Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Theo đó, Việt Nam sẽ có 22 sân bay dân dụng trên cả nước.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Công ty cổ phần Rạng Đông và các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo hình thức BOT.
UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của dự án bao gồm cả việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo hình thức BOT theo quy định.
Được biết, hiện tại Việt Nam có tổng cộng 21 sân bay có hoạt động bay dân sự ở 20 tỉnh thành (tỉnh Kiên Giang có 2 sân bay – Rạch Giá và Phú Quốc), trong đó có 8 sân bay quốc tế. Tới đây 2 sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và Liên Khương (Lâm Đồng) cũng sẽ được nâng cấp lên thành sân bay quốc tế. Danh sách các sân bay dân dụng sẽ được tăng thêm với quyết định cho phép đầu tư, xây dựng sân bay Phan Thiết của Thủ tướng.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Phan Thiết có vai trò chức năng bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn và giai đoạn đến năm 2030 có thể phát triển khai thác bay thường lệ khi có thị trường.
(Theo Dân trí)