệu đèn giao thông bị hỏng và không có CSGT thì y như rằng kẹt xe vì tư tưởng “mạnh được yếu thua”.
Mà khi kẹt xe, họ quay ra nhìn xe hơi với ánh mắt ghen tị - sao sướng thế, và cho rằng “chúng nó” là nguyên nhân gây tắc đường vì ôtô chiếm diện tích bằng 4 xe máy. Cuộc đời là vậy, không công bằng do đó người ta mới gọi là thế “gian” chứ ai gọi là thế “ngay” bao giờ đâu.
Có bác cũng nói là xe hơi cũng vậy thôi chứ hơn gì. Tôi mạo muội xin thưa rằng cũng chỉ một số ít thôi, còn phần lớn là tham gia giao thông rất nghiêm túc. Bản thân tôi trước đây khi đi xe máy thì cũng vậy, cũng thấy bình thường chứ chẳng có gì nguy hiểm.
Nếu tai nạn thì do xui (không may) hay “ra ngõ gặp gái” mà thôi. Sau khi ngồi ôtô, đi xe máy lại rất nghiêm túc. Bởi tôi biết sợ. Trước khi chỉnh gương chiếu hậu, thử lại xi-nhan, kiểm tra xăng… “Sắt bọc da” (xe hơi) còn cẩn thận thì đi “da bọc sắt” (xe máy) càng phải cận thận hơn.
Khi thấy tôi mượn xe máy đi đâu đó và có thói quen chỉnh này, chỉnh kia, vài người phán: thằng này hâm! Đúng là thế gian!
Vài điều chia sẻ để mọi người dù tham gia giao thông bằng phương tiện gì thì tiêu chí an toàn nên đặt hàng đầu. Vì sau lưng chúng ta là cả gia đình đấy!
(Theo TTTĐ)