- Các hãng ôtô toàn cầu sẽ không từ bỏ thị trường Việt Nam nhưng việc đầu tư cho sản xuất vẫn còn là câu hỏi lớn. Các DN có thể đã có những tính toán riêng của mình.
Nhiều ưu đãi
Với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch công nghiệp ô tô đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Chiến lược chính cách công nghiệp - Bộ Công thương, trong tờ trình lên Chính phủ, bộ này đã kiến nghị về các chính sách rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong chiến lược và quy hoạch này chỉ một số nội dung được thể hiện. Còn lại phải chờ các cơ quan chức năng xem xét và nếu được chấp nhận sẽ thực hiện từ 2015.
Ông Giám cho biết, những ưu đãi dành cho xe chở người trên 10 chỗ và xe tải nhẹ dưới 3 tấn khá rõ ràng. Đó là mức thuế thấp nhất, xe tải nhẹ phục vụ nông thông được hỗ trợ giá khi mua... Với xe chở người dưới 9 chỗ được nhiều người quan tâm với dự báo nhu cầu tăng cao từ 2025 trở đi cũng đã có các đề xuất về ưu đãi cho DN sản xuất.
Cụ thể, kéo dài thời gian bảo hộ sản xuất trong nước bằng việc điều chỉnh lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc. Duy trì thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean ở mức 50% đến hết năm 2016 sau đó giảm còn 30% vào 2017 và 0% vào 2018 không giảm đều mỗi năm 10% từ nay đến 2018 theo lộ trình đề ra ban đầu.
Giá xe lắp ráp trong nước cao hơn xe nhập khẩu. |
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ xây dựng công thức xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đảm bảo bình đẳng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu nguyên chiếc cùng loại.
Hiện các DN cho rằng, xe sản xuất trong nước được tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên cơ sở giá bán buôn, bao gồm cả chi phí bán hàng, trong khi đó xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tính trên cơ sở giá CIF không bao gồm chi phí bán hàng. Điều này khiến giá xe lắp ráp trong nước cao hơn xe nhập khẩu.
Bộ Công thương cũng đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể với xe chở người đến 9 chỗ, dung tích từ 1.2L đến 1.5L giảm 10% và từ 1.2L trở xuống giảm 15% so với mức hiện nay là 45%.
Bên cạnh đó, bộ này cũng đề xuất kiểm soát lượng xe nhập khẩu, thông qua việc quy định tiêu chuẩn với các đại lý nhập khẩu, như về năng lực tài chính, kho bãi, chế độ bảo hành, bảo trì.
Ngoài ra, do sản xuất linh kiện sẽ được Nhà nước, ưu đãi, hỗ trợ lớn nên các DN ô tô có thể mua được các linh kiện, phụ tùng từ trong nước với giá rẻ, để giảm giá thành xe.
DN thờ ơ?
Tuy nhiên, các DN sản xuất lắp ráp ô tô chở người dưới 9 chỗ cho biết, những ưu đãi này không nhiều và chưa đủ hấp dẫn.
Cụ thể với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giữ ở mức 50% đến hết 2016 là quá ngắn. Hiện nay với mức thuế 50% thì xe trong nước vẫn cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu. Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm còn 30% vào năm 2017, thì mọi chuyện sẽ khác. Còn khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018, xe nhập làm chủ thị trường.
Các hãng ôtô toàn cầu sẽ không từ bỏ thị trường Việt Nam nhưng việc đầu tư cho sản xuất vẫn còn là câu hỏi lớn |
Với thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ có tính lại cho công bằng giữa xe trong nước và xe nhập khẩu. Còn việc giảm thuế cho xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống là nhằm mục đích tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ mua xe hơn và mở rộng quy mô thị trường. Cả xe nhập khẩu và sản xuất trong nước cùng hưởng lợi.
Việc mua linh kiện trong nước cũng không dễ do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu kém. Trong khi đó, đẩy mạnh sản xuất linh kiện, tăng nội địa hóa, trong khi quy mô thị trường ô tô Việt Nam quá nhỏ, hơn 100.000 xe, không đủ hấp dẫn để đầu tư và chưa chắc đã có giá rẻ do đầu tư lớn nhung công suất thấp.
Thậm chí, nếu có ưu đãi cho sản xuất linh kiện lớn cũng rất khó tiếp cận. Vinaxuki 4 năm trước được Chính phủ đồng ý cho vay 250 tỷ đồng phát triển sản xuất ô tô đến nay vẫn chưa vay được đồng nào.
Ngay cả việc dùng hàng rào phi thuế quan để hạn chế xe nhập khẩu cũng khó bởi theo tính toán chi phs lắp ráp ô tô trong nước từ 2018 sẽ cao hơn 20% so với xe nhập khẩu. Trong khi đó, người Việt vẫn thích xe nhập khẩu. Của còn lại để ngăn cản xe nhập khẩu là dùng hạn ngạch (Quota), nhưng có thể lại vi phạm cam kết về mở cửa thị trường.
Chỉ còn 4 năm nữa, thuế nhập khẩu ô tô về 0%, xe trong nước rất khó cạnh tranh, nhiều DN chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối thì mục tiêu đẩy mạnh sản xuất linh kiện, tăng nội địa hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế cho thấy với xe Pick up khi thuế nhập khẩu giảm còn 5% thì không còn DN nào lắp ráp xe này tại Việt Nam.
Với thực tế này, một số DN ô tô có lẽ đã tính đến việc chuyển hướng sang nhập xe nguyên chiếc về phân phối. Một DN ô tô FDI lớn tại Việt Nam đã tiết lộ kế hoạch thời gian tới mẫu xe nào còn lợi thế vẫn tiếp tục lắp ráp tại Việt Nam, còn không dừng lại, chuyển sang nhập xe nguyên chiếc về phân phối.
Mới đây nhất, Vina Star đã quyết định dừng lắp ráp xe tải, nhập khẩu nguyên chiếc nhiều xe du lịch về phân phối để nâng doanh số bán xe Mitsubishi từ 3.000 xe năm 2014 lên 10.000 xe năm 2018.
Điều này cho thấy, các DN ô tô chắc chắn không từ bỏ thị trường Việt Nam nhưng đầu tư cho sản xuất vẫn còn là câu hỏi lớn.
Trần Thủy