Dù đã chuẩn bị tinh thần, một nhà báo nữ người Anh vẫn cảm thấy sốc khi chứng kiến cảnh người ta bơm gạo vào dạ dày chó để làm tăng khối lượng của chúng.
Nelufar Hedayat đã tới Việt Nam để thực hiện một bộ phim tài liệu về ngành công nghiệp thịt chó. Cô kể lại những trải nghiệm hãi hùng trong bài báo dưới đây.
Mùi thịt chó đủ loại thức ăn lan tỏa khắp phòng cùng với những tiếng sủa của hàng trăm con chó trong một căn phòng. Sau khi tóm vào họng một con chó, 4 người đàn ông lôi nó ra phía một cái máy kỳ dị ở phía cuối của căn phòng. Một người trong số họ gắn một ống nhỏ vào xô gạo rồi ấn đầu còn lại của ống vào họng con chó. Trong khi đó, một người đàn ông khác nhấn máy bơm để đẩy gạo vào dạ dày con vật.
"Ngôi nhà rùng rợn"
Con chó kêu la vì đau đớn. Nó tiểu tiện khi bị nhóm đàn ông nhét vào lồng. Sau đó nó nôn những hạt gạo mà họ vừa tống vào dạ dày của nó.
Những con chó chen chúc nhau trong lồng sắt trước khi người ta giết chúng để làm món ăn. Ảnh minh họa: Mirror |
Tôi chứng kiến những cảnh tượng như thế với cảm giác kinh hoàng. Có lẽ tôi chẳng quá lời chút nào nếu gọi đó là "ngôi nhà rùng rợn". Nhưng đó là thực tế của ngành công nghiệp thịt chó tại Việt Nam, nơi người ta nhét các thứ vào trong cơ thể chó để tăng khối lượng của chúng, đồng nghĩa với việc kiếm lời lớn hơn khi bán chó.
Sau khi chứng kiến cảnh tượng thương tâm, tôi hỏi một người đàn ông rằng liệu lũ chó cảm thấy đau đớn hay không khi chúng buộc phải ăn gạo. "Không, chúng chẳng cảm thấy đau", ông ta đáp.
Trong chuyến bay tới Việt Nam để điều tra ngành công nghiệp thịt chó, tôi đã chuẩn bị về mặt tâm lý. Tôi biết tôi sẽ chứng kiến những hành động tàn bạo, gây sốc. Nhưng thực tế đã vượt quá khả năng tưởng tượng của tôi.
Thói quen ăn thịt chó của người Việt đã tạo ra một thị trường chợ đen khổng lồ, nơi những kẻ bất lương có thể kiếm những khoản tiền lớn bằng cách trộm chó rồi bán.
Dân buôn chó thường vận chuyển hàng trăm nghìn con chó từ Thái Lan. Chúng bị bỏ đói trong nhiều ngày và chỉ được ăn, uống khi tới Việt Nam.
Suốt 6 tháng qua, Quỹ Soi Dog, một tổ chức bảo vệ chó ở Thái Lan, đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ để ngăn chặn những kẻ trộm và buôn chó, đồng thời cắt tuyến đường mà chúng sử dụng để vận chuyển chó.
Trộm 3.000 con chó trong 7 năm
Nhưng sự thiếu hụt chó ở Việt Nam khiến những nhóm tội phạm cố gắng duy trì hoạt động buôn chó. Chúng tìm chó từ những nơi khác.
Ở Hà Nội, tôi từng gặp hai tên trộm ngay sau khi chúng bắt chó trong một làng. Chúng nói hoạt động trộm chó đang diễn ra sôi động và các nhóm trộm chó luôn lảng vảng quanh các làng ở Việt Nam để chờ cơ hội.
"Tôi bắt trộm khoảng 3.000 con chó trong 7 năm qua", một gã trộm khoe.
Ngành công nghiệp thịt chó ở Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh rộng lớn toàn cầu. Thịt chó là món khoái khẩu của người dân tại nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc, bởi hàng loạt lý do, từ giải đen tới tăng cường sinh lực đàn ông.
Các tổ chức bảo vệ động vật ước tính vài triệu con chó mất mạng mỗi năm để phục vụ nhu cầu của con người.
