- Ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, lối phân biệt giàu nghèo của những người làm dịch vụ với “thượng đế” trở nên phổ biến không chỉ tại hàng ăn uống, shop phục vụ bình dân mà ở cả những ở trung tâm thương mại cao cấp.
Thường thì, khi bước chân vào cửa hàng ở Hà Nội, khách sẽ bị soi từ đầu tới chân. Nhiều nhân viên bán hàn, bất kể bình dân hay sang trọng, thấy khách ăn mặc xâu xấu, đi xe cà tàng thì lập tức thể hiện thái độ coi thường. Họ mặc nhiên nghĩ rằng, ôi dào, chỉ có vài đồng trong túi đi ngó nghiêng xem hàng cho vui chứ mua bán gì. Thế nên, họ thường mặc kệ, lảng lờ đi, hoặc nói thẳng ra là không muốn phục vụ khách.
Chị Thu Lê (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) kể: “Mấy hôm trước, tiện thể đi đón con, tôi có rẽ vào cửa hàng Louis Vuitton. Nhân viên bảo vệ chắn ngay ở cửa, nói: ‘Xin lỗi chị, cửa hàng đang đông quá’. Tôi nhìn vào chỉ thấy lèo tèo vài bóng người, bèn hỏi ‘Làm gì có ai?’.
Bảo vệ không nói gì nhưng cũng không mở cửa. Lúc quay xe đi, tôi còn kịp ngoái lại nhìn thấy nhân viên bảo vệ đang cúi chào hai người bước từ trên ôtô xuống. Nhìn lại mình trong gương, thấy mình đầu tóc cũng không đến nỗi bù xù, nhưng mặc quần áo “bình dân” và không trang điểm nên mới hiểu ra cơ sự”.
Khách hàng thường bị soi từ đầu đến chân khi bước vào những cửa hàng “sang chảnh” (ảnh minh họa - phunuonline) |
Anh Quân (36 tuổi, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tháng trước mình đi mua đồng hồ Tissot. Hôm đó ở quê mới lên chưa kịp cắt tóc, cạo râu. Chắc lúc đó trông mình gian lắm hay sao mà vào xem đồng hồ, mấy cô nhân viên cứ đứng đằng sau sợ bị cướp giật. Đi một bước, các cô theo mình một bước, lại còn bị nhìn chằm chằm đầy cảnh giác. Mình hỏi gì cũng chỉ ậm ừ với thái độ đuổi khách. Chăm sóc khách hàng kiểu gì mà cứ như bị theo dõi tội phạm khiến mình vừa bực vừa tức cười nên nhanh chóng đi luôn”.
Chị Thư Anh (26 tuổi) cũng lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi trên đường đi làm, chẳng may đôi giầy của chị bị gãy gót. Không còn thời gian quay lại nhà, chị tiện ghé vào ở một tiệm giầy trông khá sang trọng ngay bên đường.
Lúc chị định thử giày, nhân viên tiến tới nói thẳng: “Đôi giày này là hàng của Ý, giá đắt đấy”. Đến khi chị gặp nhân viên khác yêu cầu lấy cỡ vừa chân, người này cũng chẳng chịu đứng dậy mà chỉ tỉnh bơ trả lời “hết size rồi”. Chị cười bảo: “Chắc nhân viên bán hàng nghĩ dân công sở lương ba cọc ba đồng, không mua nổi những đôi giày hàng hiệu tiền triệu nên chẳng thèm chào mời làm chi cho mất công”.
Chị Hà Phương (37 tuổi, nhân viên văn phòng) ở Hà Nội cũng góp chuyện, vì nhiều lần chị đã mất tiền mua hàng mà còn gánh bực mình.
Hôm đó, chị và chồng có tới một địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Hà Nội. Mặc dù hóa đơn thanh toán của vợ chồng chị lên đến gần 30 triệu nhưng nhân viên vẫn khá thờ ơ, thậm chí còn có thái độ dè bỉu. Anh chị bị đối xử như kiểu nhà quê ra tỉnh, rồi đoán già đoán non chắc là mới giàu sổi. Đến khi thanh toán, chị để ý thấy thấy cô nhân viên thu ngân đang hỏi thông tin cá nhân của khách khách để lưu hồ sơ và tặng thẻ VIP. Chị quay lại nhìn chồng thấy anh mặc quần ngố, áo phông, trong khi người ta mặc vest hàng hiệu mới vỡ lẽ tại sao mình không được coi là khách VIP.
Hàng hiệu vắng khách nhưng vẫn rất kén khách |
Việc phân chia khách hàng cao cấp và bình dân là phù hợp với chiến lược kinh doanh của mỗi thương hiệu nhằm tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng. Nhưng không phải vì thế nhân viên bán hàng lại hình thành thái độ phân biệt đối xử giàu nghèo đối với khách.
Đặc biệt, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thái độ phân biệt thể hiện khá rõ, gây ra tâm lý ngại ngần của khách hàng khi bước chân vào những trung tâm mua sắm, hay những cửa hàng “sang chảnh”.
Trong khi đó, ở một số trung tâm mua sắm sang trọng, thái độ phục vụ lại chưa tương xứng với đẳng cấp. Mới đây, một cựu du học sinh Nhật Bản đã lên tiếng phản ánh về văn hóa phục vụ tại Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội.
Cụ thể, khi khách chưa lấy xe, bảo vệ ở tầng hầm đã yêu cầu trả tiền, đến lúc lấy xe ra thậm chí không cầm lại vé. Còn bảo vệ tòa nhà thì không biết tươi cười, chào hỏi và lịch sự mở cửa cho khách ra vào. Nhân viên bán hàng thiếu chuyên nghiệp khi chăm sóc khách, như không đeo bao tay và in dấu vân tay trên sản phẩm hàng hiệu... Bởi lẽ đó, anh và nhiều người khác tuyên bố sẽ không mua đồ ở đây, nơi yêu cầu khách hàng tiêu tiền như giới siêu giàu nhưng lại phục vụ kiểu bình dân.
Rõ ràng, văn hóa bán hàng ở Hà thành còn nhiều vấn đề. Từ trung tâm thương mại cao cấp đến những cửa hàng, shop bình dân đều thiếu sự tôn trọng khách hàng. Oái oăm thay là giờ đây, “thượng đế” mới là người phải xuống nước với nhân viên bán hàng, mặc dù mình phải trả tiền, thậm chí rất nhiều tiền, để trả cho họ.
Nhị Anh