Sau đêm hòa nhạc quốc tế mang tên một đại gia ô tô toàn cầu, dân yêu nhạc Hà Nội lại đanng lùng sục mua vé để có chỗ trong show Richard Clayderman diễn ra trong vòng 10 ngày tới. Vé đang rất hiếm, chợ đen chưa thấy bán… xem ra, một đêm nhạc tưởng như kén khách lại trở thành một cơn sốt.
Sức hút sao ngoại
Nửa tháng qua, giới yêu nhạc Hà Nội và khu vực lân cận, thậm chí cả các fan tại Sài Gòn xôn xao lùng sục tìm vé đêm diễn duy nhất của ông hoàng dương cầm Richard Clayderman vào ngày 23/8 tới tại Trung tâm hội nghị quốc gia.
Mặc dù đứng sau show biểu diễn này là Ngân hàng VPBank nhưng dường như với nhiều những người yêu nhạc thì yếu tố đó không khiến họ ngại ngần khi tìm kiếm cơ hội cho mình được nghe những bản nhạc cổ điển do nghệ sỹ đẳng cấp hàng đầu quốc tế trực tiếp biểu diễn ở Việt Nam.
|
Trong khi đó, dưới góc nhìn của dân kinh doanh, đây hẳn là cách để ngân hàng vốn đang nổi lên trong mấy năm khó khăn gần đây này làm thương hiệu, đánh bóng hơn nữa tên tuổi của mình.
Tuy nhiên, khác với thái độ nghi ngờ ban đầu về độ hot của một đêm nhạc cổ điển thì càng đến gần ngày biểu diễn thi sức hút của đêm nhạc Richard Clayderman càng tăng lên.
Vé trở nên khan hiếm khiến đã khiến không ít người thất vọng và từ đó đã có tin tin đồn về việc nhà tài trợ sẽ mời Richard Clayderman biểu diễn đêm thứ hai ngay sau đó tại Hà Nội hay lên kế hoạch đưa ông hoàng piano này vào Sài Gòn để biểu diễn vì không ngờ bán vé lại đắt khách đến thé. .
Thực tế, trong vài năm gần đây sao ngoại đã trở thành một đối tượng mà nhiều DN dùng để truyền thông cho mình. Sự hấp dẫn truyền thông của các ngôi sao nổi tiếng toàn cầu không chỉ có ở các nước phát triển trên thế giới mà nó đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Gần đây nhất, sự kiện “ngôi sao” không chân tay và là một nhà diễn thuyết nổi tiếng Nick Vujicic tới nói chuyện với hàng vạn thanh thiếu niên Việt Nam trên sân vận động Mỹ Đình cũng đã được báo chí rùm beng đưa tin, từ khía cạnh một sự kiện mang tính nhân văn cho tới bài học truyền thông hiệu quả của doanh nghiệp.
Trước đó, hồi đầu năm 2011, nhóm nhạc Backstreet Boys đến và biểu diễn tại Việt Nam đã khiến không chỉ các fan hâm mộ mà cả truyền thông phát cuồng. Trong khi giới trẻ diện đẹp, chi nhiều tiền để đến ngắm và nghe các chàng trai đa tài thì báo chí “bắt” từng centimet hình ảnh cũng như hành động, lời nói của các ngôi sao này.
Giữa năm 2013 vừa qua, sự kiện đội bóng ngôi sao Arsenal lần đầu đến Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông Việt Nam. Từng chuyển động, bước đi của đội bóng này được theo dõi sát sao.
Thậm chí, một nhân vật hết sức bình thường “Running Man” nổi lên trong sự kiện Arsenal sang Việt Nam và được đích thân HLV Wenger mời sang Emirates cũng được báo chí khai thác triệt để nhiều tháng sau đó.
Đại gia nội mượn tiếng sao ngoại
Hiện tượng các ngôi sao ngoại có sức hút lớn với truyền thông trong nước có lẽ đang hướng các doanh nghiệp, các đại gia sang một cách làm truyền thông thương hiệu mới: kết hợp thực hiện trách nhiệm xã hội với quảng bá thương hiệu.
Nếu như trước đây các sao ngoại xuất hiện tại Việt Nam thường gắn với thương hiệu của một hãng quốc tế như Toyota hay một hãng rượu nổi tiếng thì nay, các “ông lớn” trong nước đang hướng sự quan tâm tới các sao ngoại đình đám, thậm chí tổ chức trọn vẹn cả đêm diễn để thể hiện đẳng cấp cũng như tên tuổi của mình.
Trong đó phải kể đến ông chủ của Tập đoàn Hoa Sen bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mời “ngôi sao” Nick Vujicic. Giới đầu tư cũng từng chứng kiến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mời cựu thủ môn Peter Schmeichel của Manchester United sang nhân sự kiện ra mắt sản phẩm thẻ mới; Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mời tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic.
Và tới trường hợp VPBank mời ông hoàng dương cầm người Pháp Richard Clayderman là một minh chứng rõ nét cho trào lưu chơi tới bến này.
Chưa biết chi phí của doanh nghiệp trả cho việc tham gia tài trợ các chương trình như vậy là bao nhiêu nhưng giới chuyên môn ước tính chi phí này phải lên đến cả chục tỷ đồng.Tuy tốn kém nhưng hiệu quả quảng bá thương hiệu, trong khi đó, rất khó đánh giá.
Mặc dù vậy, sự nổi tiếng và sức hút của chương trình có lẽ cũng đủ làm hài lòng các ông chủ đầu tư như ông Hoàng Anh Gia Lai, Hoa Sen hay VPBank.
Dường như, tầm nhìn của các chiến lược gia marketing và truyền thông cũng như ông chủ của các doanh nghiệp lớn trong nước không còn bó buộc trong phạm vi thị trường nội địa và thuần túy ở bề nổi, chỉ nhắm tới việc tăng doanh thu, bán sản phẩm nữa.
Bên cạnh đó, xu hướng vời sao ngoại, có lẽ còn hình thành từ sự thận trọng của các doanh nghiệp lớn đối với hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng, của các sự kiện thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế.
Sự xuất hiện của các sao ngoại làm đa dạng đời sống văn hóa của người Việt và góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với quốc tế. Các doanh nghiệp tài trợ, trong khi đó, hưởng lợi trong việc quảng bá hình ảnh của mình.
Tất nhiên, cái gì cũng có 2 mặt. Bài toán mời sao ngoại, tổ chức các sự kiện hoành tráng cũng đồng nghĩa với việc chi rất nhiều tiền, mà không phải ai cũng làm được và cũng không phải kết quả bao giờ cũng được như ý muốn.
Kiều Linh