Bộ Công Thương hôm 27.4 đưa ra nhận định, tình hình thị trường thực phẩm trong nước thời gian tới vẫn diễn biến rất phức tạp do tác động thực tế của sản xuất, cung- cầu cũng như ảnh hưởng của yếu tố tâm lý.

TIN BÀI KHÁC


Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời điểm này mọi năm, các trang trại chăn nuôi lớn tại Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên)… luôn cung cấp lượng hàng dồi dào cho Hà Nội vì các lứa lợn thịt vào giống đầu năm đến thời điểm này bắt đầu đến kỳ xuất chuồng.

Tuy nhiên, năm nay, nguồn cung trở nên khan hiếm, lượng thịt nuôi trong dân sụt giảm 40-50% so với năm ngoái, nên hàng cung cấp ra khá hạn chế. Nhiều trang trại hầu như đã xuất hết lợn thịt, nhưng vẫn chưa có ý định vào lứa giống mới. Nhu cầu về thịt lợn hiện chiếm tới 70% của người dân hiện nay, song nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá thịt lợn tăng lên tại các chợ.

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong 1-2 tháng tới, giá thịt lợn có thể tiếp tục đứng ở mức cao và tình trạng thiếu hụt thịt lợn sẽ còn kéo dài đến giữa năm nay do nhiều người chăn nuôi vẫn có tâm lý lo lắng trước diễn biến dịch bệnh và giá thức ăn tăng nên ngại tái đàn.

Ghi nhận tại thị trường Hà Nội cho thấy, tại các siêu thị lớn, giá hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò đều biến động tăng từ 1-17%. Tại siêu thị Big C Thăng Long, giá thịt vịt tăng 14%; thịt bò thăn tăng 3%; thịt lợn mông, thịt lợn ba chỉ tăng 3%... Duy chỉ có mặt hàng gà công nghiệp vẫn đứng giá.

Trái ngược với sự tăng giá thực phẩm, thời điểm hiện tại giá hầu hết các loại rau xanh đều đã giảm giá 15-20% so với những tháng vừa qua.

Thời tiết ấm áp thuận lợi cho nhiều loại rau phát triển. Tại các chợ đầu mối, những loại rau bán theo cân giảm mạnh: Cải ngọt từ 8.000 đồng xuống còn 6.000 đồng/kg; cải canh cũng giảm từ 12.000 đồng xuống còn 10.000 đồng/kg. Cải bắp từ 6.000 đồng giảm còn 4.000 đồng/kg; rau dền từ 5.000 đồng xuống còn 2.000-3.000 đồng một mớ.

Tại một số siêu thị, giá rau xanh như cải ngọt, cải bẹ xanh, mồng tơi… cũng đã giảm từ 12-27% so với trước đó. Cũng chính vì yếu tố này mà Sở Tài chính Hà Nội đã kiến nghị đưa mặt hàng rau, củ quả ra khỏi diện bình ổn giá.

(Theo Dân Việt)