- Các tuyên bố của lãnh đạo nước Nga cho thấy, quốc gia này sẽ phát huy nội lực để giảm phụ thuộc vào hàng hóa của phương Tây. Người dân Nga sẽ vui vẻ dùng xe Volga, Lada thay cho các dòng xe châu Âu, từ bỏ các thực phẩm xa xỉ, dùng các sản vật nội địa. Trong đó, không thể quên bánh mỳ chấm muối vốn được sử dụng như một nghi thức tự hào trong các buổi tiếp khách theo phong cách truyền thống. .

Từ bỏ 'made in EU - Mỹ'

Báo chí Nga và phương Tây cho biết, Nga đã chuẩn bị một gói biện pháp trả đũa mới với phương Tây sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt gói 2 lên Nga từ 12/9.

Trợ lý Tổng thống Nga Andrei Belousov cho biết, Nga có thể hạn chế thậm chí cấm nhiều loại mặt hàng phi nông sản thực phẩm và dịch vụ mà mức độ lệ thuộc của phương Tây vào nó lớn hơn phía Nga như ôtô nhập khẩu, cơ khí, công nghiệp hóa dầu, dệt may, hàng không...

Kế hoạch tổng trả đũa các đòn trừng phạt của Mỹ và EU đang được xem xét trong bối cảnh phương Tây hôm 12/9 áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn liên quan tới dòng vốn và công nghệ vào Nga, bất chấp thỏa thuận ngừng ở miền đông Ukraine thực thi từ ngày 5/9.

Chưa biết sau đòn trả đũa cấm nhập nông sản và thực phẩm áp dụng từ hồi đầu tháng 8, Nga sẽ chọn lĩnh vực nào để đáp trả phương Tây, nhưng các thông tin cho thấy nó sẽ sớm được thông qua và thực thi.

Thực tế, việc cấm hoặc hạn chế nhập khẩu ôtô, đã được trình lên từ tháng 8, trước khi Nga bị phương Tây trừng phạt vòng 2 và đã bị Tổng thống Putin bác bỏ. Tuy nhiên, ông chủ điện Kremlin khi đó cho rằng, đây có thể là lựa chọn cần thiết trong trường hợp Nga bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới.

{keywords}

Việc cấm hoặc hạn chế nhập khẩu ôtô, trước khi Nga bị phương Tây trừng phạt vòng 2 và đã bị Tổng thống Putin bác bỏ.

Sau quyết định khép cửa thị trường vốn, công nghệ mà Mỹ và EU, nhiều quan chức lãnh đạo Nga không giấu giếm nói đến khả năng cấm ôtô nhập khẩu, nhất là xe cũ - vốn mang lại lợi ích rất nhiều cho châu Âu.

Hãng tin RIA Novosti trích lời ông Belousov cho biết, kế hoạch trả đũa của Nga sẽ nhắm tới một loạt các mặt hàng mà EU phụ thuộc vào Nga trong đó có ôtô cũ và dệt may mà Nga hoàn toàn có thể tự sản xuất mà không tự đẩy mình vào ngõ cụt.

Vị trợ lý Tổng thống Nga cho biết Nga hy vọng không phải áp dụng các biện pháp đó nhưng cũng không quên cho biết các sản phẩm như ôtô và quần áo, giày dép với Nga thậm chí còn có nhiều phương án thay thế hơn cả nông sản và thực phẩm.

Về tắm ao ta và nhòm sang châu Á

Không như tuyên bố, Nga dường như đang khá thận trọng khi đưa ra các biện pháp trả đũa mới đối với phương Tây. Có lẽ ông Putin hiểu rõ về hậu quả tiêu cực hai chiều của các lệnh trừng phạt.

Mặc dù vậy, có một thực tế là, đã từ lâu Tổng thống Putin một mặt tăng cường thiết lập mối quan hệ phụ thuộc lần nhau với EU, từ dầu khí, công nghiệp, thương mại cho tới vũ khí... nhưng cũng không quên nâng cao tự chủ về kinh tế.

