Cuối tháng 7, giữa cái nắng gay gắt của những ngày cuối hè, trong vai người đi xin việc, phóng viên NTNN đã rải… 20 bộ hồ sơ tới các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng được con đường để được tuyển làm công nhân lại gian nan đến thế.

LTS: Bộ LĐTBXH mới đây công bố 172.000 cử nhân thất nghiệp. Đó là chưa tính con số cử nhân thất nghiệp phải giấu bằng để đi làm công nhân. Đa số cử nhân đi làm công nhân là con em nông dân, không thể cạnh tranh bằng ngoại ngữ, kinh nghiệm trong ngành mà họ học; cũng không có “mối quan hệ” để thi làm công chức. Thực trạng này gây ra hệ lụy là lãng phí nguồn lực đầu tư (khoảng 200 triệu đồng/4 năm học); bị khinh rẻ bởi chính các công nhân; và lãng phí nhân lực cho xã hội... Phóng viên NTNN đã thâm nhập cuộc sống của các công nhân - cử nhân này để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Quy trình “lọc” cử nhân

Tại 2 cổng A và B của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) có 2 bảng tin to đùng, lúc nào cũng dán kín các thông báo tuyển dụng. 12 giờ trưa 26.5, xung quanh 2 bảng tin này vẫn còn hàng trăm thanh niên đang chen chúc xem các thông báo. Phần lớn thông tin tuyển dụng đưa ra tiêu chuẩn như: Dưới 28 tuổi, chưa kết hôn. Một số còn nhấn mạnh không tuyển lao động có bằng đại học (ĐH), hoặc “chỉ nhận hồ sơ của ứng viên đúng trình độ”, yêu cầu lao động không đủ điều kiện, không nộp hồ sơ.

{keywords}

Hàng trăm người - trong đó không ít là cử nhân đang chờ nộp hồ sơ ứng tuyển làm công nhân. (Ảnh chụp tại Khu công nghiệp Hoàng Long, Thanh Hóa)

 

Sau khoảng 2 giờ đọc đến hoa cả mắt các thông báo trên bảng tuyển dụng tại cổng khu công nghiệp, tôi bắt đầu hành trình đi rải hồ sơ. Nơi tôi tìm đến đầu tiên là Công ty Hoya Glass Disk Vietnam (Lô J3 + J4 Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh).

Dù không ghi rõ là không nhận cử nhân nhưng ngay từ vòng tiếp nhận hồ sơ (gửi ở phòng bảo vệ), nhân viên bảo vệ đã làm bước “sàng lọc” khi đưa ra câu hỏi đầy thăm dò: “Cháu tốt nghiệp trường nào ra?”. Khi tôi nói học hết cấp III thôi thì ông mới nhận tập hồ sơ và đưa tôi một tờ giấy hẹn 5 ngày sau quay lại để phỏng vấn.

Sáng 31.7, theo lịch hẹn tôi tìm đến Công ty Hoya Glass Disk Vietnam. Đây là công ty 100% vốn của Nhật sản xuất trong lĩnh vực thủy tinh. Tham gia tuyển dụng đợt này có tới gần 500 lao động. Đa phần đều là nữ, tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết đều dưới 30. Sau một hồi phổ biến nội quy, chúng tôi được xếp hàng chờ gọi để nhà tuyển dụng… xem người và phỏng vấn. Lao động nào quá thấp bé, hoặc trông quá ăn chơi sẽ bị loại ngay từ vòng này.

Phỏng vấn trước tôi là Nguyễn Ngọc Mai (SN 1991, quê ở Đông Anh). Mai tỏ ra khá căng thẳng khi trả lời các câu hỏi. Tưởng đâu Mai đã trúng tuyển, nhưng bất chợt người tuyển dụng phát hiện cô tốt nghiệp ĐH Thương mại nên loại ngay. Nghĩ cảnh cả chục lần đi nộp hồ sơ không thành, phải ăn nhờ ở đậu phòng bạn cả tháng trời, Mai bật khóc, năn nỉ mà không được.

Người phỏng vấn tôi là cán bộ nhân sự tên M yêu cầu tôi giới thiệu về gia đình và bắt đầu kiểm tra hồ sơ.

- Em học ĐH ra à?

- Không ạ, em chỉ học phổ thông thôi.

- Em không cần nói dối, em không nói thì các chị cũng có nghiệp vụ để biết là em tốt nghiệp ĐH.

- (PV e ngại) Vâng, em học ĐH Sư phạm ra nhưng vì nhà nghèo quá không có tiền xin việc, nên em phải đi làm công nhân.

- Em học cao thế có làm ở đây lương cũng chỉ như các bạn không học gì thôi.

- Nhưng em chấp nhận mà chị. Chị giúp em với.

- Không được đâu em. Em tìm công việc khác phù hợp hơn mà làm.