Hầu như ngày nào tôi cũng thấy những xe tải chở chó trên phố ở Hà Nội. Những con chó chỉ im lặng và nhìn người qua đường. Người ta bán chúng cho các lò mổ hoặc nhà hàng. Họ sẽ nhốt chúng vài ngày rồi giết chúng bên các lề đường.
Khi vào một chợ ở Hà Nội, tôi thấy những khu nhốt chó với khoảng 500 con chó bên trong. Dân buôn sẽ cân chúng trước khi nhốt vào các lồng chật chội. Trong những ngày cao điểm, số lượng chó ở đây có thể lên tới hơn 2.000 con.
Mỗi khi gặp sự kiện vui hay trong những ngày cuối tháng âm lịch, nhiều người Việt Nam lại ra nhà hàng để ăn thịt chó. Liệu họ biết những món mà họ thưởng thức tới từ đâu không nhỉ?
"Ồ, chúng cháu không biết và cũng chẳng quan tâm. Chúng cháu chỉ quan tâm tới mùi vị của thịt chó", một thiếu niên nói với tôi khi cậu ăn thịt chó cùng nhóm bạn.
Bắt trộm chó không phải là một tội ở Việt Nam. Nếu những kẻ trộm chó sa lưới, chúng chỉ phải nộp phạt từ vài trăm nghìn tới hơn 2 triệu đồng - tương đương mức thu nhập trong một đêm của chúng.
Những kẻ trộm chó mang theo nhều loại vũ khí và chúng sẵn sàng tấn công những người dân dám ngăn cản. Một số người dân đã mất mạng vì sự táo tợn này.
Nữ phóng viên Nelufar Hedayat (mặc áo xanh) đã tới Việt Nam để làm bộ phim tài liệu mang tên Vietnam’s Dog Snatchers (Những kẻ bắt chó ở Việt Nam). Ảnh: BBC |
Sự giận dữ của người dân đã lên tới đỉnh điểm. Những vụ dân làng đánh hội đồng kẻ trộm chó hay giết chúng đã trở thành tin nóng của giới truyền thông trong thời gian qua. Tại một làng ở miền trung, 68 người cùng nhận tội giết hai kẻ trộm chó. Họ nói chúng đã bắt hơn 300 con chó của làng trong vòng một năm.
"Chúng tôi không sợ bọn trộm chó. Mọi người không muốn đánh chúng tới chết, mà chỉ muốn khiến tay, chân của chúng gãy", một thai phụ trong làng nói.
Dang, một người đàn ông ở thành phố Nghệ An, nhốt chó trong lồng để phòng bọn trộm. "Mọi gia đình sống dọc đường này đều đã mất chó", ông nói với tôi.
Bạn không cần phải là nhà hoạt động xã hội hay người bảo vệ động vật để cảm nhận sự tàn nhẫn mà người ta đối xử với chó trước khi biến chúng thành món ăn. Tại một lò mổ, tôi thấy người ta lôi một con chó từ trong lồng rồi đập thanh gỗ vào đầu nó hai nhát để nó bất tỉnh trước khi họ cắt tiết. Tôi cũng không thể quên những cảnh tượng họ nhét gạo vào dạ dày chó tại một trong những làng buôn chó lớn nhất.
Chỉ trong một ngày, dân buôn có thể vận chuyển tới 7 tấn chó sống tới Hà Nội để cung cấp cho các nhà hàng và lò mổ. Những sự việc tôi chứng kiến cho thấy dường như tình hình giết chó để làm món nhậu đang tiến dần tới mức cao trào ở Việt Nam.
Bản thân tôi không phản đối người khác ăn thịt chó và bộ phim tài liệu của tôi cũng không đề cập tới vấn đề ấy. Điều khiến tôi cảm thấy trăn trở là sự tàn bạo và tình trạng vô luật lệ trong ngành công nghiệp thịt chó. Tôi hy vọng rằng, sau khi xem bộ phim tài liệu của tôi, người dân, các tổ chức nhân đạo và chính quyền sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để ngăn chặn hay giảm bớt sự tàn bạo mà những con chó phải chịu đựng trước khi chết.
(Theo Zing)