{keywords}

Tổng thống Putin khi là thủ tướng đã tự lái một chiếc xe Lada Niva được chế tạo tại nhà máy SUV của Nga để quảng bá ngành chế tạo xe hơi nội của nước này

Các số liệu khác nhau từ báo chí phương Tây và Nga cho thấy, EU đang phụ thuộc khoảng 20-30% khí đốt vào Nga, còn thương mại qua lại hàng năm cũng lên tới hàng trăm tỷ USD.

Hồi đầu năm 2010, Tổng thống Putin khi đó là thủ tướng đã tự lái một chiếc xe Lada Niva được chế tạo trong nước tại nhà máy SUV của Nga để quảng bá ngành chế tạo xe hơi nội của nước này. Ông Putin cũng đã và đang áp dụng các chính sách khuyến khích dùng ôtô nội địa. Quyết định cấm quan chức chính phủ mua xe công nhập khẩu hồi tháng 7 của Thủ tướng Medvedev cho thấy điều này.

Trên thực tế, việc cấm người dân Nga không dùng xe hạng sang của nước ngoài là khó khăn. Nhưng nếu cấm nhập ôtô cũ và mới trong khi vẫn chấp nhận các hãng xe nước ngoài đang sản xuất tại Nga thì cũng đã có lợi cho Nga và là một đòn giáng không hề nhẹ nhàng tới các hãng ôtô phương Tây chưa có nhà máy lắp ráp tại Nga.

Sự khó khăn về kinh tế và căng thẳng quan hệ hai bên đã gây khó khăn cho không ít DN Mỹ và EU, trong đó có các hãng xe đang hoạt động tại Nga. Hãng xe số 2 thế giới Volkswagen của Đức hôm 12/9 đã cắt giảm sản xuất tại Nga, đóng cửa có thời hạn nhà máy Kaluga, do doanh số tụt giảm. Trước đó, hồi tháng 7, GM của Mỹ cũng cắt giảm 20% snar lượng do nhu cầu tại Nga suy yếu. Ford cũng đã cắt giảm hàng trăm triệu USD đầu tư tại một liên doanh với Nga...

Người Nga gần đây dường như gắn bó nhiều hơn với các món ăn truyền thống. Cuối tháng 8, 4 cửa hàng McDonald's tại thủ đô Moskcow tạm thời bị đóng cửa do vi phạm các quy định về vệ sinh. Hôm 12/9, Financial Times cho biết Ủy ban Điều tra Nga đã cho phong tỏa trụ sở ở ngoại ô Moscow của hãng bán lẻ lớn nội thất lớn nhất thế giới của Thụy Điển Ikea.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nga cũng lần lượt cho biết, Nga có thể tự chế tạo tàu sân bay trực thăng tương tự như "Mistral" của Pháp và Nga sẽ tăng cường sản xuất máy bay và phụ tùng thay thế trong nước để thay thế nhập khẩu. Nga dự kiến sẽ lập quỹ chống khủng hoảng để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

Tổng thống Putin thậm chí có thể lãnh đạo Ủy ban quân sự-công nghiệp để giải quyết tất cả các vấn đề cấp bách giữa quân đội và ngành công nghiệp một cách hiệu quả hơn.

Quyết định cấm vận của phương Tây được xem là một đòn giáng không nhẹ vào nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, nó cũng được xem là một cú hích khiến Nga buộc phải thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng cường đa dạng hóa quan hệ kinh tế, nhất là với châu Á.

Việc lấp chỗ trống về hàng hóa trong thời buổi hiện nay khá dễ dàng, các nước trong đó có Trung Quốc đang ồ ạt tìm đường đưa hàng hóa vào Nga. Tuy nhiên, công nghệ và vốn có lẽ vẫn là một bài toán khó đối với Nga.

Văn Minh