- Khi xảy ra những vụ làm giả giấy tờ, hàng thế chấp... xét cho cùng, đều do lỗ hổng về con người, sau đó mới đến các yếu tố kỹ thuật, công nghệ. Vì thế, có được những cán bộ tín dụng giỏi nghiệp vụ, nhạy cảm và công tâm... là mong muốn của nhiều ngân hàng.
Kỹ thuật làm giả tinh vi
Có thể thấy, việc làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi và khó phát hiện được bằng mắt thường, các chuyên gia ngân hàng cũng “bó tay”.
Một chuyên gia kỹ thuật hình sự nhận xét, “kỹ thuật làm giả ngày càng tinh vi vì khoa học kỹ thuật phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực in ấn”. Nếu các năm trước, hình thức làm giả tài liệu chủ yếu là chữ ký giả, các loại giấy tờ, con dấu giả... thì hiện nay, việc cắt ghép trở nên dễ dàng. Con dấu của văn bản này có thể cắt, rồi ghép sang văn bản khác, chỉ cần qua 1 đến 2 lượt photocopy là y như thật.
“Trong các giao dịch hiện tại, nhiều ngân hàng không yêu cầu quá cao về mặt gốc, mà chỉ cần chứng từ photo nên với việc cắt ghép, rất khó xác định bằng mắt thường” - ông nói.
Tương tự, công nghệ in bằng laser, máy in màu... cũng ngày càng phát triển, tạo ra các văn bản giống y như thật.
Làm phôi sổ đỏ giả cũng dễ dàng hơn trước nhờ sự phát triển của công nghệ |
“Chỉ khi cơ quan giám định hình sự có kết luận hay qua công ty tư vấn xác thực, hoặc phải đến tận nơi, trực tiếp làm việc với cơ quan nhà nước... ngân hàng mới phát hiện ra giả mạo”, giám đốc Pháp chế một ngân hàng cho biết.
Vị này cũng nói thêm, để nhận biết dấu hiệu giả mạo yêu cầu phải có mẫu chữ ký, mẫu dấu,... nhưng với ngân hàng thì điều này là không thể, kể cả có cũng khó xác định vì cần chuyên môn, nghiệp vụ mới kết luận được.
“Khách hàng vay tiền mua ôtô, chúng tôi đã nhận giấy chứng nhận đăng ký xe. Sau này, khi khách hàng nợ quá hạn, nghi ngờ, chúng tôi mang giấy tờ xe đi giám định thì mới phát hiện ra giấy đăng ký bị tẩy sửa từ đăng ký xe mô tô thành ô tô, tẩy sửa số khung, số máy nhưng chữ ký với con dấu là thật. Cái này với cán bộ bình thường, chúng tôi gần như không thể phát hiện ra” - Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng một chi nhánh ngân hàng thương mại, thừa nhận.
Áp lực về tiến độ hoàn thành công việc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lọt lưới các loại giấy tờ giả. “Thời gian giải ngân rút ngắn, khách hàng thì nhiều, số lượng cán bộ ít, kiến thức nhận biết thật giả còn hạn chế nên gây áp lực không nhỏ lên bộ phận hỗ trợ nghiệp vụ. Sai sót vì thế cũng dễ xảy ra khi chuyên viên bỏ qua các dấu hiệu bất thường của tài liệu” - lãnh đạo Quản trị rủi ro của một ngân hàng bày tỏ.
Chưa kể gần đây, các ngân hàng triển khai mô hình tập trung hóa. Hồ sơ giấy tờ sẽ được scan, mà các cấp phê duyệt lại kiểm soát qua bản scan, nên cũng dễ bỏ lọt.
Tuy nhiên, điều dễ nhận ra là công tác quản lý nhà nước về các loại giấy tờ hiện còn lỏng lẻo. Việc thất lạc các phôi sổ đỏ thời gian qua là điển hình: UBND huyện Phú Lương - tỉnh Thái Nguyên trong tháng 12/2012 và tháng 1/2013 đã làm thất lạc hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 12 hộ dân, với 7 sổ đã cấp và 37 phôi sổ đã in tên các hộ mà UBND huyện chưa ký. Kỷ lục hơn, phải kể đến vụ UBND TX Sơn Tây (Hà Nội) làm thất lạc đến 483 phôi sổ đỏ và hiện không thu hồi được.
Gần đây nhất, tháng 8/2014, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án làm giả giấy tờ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Lê Bá Quỳ ở Gia Lâm Hà Nội. Trong vụ việc này, đồng phạm với Lê Bá Quỳ là Phùng Văn Thúy, nguyên cán bộ địa chính xã Kiêu Kỵ. Chỉ cần chuyển công tác mà Thúy đã có được 27 phôi sổ đỏ thật để làm giả và đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng.
Huỳnh Thị Huyền Như vốn là giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng biết rõ quy trình, biết rõ các loại giấy tờ nên cũng biết cách làm giả cái gì, làm giả chỗ nào để lừa đảo. |
Lỗ hổng về con người
Khi xảy ra sự cố, xét cho cùng, các ngân hàng đều nhận ra có những lỗ hổng về con người. “Nếu chuyên viên làm đúng chức năng nhiệm vụ, quy trình; cán bộ tín dụng nếu trực tiếp tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, thì chỉ cần chút tinh ý và nhất là phải hoàn toàn khách quan, vô tư thì đã hạn chế được nhiều trường hợp lừa đảo” - Giám đốc Quản trị rủi ro một ngân hàng thẳng thắn.
Bởi, những vụ án làm giả giấy tờ để lừa đảo ngân hàng diễn ra đình đám gần đây cho thấy, khách hàng và cả nhân viên ngân hàng đều phải ra tòa. Huỳnh Thị Huyền Như vốn là giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng biết rõ quy trình, biết rõ các loại giấy tờ nên cũng biết cách làm giả cái gì, làm giả chỗ nào để lừa đảo.
Hay vụ án Lê Bá Quỳ ở Gia Lâm, Hà Nội cũng kéo hàng loạt cán bộ ngân hàng vào tù theo vì đã bỏ qua quy định về thẩm định, thẩm định qua loa, chiếu lệ, để rồi bị lừa, sập bẫy khách hàng. “Hoành tráng nhất” có lẽ phải kể đến các cán bộ chi nhánh Đông Anh của một ngân hàng thương mại khi đã hướng dẫn khách hàng làm giả, làm khống sổ sách, thậm chí cho luôn cả hệ thống xếp hạng nội bộ để khách hàng biết đường chỉnh sửa số liệu cho phù hợp.
Một chuyên gia từng nhận xét, nếu nhân viên ngân hàng sát sao với khách hàng, thực hiện đúng quy trình giao nhận, tham gia giao nhận cùng khách hàng thì đã không xảy ra vụ cầm cố sim thẻ giả hay làm giả cả giấy hẹn của cơ quan cảnh sát giao thông như vừa qua...
“Yếu tố con người luôn là khâu kiểm soát quan trọng nhất trong cả quá trình cấp tín dụng, từ tiếp cận khách hàng tới khi thu được nợ, sau đó mới đến các yếu tố kỹ thuật, công nghệ. Vì thế, chúng tôi luôn cần, và thực sự khát khao có được những cán bộ tín dụng, hỗ trợ tín dụng có tổ chất riêng, giỏi nghiệp vụ, đặc biệt phải tỉnh táo, nhạy cảm và công tâm” - Phó tổng giám đốc một ngân hàng đúc kết.
Nguyễn Thanh Ngọc