Dự thảo chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác biển đã được Bộ NN&PTNT gấp rút soạn trong vòng 40 ngày đã được trình lên Chính phủ. Tại đây, lần đầu tiên, nhiều cơ chế ưu đãi chưa từng có đã được đề xuất để tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu, tổ chức dịch vụ... hướng ra biển khơi làm ăn.

Được biết, dự thảo, ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần sẽ được sử dụng những tài sản trên để thế chấp vay vốn sẽ được bàn và thông qua tại cuộc họp Chính phủ hôm nay (28/5).

Theo đó, ngư dân tàu vỏ thép, vật liệu mới được vay 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, vỏ gỗ là 70% (gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong 7 năm. Lãi suất 3%/năm và được ân hạn 1 năm. Chủ dự án là thành viên của tổ đội, hợp tác xã sản xuất trên biển; dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với phát triển tàu, nghề khai thác ở địa phương.

{keywords}
Tăng cường vốn để ngư dân đóng tàu lớn ra khơi

Ngoài ra, các tàu đánh bắt xa bờ, sẽ được vay vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm; tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ tối thiểu 500 triệu đồng/năm. Tổ chức, cá nhân làm dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản (có hợp đồng tiêu thụ tối thiểu 1 năm) được vay tối thiểu 60% giá trị hợp đồng cung cấp.

Những khoản vay này, sẽ áp dụng lãi suất tối thiểu cho vay ngắn hạn do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Cùng đó, ngư dân được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần là thành viên của các tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngân hàng có thể dành 10.000 tỷ đồng để cho vay đóng mới, cải hoán tàu cũ để đánh bắt xa bờ, với thời hạn và lãi suất ưu đãi lãi suất khoảng 5%, thời hạn vay 10 năm.

Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có trên 117.000 tàu cá, trong đó tàu cá có công suất trên 90CV đạt trên 23,1% tổng số tàu. Cả nước đã hình thành 3.750 tổ đội sản xuất trên biển với trên 145.000 lao động. Lực lượng này góp phần đáng kể vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. 

Dự thảo trên cũng đề xuất, với ngư dân bị chết, mất tích khi khai thác trên biển, được hỗ trợ tối thiểu 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; cấp 15 kg gạo/tháng/người trong thời gian 3 tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, người thân (vợ/chồng, bố, mẹ, ông, bà) trên 60 tuổi sống phụ thuộc…

Tàu, thuyền được huy động hoặc tự nguyện tham gia cứu nạn người, tàu, thuyền bị rủi ro trên biển được hỗ trợ 100% chi phí nhiên liệu. Các tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ bị chìm, hư hỏng nặng, khi khôi phục sản xuất sẽ được cấp máy thông tin liên lạc, thiết bị đầu cuối và tất cả phao cứu sinh.

Ngoài ra, các học viên, sinh viên học chuyên ngành khai thác hải sản sẽ được miễn học phí. Cấp học bổng hàng tháng mức (1.0) mức lương cơ sở cho học viên, sinh viên theo học ngành khai thác, nếu xếp học lực khá trở lên. Chính sách mới cũng hỗ trợ 100% học phí học nghề, và sinh hoạt phí 50 nghìn đồng/người/ngày cho người trực tiếp khai thác hải sản trong thời gian học nghề.

Dự thảo chính sách mới cho ngư dân, cũng đề xuất ưu tiên kinh phí đầu tư các hạng mục thiết yếu cảng cá, nơi neo đậu tránh trú bão

 

BIDV  dành 26,7 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân

Tại Lễ phát động “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển tại các vùng biển của Tổ quốc” tổ chức ngày 28/5 tại Bình Định, đại diện ngân hàng BIDV công bố dành 26,7 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và bà con ngư dân để xây dựng các công trình, tài sản, phục vụ vươn khơi, bám biển, lao động sản xuất.

Đồng thời, BIDV cũng dành nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho vay chương trình đóng mới tàu cá vỏ sắt, công suất lớn, xây dựng hệ thống phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Riêng tại TP. Đà Nẵng, BIDV dành 400 triệu đồng ủng hộ Quỹ hỗ trợ ngư dân; 100 triệu đồng hỗ trợ y tế cho ngư dân; hỗ trợ giáo dục cho con em ngư dân Đà Nẵng 100 triệu đồng. Ngay tại buổi Lễ, văn phòng đại diện BIDV tại Đà Nẵng đã trao số tiền này cho UBND TP. Đà Nẵng.

Tại buổi Lễ phát động “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển tại các vùng biển của Tổ quốc”, BIDV đã đề xuất một số nhóm giải pháp xã hội hóa công tác hỗ trợ ngư dân bám biển.

Trước mắt, BIDV dành tặng 1 tàu vỏ sắt công suất 1.000CV trị giá 5 tỷ đồng tặng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để trang bị cho Đội thanh niên xung kích ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nhân dịp này, BIDV công bố trao tặng 9 quỹ hỗ trợ ngư dân hoặc Quỹ phát triển nghề cá của 9 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình định, Phú Yên, Khánh hòa, Ninh thuận, Bình thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu với tổng trị giá 5 tỷ đồng.

Đồng thời dành 2,5 tỷ đồng để dành 1000 suất học bổng BIDV, 50.000 cuốn vở viết cho con em ngư dân và các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho bà con nhân dân các xã ven biển, nơi có các tổ khai thác đánh bắt xa bờ.

PV