Kiên nhẫn đợi tới cuối ngày, tôi được biết trong số gần 500 người cùng dự tuyển với mình hôm đó, có tới hơn 1 nửa bị loại vì “tội” có bằng cử nhân. Tuy nhiên, một nửa số qua được “quy trình loại cử nhân” cũng không ít người là cử nhân nhưng giấu được thân phận.

Tìm kiếm “bàn tay chai”

Tại Khu công nghiệp Hoàng Long (TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa), không khí tuyển dụng lúc nào cũng sôi động. Tuy khu công nghiệp này chỉ có hai nhà máy chuyên sản xuất giày da là Hong Fu và Hồng Mỹ, nhưng năm nào cũng có hàng chục đợt tuyển công nhân. Sáng 23.7, trong vai lao động đi tìm việc, tôi ôm hồ sơ tới khu nhà ăn của khu công nghiệp này để dự tuyển và qua được vòng sơ tuyển nhờ khai là lao động phổ thông.

Ngày 25.7, tôi cùng hơn 200 thanh niên nữa được tiếp nhận vào làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi phải qua một vòng kiểm tra lạ lùng: Kiểm tra bàn tay chai!

Sau 3 giờ chờ đợi, chúng tôi mới được gặp ông Giám đốc bộ phận Kiểm hàng người Đài Loan tên Phú Lì (tên công nhân ở đây thường gọi). Ông này nổi tiếng là người khó tính. Vừa bước chân vào phòng, yêu cầu chúng tôi đứng xếp hàng theo đúng vạch kẻ trước bàn, sau đó ông ta quay sang nói với nữ phiên dịch tên Sang, yêu cầu từng lao động đưa tay cho ông ta kiểm tra. Ông ta lần lượt cầm bàn tay của 2 lao động kiểm tra chai tay và ký vào biên bản nhận người. Đến lượt tôi, ông ta thận trọng mở hồ sơ rồi nắm lấy tay tôi sờ qua sờ lại, ấn vào lòng bàn tay và lắc đầu lia lịa.

“Ông ta nói tay chị không có vết chai tay. Không có chai tay nghĩa là chị lười, không chăm làm việc” - Sang nhìn tôi nói.

Lo ngại bị loại, tôi liên tục khẳng định là có vết chai tay, trên tay còn có vết sẹo thì ông ta cầm tay, soi lại và cho rằng đó chẳng qua chỉ là vết sẹo hồi bé và có ý không muốn nhận. Mãi sau khi nhận thấy bộ mặt buồn bã của tôi, cùng với sự nài nỉ của 2 cô phiên dịch rằng: “Có chai tay mà, nhận người này đi” thì ông Phú Lì mới đồng ý ký vào biên bản nhận người.

Cách 4 dãy ghế là bàn tuyển dụng của Công ty Giày Hồng Mỹ. Mặc dù ra đời sau nhưng công ty này hiện đang được rất nhiều cử nhân, lao động phổ thông nộp hồ sơ bởi... thời gian tăng ca nhiều, lương cao hơn hẳn. 4/5 chàng trai ứng tuyển vị trí công nhân ngồi cạnh tôi lúc ấy đều đã tốt nghiệp ĐH. Cường (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) từng học chuyên ngành Marketing của Trường ĐH Thương mại, sau 2 năm bám trụ ở Hà Nội đã phải “đầu hàng” về quê xin việc.

“Cực chẳng đã thì mới phải về quê làm công nhân như thế này. Trước kia ở ngoài đó (Hà Nội) mình cũng từng làm đủ nghề, bán hàng cho OMO, làm nhà hàng… nhưng lương cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng, không đủ sống” – Cường tâm sự.

Ngồi cạnh Cường là Nam (SN 1983) từng học Trường ĐH Lâm nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Nam tỏ ra khá thận trọng, rụt rè khi tiết lộ thân phận: “Mình học ĐH nhưng công việc giờ khó tìm quá. Về quê làm công nhân tuy không đúng chuyên ngành nhưng chí ít không phải thuê nhà, tiết kiệm ít tiền để còn cưới vợ”. Nói về tỷ lệ cử nhân trong số đang ngồi dự tuyển, Nam đưa ra con số quả quyết: Không ít hơn 40%!

Trong số 20 bộ hồ sơ được PV NTNN chuẩn bị để “rải” ở khắp các khu công nghiệp từ Hà Nội tới Thanh Hóa có 14 hồ sơ để nguyên tình trạng (là cử nhân, có bằng ĐH), 6 bộ được thay đổi lý lịch cá nhân từ độc thân thành có gia đình, chỉ khai tốt nghiệp THPT cho phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng. Kết quả, sau một tuần vật vờ ở khu công nghiệp, 14 hồ sơ nộp kèm bằng ĐH đều đã bị loại ngay “từ vòng gửi xe”. 6 hồ sơ chỉ khai tốt nghiệp THPT thì được nhận nhưng có tới 4 công ty phát hiện “khai man” hồ sơ và loại nốt.

(Theo Dân Việt)