- Mặc dù nhà ngay cạnh một trung tâm thương mại lớn, song chị Nguyễn Thị Lê (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiếm khi vào đây. Năm nào, chị cũng dành cả chục triệu đồng đi du lịch Thái Lan hay Singapore để mua sắm.
Bán hàng theo kiểu bao cấp
Mỗi lần nhìn đi qua các trung tâm mua sắm ở Thủ đô, chị Nguyễn Thị Lê lại thấy tiếc: “Thực ra, dân mình nhu cầu mua sắm cũng rất lớn. Nhưng nhìn các trung tâm thương mại sập sệ, đầu tư không bài bản hoặc bán hàng kém chất lượng là mình mất hứng rồi, nói gì tới vào mua. Chưa kể, nhân viên bán hàng thì cau có, thiếu chuyên nghiệp với khách”.
Chị Lê là một trong số nhiều người thu nhập cao có nhu cầu mua sắm ở Hà Nội. Cách đây không lâu, khi Tràng Tiền Plaza tạm ngừng bán hàng ở một số tầng để nâng cấp, đã có du học sinh Nhật góp ý về cách bán hàng thiếu chuyên nghiệp tại đây. Theo đánh giá chung từ phía người tiêu dùng, các trung tâm mua sắm ở thủ đô không chỉ ít mà còn thiếu mặt hàng, không chuyên nghiệp nên việc người Hà Nội đổ xô sang các nước láng giềng mua sắm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nhiều trung tâm mua sắm lớn ở Thủ đô vắng khách |
Đánh giá về bán lẻ trong nước, đại diện của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phân tích, muốn phát triển hệ thống bán lẻ, phải có 4 yếu tố: Vị trí phù hợp; chất lượng và giá cả hợp lý; tổ chức bán hàng chuyên nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, cả 4 yếu tố này Việt Nam đều chưa đáp ứng được, nhất là khâu lựa chọn vị trí mở cửa hàng. Đặc biệt, nhiều nơi nhân viên vẫn bán hàng theo kiểu bao cấp “khách cần mình chứ mình không cần khách.
Tại một hội thảo mới đây về ngành bán lẻ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng, loại hình trung tâm thương mại trên địa bàn vẫn mang dáng dấp địa phương, dẫn tới hệ quả là chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển Hà Nội thành trung tâm mua sắm quốc tế và cả nước.Hà Nội hiện có 135 siêu thị và 24 trung tâm thương mại. Tuy nhiên, so với các hệ thống bán lẻ nước ngoài, hệ thống bán lẻ hiện nay còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đặt yêu cầu phục vụ khách hàng lên hàng đầu.
Theo ông Hồ Quốc Khánh, Sở Công Thương Hà Nội, việc phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc, như quỹ đất dành cho thương mại còn ít, khó bố trí tại địa bàn các quận trung tâm; một số loại hình thương mại không có tiêu chí thiết kế cụ thể và cơ chế quản lý nên khó khăn trong việc xác định quy mô, vị trí; việc kết hợp phát triển thương mại - du lịch trên địa bàn chưa được chú trọng; trình độ chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa của các DN thương mại còn thấp...
Khó nâng cấp, cải tạo
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, sự tồn tại của các cơ chế quản lý cũ đã để lại nhiều vướng mắc về pháp lý khiến DN không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp hay thay đổi mô hình kinh doanh, dẫn đến hiệu quả khai thác hạn chế. Bên cạnh đó, sự yếu kém về hệ thống hạ tầng thương mại như kho bãi, giao thông, nguồn hàng... cũng như vốn yếu đã hạn chế tính chủ động của DN bán lẻ.
Trung tâm mua sắm vẫn yếu về quy mô và chất lượng |
Để phát triển hệ thống bán lẻ, các chuyên gia cho rằng, UBND TP. Hà Nội cần khẩn trương có quy hoạch chi tiết hệ thống bán buôn bán lẻ kết hợp với quy hoạch phát triển tổng thể đô thị của Hà Nội.
Ông Vượng kiến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN phân phối trong nước tiếp cận mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi qua nhiều hình thức như thuê, mượn, trả dần tiền thuê; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình cấp giấy phép hoạt động, ưu đãi về thuế, cung cấp thông tin liên quan đến thị trường địa phương.
Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, thị trường bán lẻ ở Hà Nội rất tiềm năng, tới đây thành phố sẽ có định hướng phát triển cụ thể, đặc biệt là việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch chung của hệ thống bán lẻ trên địa bàn.
“Quan điểm của Hà Nội là sẽ quan tâm chỉ đạo để tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong cả ngắn hạn và dài hạn, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn sau đầu tư cho các DN trong thời gian tới, đồng thời tập trung chống gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh”, ông Tuấn nói.Theo quy hoạch của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội cần đầu tư xây dựng mới 23 siêu thị hạng 1, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; ngoài ra sẽ đầu tư 10 TTTM hạng 1, 7 TTTM hạng 2, 16 TTTM hạng 3, 9 TTTM cấp vùng; phát triển 595 chợ dân sinh, đến năm 2020 tiến hành nâng cấp 381 chợ, xây mới 213 chợ và giải tỏa 14 chợ.
D.Anh