- Trong khi nhiều đại diện châu Âu kêu trời về các lệnh trừng phạt của Tổng thống Nga Putin thì không ít người dân Nga và các DN cũng than vãn và tìm cách xoay xở trước những ảnh hưởng từ đòn trừng phạt của phương Tây. Đã có không ít dự báo bi quan về kinh tế Nga.

Chấp nhận và ủng hộ

Số liệu thăm dò dư luận của Trung tâm Levada mới đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn ở mức rất cao, thậm chí đã tăng lên trên 80%. Người Nga tỏ ra hài lòng với hàng loạt các quyết định của Tổng thống trong vài tháng gần đây.

Tinh thần dân tộc của người dân Nga dường như đang tăng lên rất cao. Tỷ lệ bày tỏ thái độ tiêu cực trước các quyết định áp đặt của Phương Tây đã tăng lên 70% cho dù hiện tại không ít người Nga đang chịu thiệt hại và có thể còn gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Báo cáo của Cục thống kê Liên bang Nga hôm 11/8, tăng trưởng GDP của Nga trong quý II/2014 sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 quý vừa qua, chỉ đạt +0,8% so với cùng kỳ, thấp hơn tốc độ tăng 0,9% trong quý I và thấp hơn nhiều so với dự báo +1,1% mà Bộ Kinh tế Nga dự báo trước đó.

Các phân tích trên Bloomberg cho thấy, đồng ruble của Nga và thị trường chứng khoán nước này rơi vào tốp giảm mạnh nhất trên thế giới. Và tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2014 có thể chỉ đạt 0,5%.

{keywords}

Các lệnh trừng phạt của Tổng thống Nga Putin khiến không ít người dân Nga và các DN than vãn

Tất cả các con số nói trên đều biết nói. Tuy nhiên, nó chưa cho cảm nhận rõ ràng về những khó khăn mà người dân Nga đang và sắp phải chịu đựng.

Theo Bloomberg, người tiêu dùng Nga đang đối mặt với sự khan hiếm các loại thực phẩm có chất lượng cao mà nước Nga vốn rất thiếu như thịt bò Australia, cá hồi Na Uy, jambon Tây Ban Nha, phomai Italia... sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cấm nhập khẩu các loạ nông sản từ sữa của Mỹ, EU, Na Uy, Canada và Australia trong một năm.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các loại thực phẩm vốn là món khoái khẩu và đã trở nên quen thuộc với người Nga sẽ biến mất trên các kệ hàng ở các trung tâm mua bán.

Trên thực tế, sự thiếu vắng các loại thực phẩm nói trên chưa ảnh hưởng nhiều tới phần đông người dân Nga do các mặt hàng nói trên được cho là khá cao cấp trong khi các mặt hàng phổ thông hơn như khoai tây và cà rốt vẫn dễ tìm mua ở nước này.

Thiệt hại chưa tính hết

Ở chiều ngược lại, hàng loạt các phân tích trên báo chí Mỹ, EU và cả Nga cho thấy giá thực phẩm chung sẽ đội lên, tác động trực tiếp tới đời sống của từng người dân Nga. Ở thời điểm hiện tại, các nhà hàng và nhiều doanh nghiệp Nga mới là những đối tượng chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất. Các nhà hàng lo thiếu nguyên liệu còn DN kinh doanh thực phẩm phải tính toán tìm m nguồn hàng mới từ Nam Mỹ và châu Á nếu không muốn bị ngưng trệ kinh doanh.

{keywords}

Đã có không ít dự báo bi quan về kinh tế Nga.

Giá cả sẽ tăng và được dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Nga trong khi tốc độ tăng lương đang tụt xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi qua. Trong khi đó, Chính phủ Nga đã phát đi tín hiệu đề cập tới việc tăng thuế.

Cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Lệnh cấm hàng nông sản vào Nga mới chỉ được vài ngày, các đòn trừng phạt Nga của Phương Tây cũng vừa được đưa ra. Do vậy, những khó khăn, căng thẳng đối với cả hai bên có lẽ vẫn còn ở phía trước.

Những khó khăn mà các nước EU gặp phải đã được đề cập khá nhiều, với các ước tính thiệt hại lên tới cả trăm tỷ euro và bên cạnh đó có thể là bất ổn xã hội ở nhóm những nước nghèo, những khu vực được quy hoạch sản xuất nông sản cung cấp cho Nga... Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực lên người dân Nga, lên nền kinh tế Nga cũng rất lớn và chưa thể tính toán hết.

Nga là một nước lớn, một nền kinh tế đứng thứ 8 trên thế giới nhưng sản xuất không thực sự đa dạng và phụ thuộc phần lớn vào năng lượng, khoáng sản và công nghiệp quốc phòng. Nền nông nghiệp yếu thế khiến Nga phụ thuộc nguồn cung thực phẩm của các nước hàng xóm châu Âu.

Lệnh cấm vận khiến đời sống ẩm thực của người dân nước này rơi vào tình trạng đơn điệu hơn. Nhưng trong một thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh như ngày nay, tình hình thiếu thực phẩm tại Nga có thể thay đổi nhờ vào sự nhanh nhẹn thế chỗ của các DN đến từ Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan... hay tận Nam Mỹ.

Mặc dù vậy, điều mà nhiều người lo ngại nằm ở chỗ, người tiêu dùng Nga khi đó liệu có tiền để mua hay không bởi giá cả sẽ đắt đỏ hơn khi Nga bị cô lập về kinh tế.

Không chỉ túi tiền của người dân mà ngay cảnguồn tiền trong nền kinh tế Nga cũng bị cạn kiệt nếu các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa một bên là phương Tây giàu có gồm Mỹ, EU, Canada và Australia và một bên là Nga mới hồi phục trong vài năm gần đây... kéo dài.

Tính từ đầu năm tới nay, do lo ngại những bất ổn ở Ukraine và các lệnh trừng phạt do phương Tây đưa ra, giới đầu tư đã rút khỏi Nga khoảng 70 tỷ USD.

Cuộc đọ sức với hàng loạt các biện pháp trừng phạt leo thang lẫn nhau như vậy có thể khiến khoản dự trữ ngoại hối vài trăm tỷ USD của Nga nhanh chóng bị tiêu dùng. Kết quả của sự đối đầu có thể bào mòn sức mạnh của Nga, một điều mà vị tổng thống không bao giờ yếu thế Putin không mong muốn. Một Putin rắn rỏi và những ngường dân Nga bản lĩnh và chịu đựng đã giúp nước Nga trỗi dậy nhanh chóng trong thời gian qua lại một lần nữa bị thử thách trong cuộc đối đầu mới.

Văn Minh