Hầu như ai chuẩn bị mua xe lần đầu cũng tính toán. Chừng mua xong tự nhiên những câu hỏi sẽ biến mất.

Bích Thảo, trưởng phòng quảng cáo một đơn vị truyền thông hỏi ông Long, một người làm chung công ty được coi là rành chuyện xe hơi, đã từng nhiều năm có xe gia đình: “Em thích cái F, giá hơn 800 triệu. Tiền thì có đủ rồi nhưng tính toán có khi mua xe lại thiệt. Nếu đem 800 triệu gửi ngân hàng, tiền lời hàng tháng dư tiền đi taxi, cần thì gọi, khỏi lo chỗ gửi xe”.

Ông Long cười: “Hầu như ai chuẩn bị mua xe lần đầu cũng tính toán như em. Còn tính là còn… chưa mua. Chừng mua xong tự nhiên những câu hỏi trên sẽ biến mất”.

{keywords}

Có những nhu cầu gia đình chỉ được “đánh thức dậy” khi đã mua chiếc xe hơi.

Bao nhiêu tài sản là vừa?

Cuối cùng thì Thảo vẫn mua xe. Bẵng đi một thời gian, gặp lại nhau ở căngtin cơ quan, ông Long hỏi Thảo: “Cuối cùng em vẫn lấy cái F. à? Giờ còn so sánh lãi suất tiết kiệm với tiền đi taxi không?”

Bích Thảo hào hứng kể về chuyến đi xa đầu tiên của gia đình bằng xe cá nhân, về những buổi chiều cuối tuần rảnh rỗi bất chợt nổi hứng lái xe ra ngoại thành. Rất nhiều tình huống, rất nhiều niềm vui. Có những nhu cầu gia đình chỉ được “đánh thức dậy” khi đã mua chiếc xe hơi.

Ông Long hỏi Bích Thảo: “Tính cả nhà đất, cả tiền mặt, cả cổ phiếu, hai vợ chồng em được 8 tỉ không?” Bích Thảo cười cười: “Cứ coi như là có từng ấy đi, thì sao nào?” “Vậy là nhà em mua xe đúng chuẩn 10%. Một tỷ lệ tốt rồi”.

Thấy mọi người thắc mắc, ông Long giải thích: “Tôi thấy nhiều gia đình chi cho chiếc xe hơi ở ngưỡng đó, tổng tài sản trên dưới 10 tỉ đồng thì họ quan tâm những chiếc xe gia đình giá trên dưới 1 tỉ. Người giàu thì khác. Người có 100 tỉ có khi chỉ chi 3 – 5% tài sản cho xe hơi là đã có xe sang rồi. Nhưng người trẻ mê xe thì sẵn sàng chi vượt 100% tài sản mình có. Tôi có đưa cháu mới cưới, tổng tiền mừng đám cưới hơn 400 triệu được hai bên nội ngoại cho hết để làm vốn, nó vay thêm 200 triệu để mua cái xe mà nó thích. Cái xe bằng 150% tài sản của hai vợ chồng trẻ”.

Trở lại chuyện cái xe, Bích Thảo nói: “Thiệt, hồi đó chưa bao giờ nghