Bến Thành, Bình Tây, Tân Định... là những ngôi chợ "già" và nổi tiếng bậc nhất TP.HCM . Đây cũng là đầu mối cung cấp hàng hóa cho người dân thành phố và khu vực lân cận.
Chợ Bến Thành
Chợ này là biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, một trăm năm qua, chợ Bến Thành đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến nhiều thăng trầm của thành phố, là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3/1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay. Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056 m2. Trung bình mỗi ngày, chợ đón khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán và tham quan. Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng. Bước chân vào chợ là len lỏi giữa dòng du khách nước ngoài nườm nượp, tai nghe những lời chào bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Thái... xôn xao như một bản hợp âm. Có thể nói ít ngôi chợ nào trên đất nước thu hút được lượng du khách với mật độ cao, nhiều màu da và đa quốc tịch như nơi đây. Nhưng ngôi chợ vẫn tồn tại nhiều bất cập mà điển hình là tình hình an ninh trật tự. Đây là địa điểm hoạt động của nhiều nhóm trộm cắp, khiến đơn vị quản lý phải đặt biển cảnh báo. |
|
Chợ Bình Tây còn được gọi là Chợ Lớn. Vào năm 1930, một thương nhân giàu có tên Quách Đàm đã bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp, xây dựng chợ bằng bê tông cốt thép với tên gọi chợ Bình Tây. Tuy nhiên, người dân Sài Gòn xưa vẫn quen miệng gọi là Chợ Lớn cho đến ngày nay. Chợ Bình Tây là ngôi chợ lớn của TP.HCM với 2.358 sạp. Khu vực nhà lồng chợ có 1.446 sạp, trong đó tầng trệt là 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Khu vực ngoài nhà lồng có 912 sạp, trong đó đường Trần Bình có 408 sạp, Lê Tấn Kế có 328 sạp, Phan Văn Khoẻ là 176 sạp. Chợ Bình Tây ngày nay vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn của thành phố và của quận 6, mặc dù có sự cạnh tranh khá quyết liệt từ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại trong những năm gần đây. Chợ Bình Tây được xem là chợ đầu mối của nhiều ngành hàng, đặc biệt là thời trang và hàng gia dụng. Nhiều cửa hàng và tiểu thương các chợ nhỏ tại TP.HCM và khu vực lân cận đều về đây lấy hàng với giá sỉ để bán lại. Để tưởng nhớ người có công lập chợ, bà con tiểu thương đã lập khu tưởng niệm Quách Đàm. Với lối kiến trúc cổ xưa và bề dày lịch sử lâu năm, chợ đang mở ra một hướng phát triển mới đó là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước |
Chợ An Đông
Chợ nằm ở quận 5, có lịch sử 56 năm. Hiện chợ có 2.702 quầy sạp với doanh số luân chuyển hàng hoá khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Ngoài các mặt hàng kinh doanh thường thấy tại các chợ, nơi đây được xem là vựa thời trang cập nhập mẫu mã nhanh nhất, với chất lượng không thua kém so với các shop lớn.
Chợ có không gian thoáng đãng nhất thành phố, với hệ thống thang cuốn đi lên các tầng để phục vụ khách hàng. Khu vực tầng trệt rộng rãi với nhiều gian hàng ăn uống, nhiều món ngon hấp dẫn như bún mắm, súp cua, bánh canh cua, xôi gà, các món chè, trái cây dĩa... Chợ cũng cung cấp nhiều loại thực phẩm khô như: mực, cá, tôm .... |
Chợ Tân Định
Được xây dựng vào năm 1926, chợ Tân Định, quận 1, một trong những chợ mang đậm dấu tích lịch sử của TP.HCM. Đây cũng là địa chỉ mua sắm nổi tiếng và quen thuộc của người dân Sài Gòn. Nằm trên đường Hai Bà Trưng, ngay góc ngã 4 Hai Bà Trưng - Nguyễn Hữu Cầu, chợ có 4 cửa chính, thuận lợi cho người tiêu dùng khi đi mua sắm. Chợ Tân Định kinh doanh nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú từ vải vóc quần áo, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, trái cây đến giày dép, phụ kiện trang sức... phục vụ đầy đủ nhu cầu thường nhật của người dân cũng như khách du lịch, nhưng nổi tiếng nhất là vải. Ngôi chợ này cũng được mệnh danh là chợ an ninh nhất thành phố. |
(Theo Zing)