Nằm dọc biên giới Việt Nam - Lào ở huyện Tây Giang, Quảng Nam là khu rừng pơmu nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Việt Nam sau những cuộc chăt phá tận diệt rừng xanh
Dẫn đoàn đi tham quan, Bí thư huyện ủy Tây Giang Bh'riu Liếc - người con Cơ tu của miền rừng biên viễn Tây Giang - kể rằng, “vương quốc” pơ mu nơi đỉnh Zi'liêng cao hơn 1.500 m so với mặt nước biển. Quanh đỉnh Zi'liêng, trên một diện tích hơn 300 ha là khu rừng nguyên sinh toàn cây gỗ Pơ mu còn sót lại sau bao cuộc tàn phá, tận diệt,
Để đến được “vương quốc” pơmu còn sót lại duy nhất trên dãy Trường Sơn sát biên giới Việt - Lào phải cuốc bộ hơn 1 tuần lể xuyên qua rừng già mới đến được khu vực tiểu khu 94, 97 của xã Axan và tiểu khu 101 của xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Gốc của cây Pơmu mẹ (mẫu), mang số hiệu cây 168, mọc trên đỉnh Zi'liêng về hướng tây có hình thù ở gốc cây giống hệt con voi đang đứng, vòi thả xuống đất âu yếm với đôi mắt mở to, tai vểnh phía trước, đứng hiền hoà, sừng sững. Cây này có thể đặt tên chính xác hơn là cây Voi Pơmu. |
Qua kiểm đếm của Kiểm lâm, rừng nguyên sinh Zi'liêng còn tồn tại một quần thể pơ mu hơn 1.037 cây có đường kính từ 20 cm đến 250cm. Bình quân chiều cao cây đứng 35-40 mét.
Trong đó, có một “cụ” cây pơ mu to nhất đường kính 2,5 mét (tầm 6 người ôm), cao 22 mét, khối lượng cây đứng ước tính 48,597 m3.
Theo Bí thư huyện ủy Tây Giang Bh'riu Liếc, “cụ” cây pơ mu lớn nhất mang số hiệu 477.
Còn lại 5 cây có đường kính 2 mét, 17 cây có đường kính từ 1,5-1,9 mét, 150 cây có đường kính từ 1,1-1,4mét, còn lại dưới một mét đường kính trở xuống.
Bh'riu Liếc còn cho biết, trong 1.037 cây pơ mu nơi khu rừng nguyên sinh này là có 2 “cụ” cây độc và lạ lần đầu tiên ông nhìn thấy và được đặt tên là Phụ Mẫu.
Đó là cây Pơmu mẹ (mẫu), mang số hiệu cây 168, mọc trên đỉnh Zi'liêng về hướng tây có hình thù ở gốc cây giống hệt con voi đang đứng, vòi thả xuống đất âu yếm với đôi mắt mở to, tai vểnh phía trước, đứng hiền hoà, sừng sững, hiên ngang trước bao phong ba bão tố. Tên cây này chính xác hơn là cây Voi Pơmu, vì có hình thù giống như con voi.
Cây thứ hai, ông tạm đặt tên cây Pơmu cha (phụ), mang số hiệu cây thứ 477, to nhất trong vương quốc Pơmu ở Tây Giang.
“Cụ” cây pơ mu này toạ lạc ở chính hướng đông của đỉnh Zi'liêng. Thân gồ ghề ôm những u nần to nhỏ trên thân mình đầy rêu phong, cành lá sum suê che phủ một góc núi giống như ông “vua” ở “vương quốc” pơ mu này.
Đây là rừng pơ mu vô giá mà theo đánh giá của các nhà lâm sinh, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương, là rừng pơ mu nguyên sinh duy nhất còn lại của Việt Nam trên bản đồ lâm sinh. Hiện huyện Tây Giang, Quảng Nam đang khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt rừng pơ mu nguyên sinh này phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn nguồn gien quí hiếm của loài gỗ quí này.
Một tuần lễ đi xuyên rừng mới đến được “vương quốc” pơ mu nằm dọc biên giới Việt Nam-Lào. |
Choáng ngợp trước một “cụ” cây pơ mu giữa rừng. |
Cận cảnh một “cụ” pơ mu đường kính trên 2m giữa rừng Tây Giang. |
Một “cụ” pơ mu khác đang mọc giữa đỉnh núi cao 1.500m |
Gốc cây Pơmu mẹ (mẫu), mang số hiệu cây 168. Cây có dáng thế rất lạ, giống hình đầu con voi rừng. |
Nhiều “cụ” pơ mu vẫn hiên ngang sừng sững mọc giữa rừng trên đỉnh núi Zi'liêng. |
Một nhánh của “cụ” cây pơ mu có đường kính gần 1m trên đỉnh Zi'liêng. |
Phần ngọn của “cụ” pơ mu xanh tốt mọc trên đỉnh Zi'liêng, thuộc địa bàn xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam. |
Cành lá pơ mu |
Vũ Trung - Ảnh Bh'riu Liếc