Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường nhập khẩu thịt bò lớn thứ hai của Úc, trong khi nhiều nước đã ngưng nhập sản phẩm này do nhiễm chất tăng trọng ractopamine.
Ractopamine là chất thuộc nhóm beta-agonist (bao gồm các chất clenbuterol, salbutamol và ractopamine), nhóm hormon tăng trưởng bị Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cấm sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm từ nhiều năm nay.
Đây là chất dùng để vỗ béo vật nuôi trước khi xuất chuồng một hai tháng, dựa trên cơ chế giảm thể tích nước tiểu, đạm theo đường bài tiết, độ dày mỡ, tăng độ nạc trên cơ thể vật nuôi. Nhiều nước châu Âu đã cấm sử dụng chất này từ 20 năm nay. Do Úc không cấm sử dụng chất này nên khi phát hiện, nhiều nước đã ngưng cấp phép nhập thịt bò Úc. Gần đây lần lượt Đài Loan, Nga cũng phát hiện ra hormon tăng trưởng trong thịt bò nhập khẩu từ Úc.
Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, các đầu mối nhập khẩu thịt bò đã nhập hơn 72.000 con bò từ Úc về Việt Nam, dự kiến cả năm tổng lượng bò thịt nhập từ Úc sẽ gấp đôi con số này. Trong khi đó, cả năm 2013 chỉ nhập 66.951 con. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi từng cho biết: bò Úc ngon nhất khi giết thịt ở độ tuổi 24-30 tháng, nhưng Việt Nam nhập bò Úc ở độ tuổi từ 30-96 tháng (tám năm tuổi).
Thịt bò Úc được nhập rất nhiều vào Việt Nam, nhưng chưa được kiểm soát chất tăng trọng. Ảnh minh họa: internet |
Hiện thịt bò Úc gần như “thống lĩnh” các quầy thịt bò từ các cửa hàng thực phẩm đến các siêu thị. Theo quy định, ngay khi bò nhập khẩu về cảng sẽ được cơ quan thú y kiểm dịch, xét nghiệm các chất tồn dư… trước khi doanh nghiệp được phép giết mổ. Thời gian này mất ít nhất khoảng hai tuần, trong khi đợi kết quả xét nghiệm, đơn vị nhập khẩu sẽ phải cách ly bò nhập.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm thú y vùng 6 cho biết, cơ quan này không lấy mẫu từng lô nhập khẩu mà thực hiện kiểm tra định kỳ khoảng sáu tháng đến một năm; đồng nghĩa với việc chất ractopamine không được kiểm tra cụ thể từng lô bò thịt nhập khẩu.
Bò thịt nguyên con nhập từ Úc về được lưu nhốt tại Đồng Nai, Long An nhưng lại tiêu thụ chính tại thị trường TP.HCM, do đó không giám sát được quy trình giết mổ. Chi cục Thú y TP.HCM chỉ có thể kiểm tra, giám sát khi nguồn thịt ra đến thị trường. Ông Phạm Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, những mẫu thịt bò Úc lấy trên thị trường đều cho kết quả âm tính với ractopamine, tuy nhiên, chất này có được kiểm soát trước khi giết mổ hay không thì không thuộc sự giám sát của chi cục, bởi lượng thịt bò Úc vào TP chủ yếu từ các tỉnh đưa về.
Chi cục Thú y lấy mẫu ngẫu nhiên, không thể kiểm soát hết được lượng thịt bày bán trên thị trường nên việc xuất hiện thịt bò tồn dư ractopamine không phải không có cơ sở. Ông Thảo đã nhiều lần kiến nghị lên Cục Thú y về quy trình phối hợp giám sát, kiểm tra ractopamine nhưng quy trình này vẫn chưa được tiến hành chặt chẽ hơn.
Theo một số chuyên gia về chăn nuôi, việc lấy mẫu cần phải được tiến hành ngay từ lúc bò nhập về, nếu kết quả xét nghiệm chất cấm ở ngưỡng an toàn mới cho phép doanh nghiệp đưa về nơi lưu nhốt.
Theo tài liệu của WHO, không như salbutamol và clenbuterol, thường bị tích lũy lâu trong thận, gan và mỡ vật nuôi, ractopamine bị đào thải rất nhanh qua nước tiểu, sau hai ngày lượng đào thải là 73%, sau bốn ngày đào thải 93% và sau 14 ngày thì các phân tích sắc ký cũng không phát hiện ra. Chính vì vậy, các nước chấp nhận cho sử dụng ractopamine đều có quy trình cách ly trước khi giết mổ 14 ngày, tuyệt đối không còn được sử dụng ractopamine.
GS-TS Dương Thanh Liêm, Khoa Chăn nuôi Trường đại học Nông lâm TP.HCM lưu ý, dù lượng tồn dư ractopamine rất nhỏ nhưng nếu xâm nhập lâu dài vào cơ thể, sẽ có thể làm thay đổi nhịp tim, tim đập nhanh, cơ thể luôn có cảm giác hồi hộp, dẫn đến một số bệnh về tim mạch. Một số chất còn gây ra các bệnh về thần kinh, hại tuyến yên, suy yếu kháng thể... Ngoài ra, những chất tồn dư không chỉ gây hại cho người sử dụng trực tiếp mà còn ảnh hưởng đến con cháu sau này do những chất này có thể làm biến đổi gen.
(Theo Phunu TP HCM)