Chỉ cần vài giọt hóa chất là có thể biến một ly nước lạnh thành nước giải khát. Trái cây, hải sản, thịt ươn thối… cũng trở thành tươi ngon từ hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5).
Biến nước lạnh thành nước giải khát
Đến chợ Kim Biên, chúng tôi lạc vào “mê hồn trận” hóa chất khi ở đây có hàng chục cửa hàng kinh doanh đủ thứ “thuốc độc” để biến nước lạnh thành các loại trái cây, nước ngọt. Ở đây, đủ loại hóa chất đựng trong các can nhựa, bao nylon với những dòng “nhãn” viết tay nguệch ngoạc: hương chanh dây, sầu riêng, màu ướp thịt, mùi patê, sa tế... Các loại sữa thì được đóng gói, bên ngoài ghi chú bằng bút lông, không có hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ.
Chúng tôi vào cửa hàng hóa chất T.H nằm mặt tiền đường Vạn Tượng, hỏi mua hương liệu để pha chế nước “trái cây”. Nhân viên bán hàng chỉ vào các can đựng chất lỏng và những bịch bột màu trắng không nhãn hiệu hoặc ghi một ít chữ Trung Quốc, hồ hởi cho biết: “Anh yên tâm, mỗi ký-lô-gam hóa chất có thể chế biến thành hàng nghìn ly nước giải khát!”.
Cô nhân viên cho biết, nếu mua sỉ sẽ giảm 50 ngàn đồng/kg (hương dâu, ca cao giá 190 ngàn đồng; ổi, sting giá 280 ngàn đồng; bắp, bạc hà giá 250 ngàn đồng, sầu riêng giá 300 ngàn đồng...). Để khách yên tâm, nhân viên bán hóa chất cố thuyết phục: “Toàn bộ sản phẩm này được nhập của các công ty Nhật, Mỹ, Úc, Hồng Kông..., đảm bảo chất lượng. Liều lượng thì muốn dùng bao nhiêu cũng được. Ở đây không bán hàng Trung Quốc”. Chúng tôi thắc mắc: “Hàng có thương hiệu sao không có nhãn mác và nhiều chữ Trung Quốc vậy?”. Một nhân viên luống tuổi chữa cháy: “Họ liên doanh với Trung Quốc để làm ăn đó mà”.
Với những hóa chất độc hại này, trong tích tắc nước lạnh có thể được “hô biến” thành các loại nước giải khát |
Sang một quán khác mua chất tạo mùi cà phê, chúng tôi được chủ sạp L.T chỉ dẫn: “Có hai loại “thuốc” để pha. Loại thứ nhất vị hơi béo, loại thứ hai vị hơi đắng, cả hai đều có giá 370 ngàn đồng/kg”. Bà chủ bật mí: “Em thích mùi cà phê loại nào thì mua hóa chất có hương loại đó mà pha. Muốn cà phê ngon, sệt, dậy mùi, cần nêm thêm bột trắng, hương vani, bơ công nghiệp, đường hóa học, caramen..., đảm bảo nhìn y như cà phê nguyên chất. Các loại hóa chất này có thể cho vào từ các công đoạn rang sấy cho đến khi thành phẩm, giá dao động từ 300 ngàn đến khoảng 1 triệu đồng/kg”.
Chúng tôi sang cửa hàng T.T hỏi mua hóa chất về làm sinh tố, nước sâm, rong biển... Nam nhân viên không ngần ngại chỉ công thức pha chế siêu rẻ: “Chỉ cần cho vài giọt hương liệu thì muốn nước gì sẽ dậy mùi ngay nước đó”. Hầu hết các loại sữa đậu nành anh mua ngoài đường với giá rẻ như bèo đều là nước lã pha với hương liệu đậu nành. Muốn làm trà sữa thì hơi khó, phải nhớ công thức trộn các hương liệu và bột sữa”. Ông Nguyễn Thanh Hải, một kỹ sư hóa chất cho biết: “Đa số chất tạo bọt cà phê nếu mua ở chợ Kim Biên là một loại hóa chất thường dùng để sản xuất xà phòng. Muốn làm nước xi rô keo đặc thì dùng CMC, một loại chất dùng để sản xuất keo dán, rất hại cho tim, thận”.
Phụ gia từ “thuốc độc”
Ngoài các loại “thuốc” để pha chế cà phê, nước uống, chợ Kim Biên còn có cả phụ gia từ hóa chất để làm mềm, dẻo, giòn thức ăn, tăng hương, vị, sắc cho đồ ăn. Thậm chí thuốc nhuộm màu cho giấy, bột sắt... cũng được tư vấn để khách mua về nhuộm cho thịt gà, vịt vàng ruộm...
