- Không đủ tiền để đầu tư giai đoạn 2 đường ống nước dọc tuyến Láng -Hòa Lạc cũng như thiếu kinh nghiệm khi lựa chọn công nghệ, vật liệu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ống nước Sông Đà 9 lần vỡ như vừa qua.

Đó là nội dung thông báo kết luận của Bộ Xây dựng về nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền dẫn nước sạch Sông Đà, vừa được Tổng công ty CP Vinaconex gửi tới báo chí.

Trong đó, Vinaconex nêu hai nguyên nhân dẫn tới sự cố vỡ đường ống nước. Đầu tiên, tổng công ty cho rằng đó là do thiếu tiền.

Theo đó, trong thời gian thi công tuyến ống giai đoạn I, tổng công ty đã có văn bản ký tháng 2/2006 gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép thi công lắp đặt thêm tuyến ống cấp nước giai đoạn II dọc đường cao tốc Láng - Hòa Lạc song song với giai đoạn I đề phòng tuyến ống giai đoạn I cần duy tu sửa chữa định kỳ hoặc sự cố xảy ra; đồng thời sẽ giảm tổng mức đầu tư của dự án.

{keywords}
Đường ống dẫn nước Sông Đà vỡ liên tục khiến sinh hoạt của người dân đảo lộn (ảnh ANTĐ)

Tuy nhiên, do không có khả năng thu xếp được nguồn tài chính cho dự án nên chủ trương lắp đặt tuyến ống cho giai đoạn II tại thời điểm đó đã không được thực hiện.

Đến năm 2009, khi dự án giai đoạn I hoàn thành, bắt đầu cấp nước cho TP. Hà Nội, tổng công ty lại tiếp tục có văn bản xin đầu tư hệ thống cấp nước giai đoạn II. Trong thời gian này, tuyến đường cao tốc Láng - Hòa Lạc vẫn đang thi công, nếu triển khai lắp đặt tuyến ống cho giai đoạn II sẽ tránh được việc phải đào đường và quan trọng hơn là đảm bảo an ninh nguồn nước.

Song, thời điểm đó cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp để đầu tư vào lĩnh vực công ích chưa có, tổng công ty không đủ khả năng tài chính cho đầu tư giai đoạn II.

Bên cạnh đó, Vinaconex thừa nhận là thiếu kinh nghiệm trong sử dụng vật liệu và công nghệ.

Cụ thể, ống composite cốt sợi thủy tinh lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam nên Vinaconex cho rằng còn thiếu kinh nghiệm khi lựa chọn công nghệ, vật liệu đầu vào và các tiêu chuẩn áp dụng trong quá trình sản xuất, vận chuyển, thi công, lắp đặt hệ thống tuyến ống truyền tải nước. Do đó, dẫn tới tình trạng vỡ ống nhiều lần từ khi đi vào sử dụng đến nay.

Hiện tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị có liên quan đến xây dựng công trình đoạn tuyến ống dẫn nước Sông Đà để xảy ra sự nghiêm túc kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định.

Đồng thời, đẩy nhanh các thủ tục xin phép triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn II, nâng công suất cấp nước lên 600.000 m3/ngày, lựa chọn loại ống truyền tải phù hợp.

Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông có tổng chiều dài 45,8 km với công suất thiết kế giai đoạn I là 300.000 m3/ngày đêm bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại.

Dự án hoàn thành đầu tư, đi vào sử dụng từ tháng 8/2008, cung cấp nước sạch với lượng nước tiêu thụ trung bình đạt 220.000-240.000 m3/ngày đêm (chiếm khoảng 30% tổng lượng nước sạch cung cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội) cho trên 70.000 hộ dân khu vực phía tây TP. Hà Nội.

Đến năm 2013, Công ty CP nước sạch Vinaconex (đơn vị tiếp nhận quản lý hệ thống cấp nước Sông Đà) vẫn lỗ lũy kế.

Ng.Hà