Đỉnh núi Ngọc Linh được xem là "thánh địa" của sâm quý, cũng vì thế rất nhiều người trở nên giàu có. Mỗi lần thu hoạch sâm, họ có trong tay tiền tỷ.

Trồng sâm xây nhà lớn

Đến Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hỏi về sâm Ngọc Linh, ai cũng bảo lên nóc Măng Lùng, thôn 2, gặp ông Hồ Văn Du sẽ rõ. Ông Du nguyên là Trại phó Trại dược liệu sâm Trà Linh. Hiện ông trồng nhiều sâm, và được cho là giàu có nhất xã.

{keywords}

Rượu sâm Ngọc Linh.

Là người trồng sâm Ngọc Linh lâu năm nên ông Du tự nhân giống. Ông tự tay chọn tạo những giống tốt và tìm các đỉnh núi thích hợp để trồng sâm. Không những thế, ông còn bày cho mọi người trong thôn cách trồng sâm để làm giàu.

Ngôi nhà của ông Du và người em trai tọa lạc ở một khu đồi rộng lớn. Từ dưới chân đồi leo lên nhà, đập vào mắt tôi là một căn nhà gỗ rộng thênh thang, toàn gỗ quý. Đi vào trong, nền lát gạch hoa sáng bóng, tiện nghi đầy đủ. Đặc biệt, trong nhà có hơn 10 ché rượu cần đặt bên góc nhà.

Tiếp chúng tôi, ông Du rất niềm nở. Không như dưới xuôi mang nước ra mời khách, ông lấy trong tủ lạnh ra mấy lon bia và bảo: “Đã lên đây thì phải say mới được. Nhà báo ở lại vài hôm khám phá núi rừng Ngọc Linh. Nhà báo uống bia cho đỡ khát, đêm xuống uống rượu cần”.

Vừa uống vừa nói chuyện, ông kể về căn nhà được làm bằng gỗ quý, hết rất nhiều tiền. Ông vượt rừng sang tận Kon Tum thuê thợ về xẻ gỗ, dựng nhà. Căn nhà này hết bao nhiêu tiền? Tôi hỏi. “15 kg sâm đó”. Ông trả lời. Tôi hỏi tiếp: Thế một kg sâm giá bao nhiều? Ông Du đáp: “Thời điểm sâm có giá thì loại 1 bán 60 triệu đồng, còn hiện nay khoảng 30 triệu đồng. Tính ra, căn nhà tôi làm hết khoảng 500 triệu”.

{keywords}

Sâm Ngọc Linh có giá rất đắt.

Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, đi bộ gần cả buổi đường mới đến được, thế nhưng nhà lát bằng gạch hoa, xi măng rất hoành tráng, quả là bất ngờ. Ông Du chia sẻ: Vật liệu xây dựng đưa lên đây có giá cao gấp 5-10 lần so với ở trung tâm huyện. Như 1 m2 gạch hoa bán ở thị trấn Tắk Pó 150.000 đồng thì đến đây phải 1,5 triệu đồng. Một bao xi măng có giá 500.000 đồng, bởi tiền thuê xe chở lên đến trung tâm xã, sau đó thuê người cõng lên rất đắt.

Nói xong phần xây dựng trong nhà, ông đưa chúng tôi ra ngoài vườn chỉ vào căn nhà tắm vừa được xây dựng. Xung quanh được đổ bằng bê tông, sắt thép và phía trên lắp hệ thống nóng lạnh năng lượng mặt trời. Tổng chi phí hết 200 triệu đồng.

Tôi hỏi: Gạch, xi măng đắt như vậy, sao không làm bằng gỗ cho rẻ? Ông cười: Bán vài kg sâm là đủ mà.

Tôi hỏi tiếp: Thế trồng nhiều sâm không, thì ông lặng lẽ. Lúc này, thầy Hiệu (giáo viên trường Tiểu học Trà Linh) nói nhỏ với tôi: “Ở đây không một ai nói cho người lạ mình trồng bao nhiều sâm cả, họ giấu kỹ lắm. Đến như tôi ở đây mà chưa một lần được họ cho vào nơi trồng sâm xem, cũng chẳng ai nói số lượng sâm trồng, huống hồ anh mới đến lần đầu”.

Chưa hết ngạc nhiên về việc đầu tư xây dựng nhà cửa, tôi bất ngờ về việc ông thuê người giúp việc, mỗi tháng trả 1,5 triệu đồng. Do đó, mọi công việc trong gia đình, vợ chồng, con cái ông không phải đụng đến. Cơm có người bưng, nước có người rót.

{keywords}

Ông Hồ Văn Du, đại gia trên đỉnh Ngọc Linh.

Cạnh nhà ông Du là ngôi nhà của ông Hồ Văn Dê, em trai ông Du, một đại gia trồng sâm không thua gì người anh. Nhà cửa xây dựng rộng lớn, trang thiết bị đầy đủ.

