Nằm cách trung tâm thành phố chưa đầy 30km, nhưng hơn 1.500 hộ dân của xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất - Hà Nội) lại đang chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt một cách trầm trọng. Ở đây, nhiều người phải mua nước theo mùa, thậm chí là quanh năm. Bước vào mùa hè cũng là đỉnh điểm của việc người dân nơi đây… khát nước.

Nghề bán nước sinh hoạt

Nhắc đến Chàng Sơn nhiều người biết ngay đây là ngôi làng nổi tiếng với nghề mộc truyền thống và nghề làm quạt giấy nhưng những năm gần đây, Chàng Sơn có thêm một nghề “hot” nữa, đó là nghề… bán nước sạch sinh hoạt.

Chúng tôi về Chàng Sơn vào một ngày đầu hè, nắng như đổ lửa. Mới chỉ bước chân đến đầu làng, chúng tôi đã bắt gặp những chiếc xe cải tiến chở hai thùng nhựa màu xanh ngược xuôi tấp nập. Đầu quân cho đội quân chở nước này đa số là phụ nữ, thỉnh thoảng có vài em nhỏ đẩy xe cho mẹ. Vào những ngày nắng nóng, những chiếc ôtô, công nông tự chế, xe cải tiến… hoạt động hết công suất mà vẫn không phục vụ đủ nhu cầu của người dân trong 7 thôn của xã Chàng Sơn.

Chị Thanh, một người chuyên chở nước ở đây cho chúng tôi biết, mỗi ngày chị bán được 10 - 15 chuyến. Với hai chiếc thùng phi xanh khoảng 250 lít nước, chị bán với giá 25 - 30 ngàn đồng, người thân quen thì sẽ giảm đi một chút. Tính ra, mỗi tháng trừ chi phí tiền điện, khấu hao máy bơm, chị cũng có thu nhập 7 - 8 triệu đồng, hơn nhiều so với ngồi nhà làm quạt giấy. Thông thường chị chỉ đi chở cho mối khách quen và những gia đình tiện đường cái, không phải vào trong xóm sâu, ngõ ngách. Vậy mà đôi khi chở cũng không xuể, không dám nghe điện thoại giục giã của khách mua. Mặt khác, nếu chở quá nhiều thì đôi khi giếng nhà chị cũng cạn nước, phải mua lại của nhà khác, lời lãi sẽ giảm đi.

Công việc của những người như chị Thanh thường bắt đầu từ 4 - 5 giờ sáng và kéo dài đến tận đêm, chỉ được nghỉ khi đôi chân đã mỏi nhừ. Chị Hải, nhà ở đầu làng thấy chúng tôi tìm hiểu về tình hình thiếu nước ở Chàng Sơn thì niềm nở cho biết: Lúc đầu thấy nhu cầu sử dụng của người dân nơi đây đang cần thiết và cấp bách nên một vài người ở xã Kim Quan, Bình Yên (cách đây 7-8 km) đã dùng ôtô nhỏ chở những téc nước đến bán. Họ rất đắt hàng, dù bán với giá khoảng từ 200 - 250 nghìn đồng cho một xe 4 khối nước. Có chỗ do xe to, ngõ sâu nên những xe này không vào được. Thấy vậy, một số người dân Chàng Sơn may mắn đào được giếng nhiều nước cũng bắt đầu chở nước nhà mình đến bán cho người quen, bà con trong làng ngoài xóm. Giờ thiếu nước trên diện rộng nên nhiều người làm luôn dịch vụ bán nước sinh hoạt, và đến nay con số này đã tăng lên vài chục. Họ chủ yếu lấy nước từ giếng của gia đình mình và “lấy công làm lãi” nên người mua cũng tạm yên tâm về chất lượng nước sạch.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn “hợp đồng” được với những gia đình “múc nước giếng lên bán”. Chị Vinh nhà ở xóm Chợ quanh năm phải mua nước của một người ở xã Bình Yên. Trò chuyện với chúng tôi, chị không giấu khỏi sự băn khoăn nghi ngại: “Nhà tôi không có thì phải mua thôi chứ chẳng biết làm sao. Mua nước thế này nghe người ta bảo họ lấy nước ở đập Quán Trăn, Tân Xã đấy, chả biết đúng sai, thôi đành “một liều, ba bảy cũng liều” vậy cô ạ. Có nước dùng là may rồi, có nhà ngõ dốc, sâu quá còn không ai chở nước cho kia. Lại có nhà cao quá, máy bơm của họ không đẩy lên được còn phải bơm xuống giếng rồi mới hút lên bể cơ, nếu không đồng ý thì họ đi bán cho người khác mất, khổ thế”.

Máy bơm lắp van 2 chiều cũng… chịu

Anh Trung ở xóm Đình buồn rầu tâm sự: “Nhà tôi năm nào cũng mất mấy triệu đồng đầu tư vào giếng nước và máy bơm. Nước hết, mỗi lần thuê thợ về đào sâu thêm giếng hoặc vét lại, nhẹ cũng tốn vài triệu. Năm nay, giếng đào sâu tới 33m rồi nên thợ nào cũng chịu thua. Máy bơm phải mua loại tốt, lắp van hai chiều tới 5 - 7 triệu mà nước chỉ lên ri rỉ như… cái đũa thôi. Tốn điện lắm mà lại hại máy nữa, nhiều lúc sơ sểnh một tí là cháy máy như chơi ấy chứ…”

{keywords}

Mỗi gia đình ở Chàng Sơn phải chuẩn bị nhiều thùng phi, xô, chậu để chứa nước.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy gia đình nào cũng có ít nhất một cái giếng, có nhà vừa giếng đào vừa giếng khoan tới 2-3 cái, nhưng không phải cái nào cũng có nước hoặc cho nước sạch dùng được. Xung quanh nhà, đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái đều là những cái giếng sâu hun hút và cạn trơ đáy. Nhiều nhà thuê thợ đem máy khoan về khoan những mũi sâu tới 70 - 80m mà vẫn không gặp mạch nước hoặc có nước lại váng phèn, váng sắt tanh nồng. Gặp những tầng nước như thế, người dân nơi đây khắc phục bằng cách xây những bể lọc tự chế lọc qua cát, sỏi, than củi… để lấy nước dùng mặc cho nước có đảm bảo vệ sinh hay không nữa… Điều này lý giải tại sao những năm gần đây, tỉ lệ người dân mắc bệnh ung thư, viêm nhiễm ngoài da và chị em mắc bệnh phụ khoa ở đây tăng cao. Chính quyền địa phương, trạm y tế xã tuy biết rõ nhưng “lực bất tòng tâm”, chưa có cách gì khắc phục được. Lý giải hiện tượng thiếu nước, người dân nơi đây cũng chỉ biết đổ cho mạch nước ngầm cạn kiệt trong khi dân số mỗi ngày một tăng cao.

Máy giặt có… cũng đành “đắp chiếu”

Tính trung bình mỗi tháng một hộ gia đình ở Chàng Sơn phải chi từ 500.000-1.000.000 đồng cho việc mua nước sinh hoạt. Con số này còn cao hơn khi vào mùa nắng nóng và ở những nhà giếng hoàn toàn không có nước. Ngay cả Trường Mầm non xã cũng thiếu nước trầm trọng. Cô Lê Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Chàng Sơn cho biết, 2 trong số 4 điểm của trường không có nước phải mua hoàn toàn. Mỗi tháng, trường phải chi tới 10 triệu đồng cho việc mua nước sạch đóng bình cho các cháu uống và nước sinh hoạt phục vụ việc ăn uống tắm rửa của các cháu nhỏ.

Tốn kém, đắt đỏ là vậy nên ngay giữa mùa hè oi bức, người dân nơi đây luôn thực hành chính sách tiết kiệm triệt để. Nước rửa rau xong thì để rửa bát, nước giặt quần áo thì rửa chân tay, tưới cây… Trước đây, người ta đem quần áo chăn chiếu ra ao làng để giặt giũ nhưng bây giờ ao làng ô nhiễm nặng nên chẳng còn ai dám ra giặt nữa. Dân làng dắt nhau ra tận cái giếng ở khu nghĩa địa của làng tít ngoài đồng để giặt giũ. May mắn ở đấy có cái giếng nhiều nước do một người hảo tâm bỏ tiền ra đào để lấy nước phục vụ người dân lo chuyện ma chay, cải táng…

Trớ trêu hơn, Chàng Sơn không phải là xã nghèo, nên rất nhiều gia đình có điều kiện mua máy giặt hiện đại. Nhưng không có nước sinh hoạt, họ đã không dám dùng, vì sợ tốn nước. “Sắm rồi cũng đắp chiếu bỏ đấy chứ mỗi lần giặt máy tốn gấp đôi giặt tay, mà lại không dùng nước đó cho các việc khác được”, chị Mai, một tiểu thương buồn bã cho biết. Còn bà Tám năm nay 74 tuổi cho hay, đã lâu rồi bà không dám mua rau má về ăn nữa vì… rửa rau này tốn nước lắm, 5 - 6 lần chưa sạch mà nước đang đi mua chưa được. Biết rằng rau đó mát và tốt cho sức khỏe nhưng đành… chịu vậy.

Đợi chờ trời mưa và mỏi mòn chờ… dự án

Đã nhiều lần người dân Chàng Sơn hân hoan vì ngỡ mình sắp được dùng nước máy sạch sẽ mát lành của nhà nước nhưng đều… mừng hụt. Trong vòng hơn chục năm qua đã có không ít đoàn khảo sát về lập dự án, lấy ý kiến của người dân để đưa nước sạch về với thôn xã. Nhưng đáng buồn là trong khi người dân đang héo hắt vì… khát nước thì những dự án ấy vẫn “một đi không trở lại” làm hy vọng của người dân nơi đây lại “cuốn theo chiều gió”.

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Kim Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã không giấu nổi nỗi trăn trở vì không giúp gì được nhân dân để giải quyết nỗi khó khăn này, đồng thời ông cũng mong muốn được các cấp, ban, ngành, lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp quan tâm giúp đỡ người dân Chàng Sơn qua cơn… khát nước.

Và những người dân nơi đây vẫn chưa biết làm gì hơn ngoài việc chăm chút cho cái giếng, máy bơm, tích trữ thùng, xô, chậu thật nhiều trong nhà để hân hoan chờ đón những trận mưa mang… lộc trời đến với gia đình họ. Mặc cho những nhà chuyên môn luôn cảnh báo rằng nước mưa không hề sạch, nó chứa vô số bụi bặm, vi sinh vật và những chất hóa học độc hại do ô nhiễm môi trường nhưng với người dân Chàng Sơn, nó vẫn là thứ “vàng trắng” vô cùng quý giá

(Theo CAND)