- Dựng một ngôi nhà gỗ truyền thống ngày càng quá khó vì khan hiếm vật liệu và đắt đỏ. Nhưng với nhiều người, từ đại gia lắm tiền tới lão nông tích cóp cả đời sẵn sàng đổ tiền tỷ để cất những ngôi nhà gỗ cầu kỳ và hoành tráng.
Nhà gỗ mít đá ong đỉnh nhất Việt Nam
Ở Thạch Thất - Hà Nội, từ lâu người dân có thú chơi nhà gỗ mít tiền tỷ. Nổi bật và có nhiều người biết đến nhất trong huyện là hai ngôi nhà gỗ của ông Nguyễn Văn Nho và ông Nguyễn Văn Học. Đây được xem là những ngôi nhà gỗ mít đỉnh nhất Việt Nam. Những ngôi nhà này được thiết kế, thi công đúng kiểu truyền thống và tô điểm thêm những nét bản sắc địa phương qua tường đá ong độc đáo..
Toàn cảnh ngôi nhà ông Nguyễn Văn Nho nhìn từ chính điện. Cổng vào nhà hoành tráng được xây bằng đá ong. |
Căn nhà gỗ mít của con trai ông Nho độc đáo hơn khi có sự kết hợp với đá ong làm tường rào cầu kỳ.
Một góc nhà rực vàng, màu đặc trưng của gỗ mít được chạm khắc tinh xảo. |
Căn nhà năm gian hoàn toàn bằng gỗ mít của ông Nguyễn Văn Nho được xây dựng năm 2010 với tổng chi phí trên 3 tỉ đồng. Còn ngôi nhà gỗ mít của ông Nguyễn Văn Học xây năm 2009 cũng không thua kém, ông Học cũng bỏ ra 2,5 tỉ đồng xây cất. Về chất lượng gỗ thì nhà ông Học thuộc loại "đỉnh" nhất trong các ngôi nhà gỗ trong huyện, các cột trong nhà đều làm từ những cây mít hàng trăm năm tuổi.
Toàn cảnh ngôi nhà gỗ mit của ông Nguyễn Văn Học. |
Nhà gỗ lim 300 tuổi chống động đất 8 độ Richter ở Bắc Ninh
Đây là ngôi nhà thờ cổ của dòng họ Nguyễn Thạc ở làng Đình Bảng huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, được dựng lên từ năm 1686 hoàn toàn bằng gỗ lim. Khu nhà của dòng họ Nguyễn Thạc xây dựng trong vòng 14 năm, từ năm 1686 đến năm 1700 mới hoàn thành, gồm một khu thờ tự, một khu để ở, tiếp khách và nhà bếp.
Ngôi nhà gỗ lim 300 tuổi của dòng họ Nguyễn Thạc ở vùng Kinh Bắc Nhà hiện có 7 gian, 3 gian chính giữa là nơi thờ tự, nơi quan trọng nhất trong nhà ở dân gian Bắc Bộ. Nhà có 28 cánh cửa bức bàn. Thời Pháp chiếm đóng, 27 cánh cửa bị đốt. Về sau, cánh cửa duy nhất còn lại được dùng làm nguyên mẫu để đóng những cửa khác. |
Năm 1996, Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản đã đầu tư khoảng một tỷ đồng để trùng tu lại căn nhà này. Ngôi nhà này nằm trong số 10 căn nhà có niên đại 300 năm ở Việt Nam.
Nhà sàn gỗ lim 2 trăm tỷ của đại gia Điện Biên
Ngôi nhà sàn này được đại gia Bùi Đức Giang xây dựng trong vòng 4 năm và mới được xác nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về nhà sàn bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam.
Nhà có 7 gian với 16 cột cái đường kính 45cm, hệ thống cột quân và cột hiên rộng 40cm. Hệ thống cột kèo, trần nhà, sàn, tường... được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nguyên khối, do 10.000 thợ thi công trong 2 năm. |
Ngôi nhà trị giá hàng trăm tỷ đồng này trải rộng trên diện tích gần 500m2 nằm trong một khu du lịch sinh thái ẩn mình giữa núi rừng Điện Biên. Điều độc đáo của ngôi nhà sàn là được cất dựng hoàn toàn bằng gỗ lim quý hiếm nguyên khối.
Nhà gỗ giả cổ lớn và đắt nhất Việt Nam
Chủ nhân ngôi nhà có một không hai ở Việt Nam này là anh Trần Cường, biệt hiệu là Cường "Thọ” (ở Nghệ An). Hai vợ chồng anh chỉ có một con gái duy nhất, nhưng vẫn bỏ ra hơn 50 tỷ đồng cất lên ngôi nhà đặt biệt này để làm hồi môn cho con gái.
