Điện tử được xem là mũi nhọn của nền công nghiệp hiện đại. Nhờ được rót vốn "khủng" từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, công nghiệp điện tử Việt Nam đã trở thành hiện tượng thời gian qua. Trong khi đó, các DN nội ngày càng yếu thế và chấp nhận làm  'kẻ ngoài cuộc'

DN điện tử Việt đang ở đâu, làm gì?

Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung Electronics là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất điện tử tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 6,8 tỷ USD. Ngoài ra, còn có hàng loạt dự án tên tuổi khác như Intel, với số vốn đầu tư 1 tỷ USD; LG 1,5 tỷ USD, Wintek (công ty sản xuất các sản phẩm màn hình cảm ứng hàng đầu trên thế giới - Đài Loan) với 1,2 tỷ USD, Canon, Nokia 300 triệu USD...

Ngoài ra, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng quan tâm đến công nghiệp điện tử Việt Nam. Dự báo, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này sẽ còn tăng mạnh, biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất hàng đầu về công nghiệp điện tử trong khu vực.

Theo giới chuyên môn, Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ nguồn lao động chi phí thấp, chính sách ưu đãi lớn và quyết tâm đầu tư lâu dài. Mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam vào năm 2017 lên 40 tỷ USD, vì thế, có thể vượt xa.

{keywords}

Nếu các DN Việt Nam cứ bé mãi không lớn, bị doanh nghiệp FDI thống trị, thì ngành công nghiệp điện tử sẽ mãi phụ thuộc vào nước ngoài.

Tuy nhiên, để nâng giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm điện tử xuất khẩu vẫn là thách thức lớn.

Theo Hiệp hội Điện tử Việt Nam, ngành điện tử trong nước hiện có gần 500 DN, trong đó 1/3 là các doanh nghiệp FDI. Số lượng không lớn nhưng các DN này lại giữ vai trò chủ chốt, nắm giữ trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2013, ngành điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu 32,2 tỷ USD, nhưng có tới 23 tỷ là từ điện thoại di động của Samsung, gần 10 tỷ USD là linh kiện điện tử và máy tính, cũng chủ yếu của các DN khác như Canon, LG...

Việt Nam có số lượng doanh nghiệp đông đảo nhưng hầu như không có đóng góp gì. Trước năm 1990, chúng ta có hàng loạt công ty khá tên tuổi như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức, Viettronics Biên Hòa; Hanel... song đến nay, những DN đó đang ở đâu, làm gì chẳng ai rõ.

Bao giờ thoát kiếp gia công?

Khi các “đại gia” đổ bộ vào Việt Nam chắc chắn sẽ cần một lượng lớn nhà cung cấp linh kiện tại chỗ, với hàng nghìn loại. Rõ ràng, một thị trường lớn, cơ hội lớn mở ra cho tất cả DN điện tử Việt Nam tron việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá trị gia tăng. Thế nhưng, ít DN Việt Nam đón bắt được.

Thực tế cho thấy, các nhà cung cấp linh kiện và dịch vụ cho các tập đoàn trên hầu hết là DN nước ngoài, nằm trong chuỗi cung ứng sẵn có của nhà sản xuất. Samsung Electronics Việt Nam có 60 nhà cung ứng linh kiện, trong đó có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 10 của quốc gia khác, Việt Nam chỉ có 5. Cannon cũng tương tự, đầu tư vào Việt Nam từ 2001, đến nay tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm lên đến 70% nhưng số DN trong nước cung cấp linh kiện chỉ chiếm tỷ lệ 30% mà chủ yếu đảm nhiệm những khâu giản đơn.

{keywords}

Theo các DN, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đạt các điều kiện như dịch vụ tốt, chất lượng cao, giao hàng đúng hẹn, giá cạnh tranh. Phần lớn DN Việt Nam không đáp ứng được những đòi hỏi này.

Các DN Việt Nam vốn nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, trong khi chính sách ưu đãi, hỗ trợ không tốt. Đến tận đầu năm 2011, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ mới ra đời, tuy nhiên, nó lại quá chung chung và thiếu sự hấp dẫn và đến nay chưa có dự án nào xin được ưu đãi. Nay Bộ Công Thương đang phải soạn lại từ đầu.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, đến năm 2020, điện tử sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng từ 9-10% trong cơ cấu ngành công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các DN Việt Nam cứ bé mãi không lớn, bị doanh nghiệp FDI thống trị, thì ngành công nghiệp điện tử sẽ mãi phụ thuộc vào nước ngoài và mất quyền chủ đạo. Việt Nam mãi không thoát khỏi kiếp gia công.

Trần Thủy