Thời Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) còn hoàng kim, Nguyễn Hồng Anh đã biết tranh thủ cơ hội để liên doanh, liên kết làm ăn. Thế nhưng, chính sự dễ dãi của đối tác đã khiến nữ tổng giám đốc này nhiều lần “lèo lái” để hợp thức hóa hành vi trái pháp luật.

Trái với hình ảnh người đàn bà giàu có, sang trọng khi trước, hôm qua (9-10), Nguyễn Hồng Anh (tức Lisa Nguyễn, SN 1974, trú ở tập thể Long Giang, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) được đưa tới tòa trong bộ dạng ê chề.

Trước tòa, Nguyễn Hồng Anh bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 165-BLHS.

Công ty liên doanh CONTAINER VINASHIN - TGC (viết tắt là VTC) được thành lập vào năm 2005 theo quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau nhiều lần thay đổi giấy phép kinh doanh, tháng 9-2010, liên doanh này đổi tên mới thành Công ty CP CONTAINER Quốc tế CAS (viết tắt là Công ty CASCON). Trong đó, Vinashin góp 25% vốn, Nguyễn Hồng Anh giữ 15% vốn và 60% số vốn còn lại do một công ty ngoài quốc doanh nắm giữ. Lúc này, Hồng Anh chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CASCON.

{keywords}
Cựu Tổng Giám đốc CASCON Nguyễn Hồng Anh tại phiên tòa

Để có vốn sản xuất, kinh doanh, cuối năm 2007 và đầu năm 2009, Nguyễn Hồng Anh khi ấy giữ cương vị Tổng giám đốc VTC đã lần lượt ký 2 hợp đồng tín dụng với Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC), thời hạn 2 năm. Ngay sau đó, VFC đã giải ngân cho công ty của Hồng Anh gần 2.000 tỷ đồng và hơn 3,2 triệu USD. Nhằm bảo đảm các khoản vay này, VFC yêu cầu VTC phải đưa 4,6 triệu kg thép cuộn và hơn 1.700 vỏ container vào diện tài sản thế chấp. Hai bên cam kết, Công ty VTC (sau này là CASCON) chỉ được phép xuất kho tài sản thế chấp khi có sự đồng ý bằng văn bản từ VFC.

Quá trình sản xuất, kinh doanh, nữ tổng giám đốc thấy việc vay tiền của các tổ chức tín dụng bên ngoài ngày càng khó khăn nên lập tờ trình đề nghị HĐQT VTC cho phép bán một số tài sản tồn kho, trong đó có cả tài sản thế chấp với VFC. Trên cơ sở đó, ngày 9-4-2010, Hồng Anh làm việc với VFC và được bên nhận thế chấp tài sản chấp thuận cho bán một số tài sản, bao gồm 659 vỏ container thành phẩm và 137 vỏ container bán thành phẩm. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là VFC phải biết toàn bộ lô hàng này VTC bán cho đơn vị nào, giá cả ra sao và bên mua phải chuyển tiền trước vào tài khoản của doanh nghiệp nhận cầm cố.

Mặc dù thỏa thuận như vậy, nhưng ngày 20-11-2011, Hồng Anh đã ủy quyền cho cấp phó bán 556 vỏ container cho một công ty ở Hồng Kông với số tiền thu về hơn 1,7 triệu USD. Trong đó, có 408 vỏ container (tương ứng hơn 1,2 triệu USD) là tài sản đã thế chấp. Khi công ty ở Hồng Kông thanh toán, Hồng Anh đã khéo léo “lái” đối tác không chuyển tiền vào tài khoản của chủ nợ.

Trong một diễn biến khác, ngày 30-10-2010, Hồng Anh còn ký hợp đồng bán hơn 2 triệu kg thép, trong đó có hơn 1,1 triệu kg thép thế chấp, nhưng không hề thông báo cho VFC. Sau này, để hợp thức hóa hành vi trái pháp luật, Hồng Anh chỉ đạo nhân viên soạn thảo văn bản, rồi ký với tư cách đại diện VTC đề nghị VFC cho phép bán số thép đã dùng làm tài sản thế chấp. Bán trộm tài sản thế chấp xong, Hồng Anh chỉ dành ra 10 tỷ đồng để trả nợ VFC.

Những việc làm này của Nguyễn Hồng Anh được xác định là đã vi phạm vào Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; vi phạm Điều 58, Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và vi phạm hợp đồng thế chấp tài sản giữa VTC và VFC. Hành vi trái pháp luật của cựu Tổng giám đốc CASCON đã khiến VFC bị thiệt hại hơn 32 tỷ đồng, trong đó hơn 28 tỷ đồng là tiền gốc cho VTC vay nợ.

Bị thẩm vấn trước tòa, bị cáo Hồng Anh thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như tài liệu truy tố. Thế nhưng, xét thấy cần thiết phải làm rõ thêm một số tình tiết liên quan đến hành vi cố ý làm trái của bị cáo, đồng thời cũng để xác định lại yêu cầu bồi thường của VFC nên sau nửa ngày làm việc, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

(Theo Đầu tư)