Nhiều người lựa chọn siêu thị hay trung tâm thương mại vì môi trường mua sắm hiện đại và tiện lợi.

Tuy nhiên, tại đây vẫn diễn ra nhiều hành vi kém văn minh. Không khó có thể thấy việc người tiêu dùng bóc đồ ăn ngay tại siêu thị hoặc không xếp hàng khi thanh toán tại một số siêu thị lớn hiện nay.

{keywords}

Siêu thị đầu tiên tại Việt Nam ra đời cách đây gần 20 năm nhưng cho đến nay văn hoá mua sắm của không ít bộ phận người tiêu dùng còn mang nặng hơi hướng của chợ truyền thống. Mặc dù không đại diện cho số đông nhưng năm thói xấu phổ biến của người Việt khi đi siêu thì gồm:

1. Ăn cắp vặt

Đây cũng là một thói xấu thường bị lên án của người Việt ở nước ngoài. Hành vi này cho dù chỉ là thiểu số nhưng đã làm ảnh hưởng tới nhiều người và hình ảnh quốc gia. Năm 2013, một bức ảnh chụp biển cảnh cáo hành vi ăn cắp vặt tại một siêu thị của Nhật siêu thị có in tiếng Việt (dưới là dòng chữ dịch sang tiếng Nhật) gây xôn xao cộng đồng mạng.

Tại Việt Nam, các phương tiện truyền thông cũng thường xuyên đăng tải hành vi trộm cắp tại các siêu thị. Nhân viên một siêu thị cho biết có nhiều người vẫn lấy trộm một vài món hàng giá trị vài nghìn đồng mặc dù hóa đơn thanh toán của họ toàn tiền triệu. Nó không chỉ là thiếu thốn mà còn là một thói quen xấu khó bỏ.

{keywords}
Hình ảnh: Giả mang bầu, hai phụ nữ đã thực hiện hàng chục vụ trộm tại Big C

2. Ăn thử

Một thực trạng phổ biến khác là việc bóc bao bì để “ăn thử” và dùng thử trong siêu thị. Tình trạng vỏ trái cây vương vãi tại quầy rau củ quả hay bánh bị bóc dùng thử và vứt lại tại quầy có thể thấy ở hầu hết các siêu thị.

Chị Nguyễn Thị Thảo, quận 2, Tp. HCM cho biết: “Tôi từng thấy nhiều người rất vô tư mở khay bánh to để nếm thử một miếng rồi lấy khay khác ra thanh toán hoặc bóc vải, chôm chôm ra vừa ăn vừa lựa rất tự nhiên.”

Những hình ảnh xấu xí này không hề hiếm và tồn tại ở hầu hết mọi siêu thị. Có thể nó xuất phát từ văn hoá dùng thử khi chào mời khách ở chợ truyền thống nên nhiều người coi đó là bình thường khi mua sắm tại các trung tâm, siêu thị hiện đại.

Nhiều nhân viên cho biết họ cũng thông cảm khi khách hàng chờ thanh toán quá lâu nên bóc sản phẩm ra dùng và thanh toán sau đó. Tuy nhiên nhiều khách hàng cố ý quên thậm chí xem việc ăn uống rồi bỏ lại hàng trong siêu thị là việc bình thường.

3. Bới tung hàng hóa

Mô hình kinh doanh hiện đại giúp khách hàng có thể đến đúng vị trí quầy kệ để lấy hàng hoá đã được bày biện sẵn. Nhưng đối với một số mặt hàng chất lượng không đồng nhất như rau củ, trái cây hay nhiều kích cỡ như quần áo…thì nhiều khách hàng “ra sức” lục tung hàng hoá để lựa chọn cho mình sản phẩm tốt nhất.

Tại các quầy rau, các mặt hàng dễ dập nát như xà lách, rau mùi thường bị bới tung và nhiều khách hàng tách bỏ phần lá già, cành để cân cho nhẹ. Hành vi này có tính lan truyền cao và trở thành tình trạng chung thậm chí được xem là bình thường.

{keywords}
Hình ảnh: Dù Metro treo giá chỉ 4,900 đồng/kg chôm chôm nhưng người đàn ông này vẫn bỏ công vặt hết cuống… cho nhẹ

Bên cạnh việc bới tung hàng hóa, nhiều hàng hoá khách hàng thường “bạ đâu vứt đó” sản phẩm sau khi đã lựa chọn khiến siêu thị thiệt hại không ít. Ngoài việc sắp xếp nhân viên đi thu dọn khắp siêu thị thì những mặt hàng như thịt cá… cần bảo quản lạnh bị bỏ những khu vưc khác dễ dàng bị hư hỏng, gây thiệt hại và không an toàn cho người sử dụng.

4. Không xếp hàng

Tại các quầy thanh toán tình hình chen lấn để được thanh toán trước vẫn diễn ra, nhất là trong những dịp cao điểm như Lễ Tết. Hành động này không giúp việc thanh toán diễn ra nhanh hơn mà còn khiến nhiều người khó chịu.

{keywords}
Hình ảnh: Cảnh xếp hàng thanh toán tại một siêu thị Coop Mart

Chị Mỹ Dung, nhân viên văn phòng tại quận 1, Tp HCM kể: “Có lần tôi đi siêu thị cuối tuần, rất đông khách và ai cũng phải xếp hàng chờ đến lượt thanh toán. Tuy nhiên có một nhóm cử 1 người ra đứng giành chỗ sau đó họ thoải mái đi lựa hàng và sau đó 4 người xách 4 giỏ hàng nặng trĩu chen vào vị trí họ giữ chỗ. Khi có người nhắc mấy chị này không những không xin lỗi mà còn quay lại to tiếng khiến ai cũng lắc đầu.”

5. Nói cười to tiếng

Mặc dù không phải chốn trang trọng nhưng siêu thị không phải là nơi có thể đùa giỡn, nói cười lớn tiếng. Nhiều nhóm bạn trẻ rất vô tư chạy nhảy, nói cười to tiếng làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Ngoài 5 thói xấu này nhiều người Việt còn đem trẻ em vào siêu thị chơi đùa cho mát bất chấp nguy cơ hàng hoá ngã đổ hoặc va chạm với nhiều xe đẩy hàng cao ngút tại đây. Cũng không khó bắt gặp bóng dáng những khách hàng diện đồ ngủ đi siêu thị hay khạc nhổ tại nơi được xem là văn minh hiện đại.

Theo VTC