Phố Wall gia nhập làn sóng bán tháo của chứng khoán toàn cầu với chỉ số Dow Jones mất sạch số điểm đã tăng được từ đầu năm.

Kết thúc phiên hôm qua (31/7), chỉ số Dow Jones mất 1,9%, xuống còn 16.563,30 điểm, đánh dấu mức giảm điểm trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 3/2. Chỉ số S&P 500 giảm 2%, mạnh nhất kể từ ngày 10/4, xuống còn 1.930,67 điểm. Chỉ số Nasdaq 100 mất 2,1%. Trong khi đó chỉ số MSCI All-Country World Index giảm 1,5% trong phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần 6 tháng. 

Tất cả 10 nhóm chính của S&P 500 đều giảm điểm với các nhóm năng lượng, tài chính, điện thoại và y tế đều giảm ít nhất 2%. Cổ phiếu của Exxon, Nike và American Express Co. dẫn đầu xu hướng giảm điểm của Dow Jones khi giảm hơn 3,1%.  

Chỉ số Dow Jones Internet Composite Index mất 2,3% trong khi chỉ số Nasdaq Biotechnology Index giảm 2,6%.

Theo Wayne Wilbanks – chuyên gia đến từ công ty quản lý tài sản Wilbanks, Smith & Thomas, Fed đang chuẩn bị rút gói nới lỏng định lượng và giá trên thị trường cũng ở mức đủ cao để mọi người nhanh chóng lấy lãi, do đó bạn sẽ nhìn thấy nhiều ngày như hôm nay. Tất cả đều biết thị trường sắp bước vào đợt điều chỉnh. 

{keywords}
Nhà đầu tư bất an trước diễn biến bất ổn của kinh tế

S&P 500 – chỉ số đã tăng 4,5% từ đầu năm tới nay, lập kỷ lục hôm 24/7 – đã mất 10% trong đợt điều chỉnh năm 2011. Hiện hệ số P/E ở mức 17,6 lần, gần với mức cao nhất kể từ năm 2010. 

Hôm nay, thị trường toàn cầu “đỏ lửa” sau khi các công ty từ châu Âu tới châu Á công bố kết quả kinh doanh quý II thấp hơn dự báo. Deutsche Lufthansa SA và Adidas là 2 trong số các công ty châu Âu sụt giảm khi họ cho rằng căng thẳng ở Ukraine ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. 

Cổ phiếu của Banco Espirito Santo SA giảm kỷ lục sau khi bị yêu cầu tăng vốn. Ngân hàng Bồ Đào Nha công bố khoản lỗ ròng 4,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.  

Nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế đang tốt lên trông thấy sẽ khiến Fed nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. GDP Mỹ tăng trưởng 4% trong quý II trong khi báo cáo hôm qua cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tháng 7 ở mức thấp nhất 8 năm. 

Thị trường cũng theo dõi những tiến triển ở Mỹ Latinh, nơi Argentina vỡ nợ. 

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Dow Jones giảm 317,06 điểm (-1,88%), xuống 16.563,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,40 điểm (-2,00%), xuống 1.930,67 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 93,13 điểm (-2,09%), xuống 4.369,77 điểm.

Trong tháng 7, Dow Jones giảm 1,6%, chỉ số S&P 500 giảm 1,5%, chỉ số Nasdaq giảm 0,9%.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,33 điểm (-0,64%), xuống 6.730,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 186,20 điểm (-1,94%), xuống 9.407,48 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 66,16 điểm (-1,53%), xuống 4.246,14 điểm.

Cũng theo thông tin vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Liên minh châu Âu (EU) tăng 0,4% theo năm, mức thấp nhất kể từ năm 2009. CPI tháng 6 tăng 0,5%. Những con số này thấp hơn mục tiêu 2,0% theo năm mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.

Chứng khoán châu Á kết thúc sớm hơn, nên chưa bị ảnh hưởng bởi các thông tin từ Âu, Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động chốt lời khiến Nikkei 225 chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng điểm và chứng khoán Trung Quốc hồi mạnh sau phiên điều chỉnh kỹ thuật trước đó.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 25,46 điểm (-0,16%), xuống 15.620,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 24,64 điểm (+0,10%), lên 24.756,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 20,32 điểm (+0,93%), lên 2.201,56 điểm.

Những lo ngại về khả năng FED sẽ sớm tăng lãi suất cũng khiến nhà đầu tư trên thị trường vàng lo lắng và hoạt động bán tháo diễn ra, khiến giá kim loại quý này giảm hơn 1% trong phiên cuối tháng 7.

Kết thúc phiên 31/7, giá vàng giao ngay giảm 14,0 USD (-1,08%), xuống 1.280,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 13,6 USD (-1,05%), xuống 1.281,3 USD/ounce.

Bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, dầu thô vẫn tiếp tục có phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp, thậm chí mức giảm còn tồi tệ hơn 2 phiên trước khi hoạt động bán tháo xảy ra do đồng USD tăng mạnh, lên mức cao nhất gần 1 năm rưỡi. Trong tháng 7, đồng bạc xanh đã tăng tới 2% so với rổ tiền tệ gồm 6 loại tiền mạnh.

Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô Mỹ giảm 2,10 USD (-2,14%), xuống 98,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-0,46%), xuống 106,02 USD/thùng.

(Theo ĐTCK/Trí thức trẻ)