- Cá ngừ câu lên phải được xử lý nhanh trong 2 phút để đảm bảo chất lượng. Nếu ngư dân Việt Nam làm được điều này thì cá ngừ Việt Nam sẽ có chất lượng tốt, vào được các chuỗi bán hàng cao cấp. Cá ngừ Việt Nam sẽ nổi danh thế giới và mang về hàng tỷ USD, không chỉ dừng lại con số 500 triệu USD như hiện nay.

Câu chuyện từ 37 con cá

Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) đưa ra nhận định trên khi trực tiếp tham gia và việc bảo quản, xuất khẩu lô 37 con cá ngừ theo quy chuẩn mới sang Nhật rất thành công.

Theo bà Lan, lô cá ngừ xuất khẩu vào đầu tháng 8/2014 có 9 con được áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới lần đầu có tại Việt Nam được giá giá bình quân 240.000 đồng/kg. Trong đó, con có chất lượng tốt nhất giá 437.000 đồng/kg, con thấp nhất 50.000 đồng/kg.

"Công nghệ mới yêu cầu ngư dân tuân thủ cách câu và xử lý nhanh sau khi câu được cá trong ít phút. Sau đó xử lý vệ sinh và bảo quản lạnh đúng tiêu chuẩn để đảm bảo cá bắt tươi ngon", bà Lan nói.

Trong thương vụ đầu tiên, 4 tàu của ngư dân câu được 37 con cá ngừ. Tuy nhiên chỉ có 9 con được lựa chọn đưa qua Nhật Bản chào hàng.

{keywords}

Đánh bắt cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa. (Ảnh VietNamNet)

Lý giải việc chỉ chọn được tỷ lệ thấp này, các chuyên gia cá ngừ xuất khẩu cho biết, do thói quen dùng chày gỗ đập chết cá, vứt cá trên sàn tàu và xử lý ban đầu không đảm bảo sau khi đánh bắt... khiến cho cá ngừ Việt Nam không đảm bảo yêu cầu của khách Nhật.

"Yêu cầu về cá ngừ làm các món tươi sushi, sashimi của Nhật rất cao. Nhưng ngư dân thực hành các quy trình theo yêu cầu phía Nhật chưa đúng nên chất lượng chưa đảm bảo", ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Thậm chí, trong 9 con được xuất sang Nhật, cũng có sự chênh lệch rất lớn về giá. Mức giá cao nhất là 437.000 đồng/kg và thấp nhất là 50.000 đồng/kg - chênh lệch gần 9 lần. Điều này càng cho thấy sự nghiêm ngặt chất lượng luôn đi kèm với giá trị tương ứng.

Ví dụ, với ngư dân Nhật đánh bắt cá ngừ đại dương thì luôn phải giữ cá ở nhiệt độ thấp và nhanh chóng loại bỏ ruột, rút máu trong vòng 2 phút. Trong khi, với ngư dân Việt Nam điều này chưa quen với cách làm này.

Ngoài ra, ngư dân đánh bắt xa bờ kéo dài ít nhất nửa tháng, còn theo công nghệ mới thì tối đa chỉ 10 ngày. Đó là lý do vì sao trong khi cá ngừ Nhật đỏ tươi thì cá do Việt Nam đánh bắt lại có màu đỏ sẫm và thâm.

Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản đánh giá chất lượng cá vẫn chưa đạt yêu cầu do ngư dân còn mắc sai sót ở khâu câu cá và bảo quản cá, ướp cá.

"Thực tế, chất lượng cá do ngư dân Bình Định đánh bắt chênh lệch không lớn với sản phẩm cùng loại đang bán tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, do bảo quản kém nên bán ra có giá trị thấp. Tuy nhiên, với kết quả bước đầu vừa qua là rất khả quan", ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản Nhật Bản nhấn mạnh.

Cơ hội tỷ đô

Theo thống kê, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có hơn 3.500 tàu với khoảng 35.000 lao động khai thác cá ngừ đại dương. Mỗi năm, các địa phương này đánh bắt 16.000 tấn cá ngừ đại dương. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đạt khoảng 527 triệu USD. Năm 2014, Tổng cục thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cá ngừ đại dương đến 100 nước, đạt 560 triệu USD.

{keywords}

 Đây là một trong ba mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (Ảnh VietNamNet)

Mới đây, Bộ NN&PTNT vừa quyết định chi 1.200 tỷ đồng thí điểm đề án khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ tại ba tỉnh miền Trung: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đến 2020.

Để đáp ứng yêu cầu khai thác, mới đây, các địa phương đã đề xuất Bộ NH&PTNT xây dựng 3 cảng cá ngừ chuyên dụng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Đồng thời xây dựng trung tâm giao dịch cá ngừ tại Khánh Hòa với tổng kinh phí khoảng 550 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch tỉnh Bình Định - cho biết, đang tập trung huấn luyện cho ngư dân nhuần nhuyễn kỹ thuật và đầu tư đóng mới tàu hậu cần nghề cá để giúp ngư dân thu mua cá ngừ ngay trên biển khi vừa đánh bắt được để đảm bảo chất lượng.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, hằng năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ. Trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài, nhưng chỉ có 100.000 tấn là cá tươi, 200.000 tấn đông lạnh. Vì thế, DN sẵn sàng bao tiêu tất cả các sản phẩm của ngư dân với mức giá tốt nhất trên thị trường với điều kiện là các sản phẩm này phải đảm bảo chất lượng.

"Đây là cơ hội để các ngư dân làm giàu. Sau khi chuyển giao công nghệ đánh bắt và ngư dân làm chủ được công nghệ hiện đại trên những con tàu quy chuẩn để có thể ra khơi đánh bắt đúng quy trình, bảo quản cá đúng chất lượng. Hy vọng trong thời gian tới, ngư dân sẽ thấy được hiệu quả để mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị mới để đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu", bà Lan kỳ vọng.

Vũ Trung - Phước Nguyên