Từ 2013, hàng nghìn du khách nước ngoài khi đến Nha Trang ( Khánh Hòa) đều bị chủ các khách sạn từ chối cho thuê phòng.

Nguyên nhân được các khách sạn giải thích là kể từ năm 2013, có đến 43 DN khách sạn tại TP Nha Trang đã ký hợp đồng cung cấp phòng với Công ty Ánh Dương. Trong các hợp đồng ký kết này, có những điều khoản ràng buộc kéo dài có thể gây hậu quả cho các DN và du lịch Khánh Hòa.

Sau khi có những phản ánh về thực tế này đến Cục Quản lí Cạnh tranh (Bộ Công thương), ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ra quyết định điều tra vụ việc “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của công ty du lịch”.

{keywords}

Theo các đơn vị du lịch tại TP Nha Trang, công ty Ánh Dương đã áp đặt điều kiện về hạn chế cạnh tranh trong các “Hợp đồng cung cấp phòng” được ký giữa công ty Ánh Dương với các DN khách sạn TP Nha Trang. Với các hợp đồng này, Công ty Ánh Dương đã áp đặt điều kiện ràng buộc kéo dài với đối tác. Cụ thể, các hợp đồng đều thể hiện “Bên A (các khách sạn) chỉ có quyền xác nhận các booking cho du khách Nga, Ucraine, và các nước trong khối CIS bay bằng chuyên cơ đến Cam Ranh của bên B (Công ty Ánh Dương) mà thôi (ngoại trừ các booking online)”.

Tại Hợp đồng ký giữa Khách sạn Happy Light và Ánh Dương cho thấy, "Khách sạn không được quyền bán, giới thiệu hoặc cho phép bất kỳ cá nhân, công ty du lịch nào bán các tour khác cho khách hàng của Pegas. Hướng dẫn viên của Pegas chịu trách nhiệm bán các tour này. Điều lệ độc quyền: khách sạn không được phép kí kết hợp đồng với các công ty đối thủ của Pegas cung cấp dịch vụ bay từ Nga tới cảng Cam Ranh".

Thỏa thuận trên của công ty Ánh Dương được thực hiện trong điều kiện công ty Ánh Dương phối hợp cùng với công ty PGS International – gọi tắt là công ty Pegas, quốc tịch Vương quốc Anh – đơn vị đang được xem có vị trí thống lĩnh thị trường.

Theo Hoàng Thị Phong Thu – Chủ tịch Công ty Ánh Dương: “chúng tôi không thể là đối tượng để xem xét về vấn đề độc quyền, bởi vì chúng tôi không độc quyền khách du lịch Nga trong những khu nghỉ mát của Việt Nam… Chúng tôi không ép buộc bất cứ ai để hợp tác. Tất cả các thỏa thuận với các khách sạn và DN dịch vụ phục vụ cho khách du lịch đạt được trên cơ sở tự nguyện và đôi bên cùng có lợi”.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định cho rằng: nếu nói “Ánh Dương thống lĩnh thị trường là chưa có cơ sở”. Theo ông Liêm, căn cứ Luật Cạnh tranh thì chiếm từ 30% thị phần trở lên mới gọi là thống lĩnh thị trường nhưng phải ở địa bàn thị trường khách quốc tế ở Việt Nam thì khi đó mới vi phạm Luật Cạnh tranh.

“Chỉ có khi nào khách quốc tế hay khách từ thị trường Nga tự nhiên vào Việt Nam mà Công ty này Ánh Dương phục vụ chiếm 30% thì mới nói là họ thống lĩnh thị trường”, ông Liêm nói

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thành Vinh, Phó tổng giám đốc SMIC cho rằng: “Luật Cạnh tranh không những cấm DN có vị trí độc quyền mà cấm cả những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Tức là chỉ cần chiếm 30% thị phần trên thị trường liên quan, thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí của mình gây hạn chế cạnh tranh. Do vậy, việc Ánh Dương cho rằng mình không độc quyền nên không thuộc đối tượng xem xét là chưa phù hợp”.

Theo ông Vinh, việc hai DN ký hợp đồng với nhau không có nghĩa là họ tự nguyện hay không có sự áp đặt. Ví dụ khách sạn có thể đã lo ngại rằng nếu họ không chấp nhận những điều khoản hạn chế quyền tự do quyết định của họ để ký được hợp đồng với Công ty Ánh Dương thì họ có thể sẽ không có đủ khách thuê phòng của họ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tại sao Công ty Ánh Dương không bớt các điều khoản có tính hạn chế đó để các khách sạn được tự do lựa chọn đặt phòng của bất kỳ công ty du lịch nào khác với điều kiện khách sạn vẫn đảm bảo phòng cho khách của Ánh Dương như đúng cam kết của các bên trong Hợp đồng.

Tương tự, “nếu Ánh Dương chịu bỏ đi điều khoản mà họ đã bắt khách sạn chấp nhận để cho phép khách sạn được tự mình bán tours hoặc cho công ty khác vào bán tours cho khách ở khách sạn sẽ tăng thêm sự lựa chọn cho các du khách”, Luật sư Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.

H. Sang