- Người dân đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi phải bàn giao nhà cửa, di dời đến nơi ở mới. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho người dân trì hoãn GPMB làm cho dự án tăng tổng mức đầu tư.

Đó là quan điểm được lãnh đạo TP Hà Nội tại buổi họp với Bộ GTVT nhằm "thúc" tiến độ công tác GPMB tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) 2A Cát Linh-Hà Đông mới đây.

Trên địa bàn Thủ đô hiện đang có hàng chục dự án trọng điểm đang được triển khai. Bên cạnh những dự án triển khai thuận lợi thì vẫn có một số công trình, hạng mục công trình không bảo đảm được yêu cầu tiến độ, gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, tạo bức xúc trong dư luận.

Đã có những ý kiến, quan điểm cho rằng, công tác GPMB chậm trễ, người dân chây ỳ không chịu di dời là nguyên nhân làm cho dự án bị chậm tiến độ và nghiêm trọng hơn là tổng mức đầu tư của các dự án bị "đội" lên cao.

{keywords}

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ GTVT nhằm "thúc" tiến độ GPMB tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh-Hà Đông, ông Nguyễn Quốc Hùng-Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: "việc dự án bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư có nhiều nguyên nhân, từ trượt giá, thời tiết, GPMB cho đến sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan... TP Hà Nội luôn xác định công tác GPMB là nhiệm vụ quan trọng và chỉ đạo đôn đốc, các đơn vị quyết liệt triển khai, kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Theo ông Hùng, để triển khai các dự án, hàng triệu người dân Thủ đô phải bàn giao nhà cửa đã ăn ở ổn định từ nhiều đời, nhiều năm để di dời đến nơi ở mới. Thiệt thòi như vậy, song hầu hết người dân đều rất ủng hộ.

Vì vậy, đừng đổ lỗi cho người dân trì hoãn GPMB làm cho dự án tăng tổng mức đầu tư. Điều quan trọng là các biên liên quan tập trung bàn bạc, cùng nhau tháo gỡ, ông Hùng nói.

Về tuyến đường sắt 2A Cát Linh, đến thời điểm này, công tác GPMB dự án đã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích đất thu hồi đạt 40,8ha (đạt trên 99,2%). Phần tồn tại còn lại rất nhỏ, tập trung ở quận Đống Đa và Hà Đông.

Cụ thể, đoạn từ Đê La Thành-hồ Đống Đa-đường Láng, Sở Xây dựng Hà Nội chưa hạ ngầm đường điện 110Kv vào trạm biến áp Thành Công vì chưa có thỏa thuận được phương án thi công trong trạm điện đang vận hành; chưa di chuyển đường ống nước D200 hiện có nằm giữa giải phân cách đường Hoàng Cầu đoạn từ phố Võ Văn Dũng đến phố Thái Hà.

Trên quốc lộ 6 đoạn từ Ba La đến hết bến xe Yên Nghĩa còn phải di chuyển tiếp đường ống cấp nước và đường điện chiếu sáng... Tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật đoạn này hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ thi công đường tránh quốc lộ 6...

Bên cạnh đó, ban chỉ đạo GPMB đề nghị TP báo cáo Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam) chuyển tiếp trên 330 tỷ đồng để chi trả cho dân và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm 196 tỷ đồng cho quận Đống Đa, 14,4 tỷ đồng cho quận Hà Đông và 120 tỷ đồng cho di chuyển công trình ngầm nổi) và tổ chức thi công ngay đối với các phần diện tích đã bàn giao mặt bằng...

Để thúc đẩy dự án, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Quận Đống Đa phải hoàn thành dứt điểm công tác GPMB xong trước ngày 30/8 và quận Hà Đông xong trước ngày 30-9. Yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật xong trước ngày 30-8 tới.

Tuyến ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông là một trong những dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, dự án có tổng chiều dài 13,05km với diện tích đất phải thu hồi 41,11ha, trong đó trên địa bàn quận Đống Đa và Thanh Xuân thu hồi 3,45ha để xây dựng tuyến và các ga trên cao; trên địa bàn quận Hà Đông thu hồi 37,66ha để làm khu đề-pô, đường dẫn, ga, đường tránh quốc lộ 6...

Công Trung