- Đã có những cảnh báo sau khi nhiều dự án FDI tỷ đô từng được tung hô là thành tích phát triển kinh tế của nhiều địa phương đổ vỡ. Tuy nhiên, các bộ ngành và địa phương vẫn "xao lòng", đôi lúc vẫn khó chối từ những "siêu dự án" hàng chục tỷ USD, thậm chí là hàng trăm tỷ USD.
Nơi hút các siêu dự án
Năm 2007, khi Việt Nam mới gia nhập WTO, dự án 1 tỷ USD như của Intel đã làm nức lòng giới đầu tư và làm chính sách. Nhưng ngày nay, vài ba tỷ USD vào Việt Nam đã trở thành chuyện thường! Việt Nam hút nhiều siêu dự án đến mức, các bộ cũng phải "xiêu lòng" sau một thời gian lấn cấn.
Đầu tiên là câu chuyện của dự án khủng 27 tỷ USD- tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội, Bình Định của Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT). Công suất sẽ gấp 5 lần nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cuối tháng 7 vừa qua, siêu dự án này được Bộ Tài chính đổi ý, ủng hộ mạnh mẽ. Bộ này đồng ý cấp ưu đãi tối đa cho PTT như 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm, bổ sung quy hoạch dầu khí để dự án khớp hơn.
Trước đó 3 tháng, Bộ Tài chính còn cho rằng, mọi kế hoạch và hiệu quả kinh tế chưa được làm rõ và yêu cầu mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải là 15%.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại buổi họp báo công bố dự án tháng 8/2013 lạc quan tin rằng, dự án sẽ tạo việc làm trực tiếp cho 30.000 lao động và gián tiếp cho 100.000 lao động, khuyến khích sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp phụ trợ.
Đã có những cảnh báo sau khi nhiều dự án FDI tỷ đô từng được tung hô là thành tích phát triển kinh tế của nhiều địa phương đổ vỡ. |
Nhưng cũng vì quá khủng, vẫn không ít nghi ngại đã được bày tỏ, như tính khả thi của dự án, nguồn vốn ở đâu ra và khả năng hấp thụ của Việt Nam. Nhất là khi, Việt Nam đã bội thực lọc hoá dầu và đây lại là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nặng.
Một siêu dự án khác vừa được công bố cũng ấn tượng không kém: 20 tỷ USD đến từ Mỹ. Đó là dự án xây dựng nhà máy điện khí tại Quảng Ngãi của Tập đoàn dầu khí lừng danh Exxon Mobil. Công suất phát điện có thể lên mức 4.000-5000MW, lớn nhất Việt Nam. Hiện, ông trùm dầu khí Mỹ vẫn đang trong quá trình xúc tiến đầu tư.
Theo GS Nguyễn Mại, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban về đầu tư nước ngoài, vị đại gia quen thuộc của Hàn Quốc là Samsung cũng đã đặt mục tiêu trong tương lai, sẽ rót vào Việt Nam số vốn gấp đôi hiện nay, khoảng 13 tỷ USD.
Một điểm chung ở 3 đại dự án trên là các ông chủ đều đã có thương hiệu và uy tính nhất nhì trên thế giới, đồng thời, cũng đứng trong nhiều bảng xếp hạng lớn về tiềm lực tài chính.
Samsung đang có khoản lợi nhuận tới 60 tỷ USD trên toàn cầu, sẽ phải tìm chỗ để tiêu như lời GS Nguyễn Mại nói, hay Exxon Mobil đã quá nổi tiếng, được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kỳ vọng trở thành đối tác lớn. Còn với PTT, lãnh đạo tỉnh đã khẳng định thông tin khối tài sản của đại gia này trong TOP 10 thế giới.
Bánh vẽ và sự thận trọng không thừa
Siêu dự án chỉ là quy mô. Quá trình thực hiện và số tiền thật đổ vào Việt Nam mới là vấn đề trọng yếu. Đã có không ít những câu chuyện "bánh vẽ" khi các đại gia xứ ngoại chỉ giỏi vẽ, bạo miệng nhưng rồi rút lui âm thầm.
Tháng 3 năm nay, dư luận không khỏi choáng trước thông tin về khoản vốn FDI bằng tới 2/3 GDP của Việt Nam: 100 tỷ USD. Đây là tổng vốn của 3 dự án do công ty Dragon Best International tại Hồng Kong làm chủ đầu tư. Thứ nhất là dự án 50 tỷ USD tại khu kinh tế của khẩu Bờ Y, lớn thứ hai là dự án 32 tỷ USD, xây dựng khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính tại TP.HCM và nhỏ nhất cũng là 18 tỷ USD, dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Có không ít những câu chuyện "bánh vẽ" khi các đại gia xứ ngoại chỉ giỏi vẽ, bạo miệng nhưng rồi rút lui âm thầm |
Thế nhưng, 100 tỷ USD hãy còn "thấp"!
Kỷ lục về độ hoành tráng, hơn tất thảy các dự án FDI đã từng giới thiệu ở Việt Nam là con số 250 tỷ USD. Quy mô vốn này lớn gấp rưỡi GDP và nhiều hơn cả tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 27 năm qua. Đó là dự án xây dựng Đặc khu kinh tế Phú Yên của Sama Dubai với diện tích chiếm khoảng 60% diện tích của tỉnh. Siêu dự án này đã được trình chính thức lên Chính phủ.
Ngay thủ đô Hà Nội, đầu năm ngoái, giới bất động sản còn đồn đoán về một đại dự án 30 tỷ USD, với cái tên rất kêu "Phố Wall Hà Nội", xây dựng tới 70 toà chung cư. Tác giả dự án này là Global Sphere, một công ty từ Dubai.
Khác với các ông chủ có tên tuổi thực sự nêu trên, các siêu dự án trên dường như chỉ là "bánh vẽ". Sau khi công bố rùm beng trên dư luận, các sản phẩm hào nhoáng này đều bị chìm xuống, ông chủ đầu tư một đi không trở lại.
Phải nói rằng, trong lúc nhiều tỉnh trải thảm đỏ, mở room từng cơ chế ưu đãi để mời gọi những dự án FDI chỉ vài chục triệu USD thì những đại dự án trên xuất hiện không khỏi làm các vị lãnh đạo xao lòng!
Rõ ràng, các nhà đầu tư có thể vẽ dự án đến bất cứ quy mô nào nhưng quyền lựa chọn là thuộc về các địa phương. Xét cho cùng, quân cờ vẫn nằm trong tay những người lãnh đạo. Điều quan trọng là cầu thị nhưng cần thận trong, đủ tỉnh táo để thấy phân biệt giữa đại dự án ảo và tiểu dự án nhưng lại thật hơn.
Phạm Huyền