Toàn cảnh ngôi nhà gỗ có một không hai ở Việt Nam. Những chiếc cột nhà thuột hàng "khủng". Cột con cũng phải cao 5 mét, đường kính 47cm, cột cái cao đến 9m3 đường kính 51cm |
Ngôi nhà nằm trên khuôn viên gần 4.000m2, bao quanh là dãy tường rào kiên cố cao gần 3m, xây dựng rất công phu, ốp tới 5 loại đá. Ngoài kỷ lục về diện tích, ngôi nhà còn có kỷ lục lớn nhất là phần gỗ. Chủ nhân đã bỏ ra 2.000m3 gỗ đinh hương, giáng hương và cẩm lai để dựng nhà. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc mang đậm nét cổ văn hoá Việt Nam.
“Biệt thự” nhà vườn dát 60 cây vàng, toàn gỗ lim già
Một đại gia nổi tiếng trong giới bất động sản ở Hải Dương đã bỏ ra 60 cây vàng để dát cho ngôi nhà vườn tại xã Tân Dân, huyện Chí Linh. Tổng diện tích của ngôi biệt thự này là 5.000m2.
Phía trước khuôn viên ngôi nhà khủng ở Hải Dương. |
Trong ngôi nhà gỗ khổng lồ, trừ hai tường hồi, toàn bộ nhà, từ vì kèo, cửa vách, hoành phi, câu đối, những tiểu tiết nhỏ nhất được làm bằng gỗ lim già. Ngôi nhà có 49 cột gỗ cỡ đại. Đặc biệt còn có tầng hầm kiên cố bằng xi măng bên dưới cũng đủ 49 cột, mỗi cột ứng với một cột gỗ bên trên. Khắp nơi trong ngôi nhà gỗ là những liễn đối dát vàng lấp lánh, bằng chữ nho.
Đệ nhất nhà gỗ xứ Bắc của đại gia Hà Nam
Ngôi nhà của ông Đào Văn Hạ xã Bình Nghĩa (Bình Lục, Hà Nam) là một trong những ngôi nhà tốn nhiều gỗ nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Nó được dựng mới với cả trăm mét khối gỗ quý, trị giá cỡ chục tỉ đồng (thời điểm 2009).
Một trong các gian nhà của ngôi nhà tốn nhiều gỗ quý ở Hà Nam |
Ngôi nhà làm theo kiểu 5 gian trong đó có hai buồng, toàn bộ thành vách đều bằng gỗ. Phía sau, nó nối liền với một ngôi nhà gỗ khác bằng một lối đi. Toàn bộ ngôi nhà chỉ dùng một loại gỗ chò chỉ già tuổi, được thiết kế theo dạng cột trơn, hoành soi cạnh, hai bên chồng cánh, giữa là kẻ chuyền con cung… đúng kiểu nhà cổ. Nội thất trong nhà, chủ nhân cũng thiết kế theo duy nhất là trường phái cũng hoàn toàn phi kim loại, toàn gỗ.
Nhà gỗ lim bạc tỷ của lão nông Hải Phòng
Xã Thủy Triều có khoảng 150 ngôi nhà gỗ lim, có giá từ vài trăm triệu đến cả chục tỷ đồng. Phần lớn những ngôi nhà gỗ lim này đều do người nông dân “chân lấm tay bùn” dựng nên. Trong số đó phải kể đến 2 ngôi nhà gỗ lim của ông Trần Văn Ca và ông Lê Văn Sửu.
Hiện ở xã Thủy Triều có khoảng 150 ngôi nhà dựng bằng gỗ lim. Ngôi nhà của ông Lê Văn Sửu, 66 tuổi, ở xã Thủy Triều. Nóc nhà thường được khắc hoa văn hình cây Tùng, Cúc, Trúc, Mai Bộ khung chính của ngôi nhà gỗ lim. |
Ngôi nhà của ông Ca gây ấn tượng bởi thiết kế theo kiến trúc cung đình Huế, trị giá trên 3 tỷ đồng. Còn ngôi nhà của ông Lê Văn Sửu rộng gần 100m2, có trị giá gần 2 tỷ đồng.
Căn nhà gỗ đinh hương nổi tiếng xứ Nghệ
Căn nhà 5 gian làm bằng gỗ đinh hương quý hiếm được dựng tại xóm 3, Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). 6 người con của ông Trần Quang Chưởng đã tích cóp trong nhiều năm để làm căn nhà này với mục đích làm nơi lưu niệm cho gia đình.
Hơn 700 khối gỗ đinh hương đã được sử dụng để thi công căn nhà. Hàng chục thợ mộc đến từ 4 tỉnh thi công suốt 3 năm để hoàn thành căn nhà có một không hai này.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)