Chỉ cần vài muỗng hóa chất, thịt, mực thối, trái cây đều được “phù phép” thành tươi ngon |
Chúng tôi ghé cửa hàng hóa chất T.K.L hỏi mua hóa chất để nhuộm màu gia cầm, nhân viên bán hàng nói: “Muốn nhuộm gà, vịt bạc màu, trắng bợt thành vàng da, dai, giòn thì dùng màu thực phẩm, 250.000 đồng/kg. Muốn rẻ hơn dùng bột màu công nghiệp nhuộm giấy, giá 160 ngàn đồng/kg”. Nam nhân viên đưa chúng tôi xem một gói màu công nghiệp có dạng viên, màu đỏ sậm nhỏ bằng đầu ngón tay: “Chỉ cần vài viên này pha với 10 lít nước, anh có thể nhuộm hàng trăm con gà vàng ươm. Đối với thịt heo, bò bị bệnh, chết, còn tươi nhưng mất mùi thì phải ướp NaHSO3 (thường dùng trong ngành cơ khí - PV) và tẩm thêm một ít hương liệu, bảo đảm vẫn có mùi thịt heo, thịt bò như mới. Nếu thịt mất màu thì dùng muối đỏ để tăng màu sắc cho thịt”.
Nhân viên này còn quảng cáo: “Ở đây bán cả các mặt hàng như hương liệu tôm, cua để nấu bún riêu, hương thịt heo kho để nấu món thịt heo kho tàu. Muốn làm khô bò thì ướp hương bò với thịt heo thật sấy khô. Chỉ cần một muỗng nhỏ thôi, nồi lẩu 10 lít của anh sẽ ngọt lịm”.
Hỏi mua hóa chất để tẩy rửa thịt thối, chúng tôi được nam nhân viên ở cửa hàng T.K.L bên hông chợ Kim Biên đưa ra một bịch bột màu trắng: “Đó là lưu huỳnh. Đây là bột ngâm rửa thịt ôi, giá 60 ngàn đồng/1kg. Muốn cho thịt đẹp thì dùng thêm ít muối đỏ”.
Để kiểm chứng thực hư sự “thần kỳ” của loại bột này, chúng tôi pha hai thìa bột, nửa thìa “muối đỏ” vào hai lít nước rồi ngâm gần một ký thịt lợn bị ôi, xám đen, bốc mùi hôi thối vào trong hai lít nước. Khoảng 15 phút sau, miếng thịt trở nên hồng, tươi như lúc mới mua, hoàn toàn không còn mùi hôi. Nhìn bề ngoài, khó mà biết đây là thịt thối đã được “mông hóa” bằng hóa chất độc hại.
Cũng với chiêu “hô biến” thịt thối thành thịt tươi, bà V. - chủ một lò mổ ở tỉnh Đồng Nai bật mí: “Sau khi mang heo chết về, trước tiên phải móc hết nội tạng, sau đó xẻ mảnh rồi ngâm vào hóa chất. Heo chết một ngày thì một tạ thịt ngâm 1kg loại bột nói trên. Heo chết từ hai ngày trở đi pha nặng “đô” hơn, có khi 2kg đến 3kg bột/ tạ thịt. Nhờ có các loại bột này nên dù thịt ôi nhưng vẫn không bốc mùi, màu thịt nhìn vẫn tươi rói. Thịt xử lý xong có thể đem đi bỏ mối ở các chợ lẻ và các cơ sở sản xuất chà bông, quán cơm...”.
Chúng tôi tiếp tục dùng các loại hóa chất ở chợ Kim Biên để chế biến mực thối. Sau khi được ngâm trong oxy già công nghiệp khoảng 30 phút, mực thâm đen bỗng trở nên trắng, tươi ngon. Hủ tiếu, mì quảng, bún ôi thiu... sau khi được tái chế không bị hôi mà còn có mùi thơm, khi dùng một loại dung dịch màu trắng trộn vào. Chị Nguyễn Thị Thủy (ở Q.Thủ Đức) còn cho biết: “Không chỉ thịt mà trái cây, rau củ... nếu được “ăn” hóa chất thì để bao nhiêu ngày cũng không sợ héo, úng”.
TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng Khoa công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, có ba hợp chất có tính chất tương tự nhau là Na2SO3 (sodium sulfite hoặc natri sulfite); NaHSO3 (sodium bisulfite hoặc natri bisulfite) và Na2S2O5 (sodium metabisulfite hoặc natri metabisulfite), khi ngâm với nước chúng giải phóng khí SO2. Khí SO2 có vai trò như chất tẩy, làm sạch mùi hôi thối của thực phẩm. Dù được xử lý bằng hóa chất, thịt thối cũng nhạt nhẽo và bở. Thế nhưng, nếu thêm hương liệu, màu, hàn the và gia vị, thịt thối được chế biến vẫn đẹp, thơm nhằm đánh lừa giác quan của người tiêu dùng. Tuy có trong danh mục nhưng chỉ sử dụng ở nồng độ nhất định, nếu vượt quá giới hạn sẽ gây hại cho tim mạch, đường ruột...
(Theo CATP)