Sở hữu cả ngàn gốc sâm

Có mặt tại thôn 2, tôi may mắn gặp được Hồ Văn Lượng ở nóc Măng Lùng, một đại gia sâm mới nổi lên. Anh Lượng mới thu hoạch sâm nên mua 3 con lợn về để làm thịt chiêu đãi mọi người.

Gia đình Lượng trước đây nghèo đói, từ khi còn nhỏ, Lượng qua Kon Tum làm thuê kiếm sống. Sau đó, lấy vợ ở rể và sinh 4 người con. Lượng là một người lai Pháp, da trắng, sống mũi cao. Trước đây sâm Ngọc Linh có giá, anh cùng mọi người vào rừng đào bới để bán, đến khi nguồn sâm tự nhiên cạn kiệt, anh và người dân chuyển qua trồng sâm.

Nhờ việc khai thác sâm tự nhiên, Lượng có chút vốn trong tay và đưa vợ con về Măng Lùng sinh sống. Có chút kinh nghiệm trồng sâm học hỏi ở bên Kon Tum, anh vào rừng và bắt đầu trồng sâm. Người ở Măng Lùng bảo, vườn sâm của Lượng rộng lắm, hiện thuê đến 7 người ngày đêm canh giữ. Sâm của Lượng trồng đã lâu năm, củ đã to và bán có giá lắm.

Đang chuẩn bị vào rừng canh giữ sâm thì chúng tôi đến nhà, Lượng nán lại trò chuyện. Anh mời vào nhà ngồi uống nước, tôi hỏi về sâm, Lượng không nói nhưng nói đến rượu sâm thì anh sẵn sàng. Lượng mang ra một hũ rượu ngâm chật kín củ sâm mời chúng tôi uống.

{keywords}

Tỷ phú trồng sâm Hồ Văn Lượng.

“Hôm qua, mình mua heo về làm thịt mời mọi người đến ăn, nhà báo lên muộn quá. Giờ mình phải vào rừng nhưng cũng uống với nhà báo vài chén. Rượu này uống say cũng không sợ đau đầu như rượu dưới xuôi đâu”, Lượng nói. Sau 3 lượt rượu, Lượng bắt đầu tiết lộ, hiện anh trồng hơn 1.000 gốc sâm 9 năm tuổi vừa thu hoạch, 3.000 gốc 6 năm tuổi. “4 gốc sâm cho 1 lạng, loại 1 có giá 30 triệu đồng/kg; loại 2 từ 15-20 triệu đồng/kg”, Lượng cho biết.

Tôi nhẩm tính 1.000 gốc sâm của Lượng vừa thu hoạch, sẽ cho thu hơn 250 kg sâm. Quả là không sai khi bảo Lượng là một trong những tỷ phú của núi rừng Ngọc Linh. Có vốn, có kinh nghiệm, hằng năm, Lượng mở rộng diện tích và trồng thêm khoảng 500 gốc sâm nữa. Bên cạnh đó, sâm để lâu năm mới thu hoạch sẽ bán được giá cao hơn.

Hiện tại, sâm do Lượng trồng không bán cho thương lái tại địa phương, mà các đối tác làm ăn đều ở Hà Nội, TP.HCM. Ngoài việc trồng sâm, Lượng thường xuyên bay ra Hà Nội mở rộng mối làm ăn.

Lượng mở tủ lấy mấy bức ảnh ra khoe: “Mới đây mình đi Hà Nội chơi 10 ngày đó. Ra Hà Nội được đi thăm lăng Bác Hồ”. Tôi hỏi: Thế hết nhiều tiền không? Lượng cười: 30 triệu đồng thôi. Sắp tới sẽ đưa cả gia đình đi TP.HCM du lịch chơi cho biết.

Đang nói chuyện thì có 2 thanh niên đến giục Lượng đi giữ sâm. Chào chúng tôi, Lượng bảo: “Mình phải đi canh sâm đây, bữa nay nạn trộm sâm nhiều lắm. Một gốc bị trộm là mất cả đống tiền, lần sau nhà báo lên chơi nữa nhé”. Nói rồi, Lượng cùng 3 thanh niên mang gạo, thịt, mắm muối và một can rượu đi vào rừng.

Phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả

Cắt một lát sâm bỏ vào mật ong nếu chuyển qua màu đen là sâm giả, còn màu vàng là sâm Ngọc Linh thật. Hoặc ăn thì có vị đắng, ngọt, không cay là sâm Ngọc Linh. Còn sâm giả ăn vào đắng, cay, dễ rộp lưỡi, không ngọt.

Ngoài ra, khi mua sâm Ngọc Linh, nhìn vào màu sắc, không quan trọng đến to nhỏ, bởi độ già của sâm Ngọc Linh tính bằng mắt, cứ một mắt là một năm tuổi. Sâm đạt chất lượng phải trồng trên 6 năm tại núi Ngọc Linh.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)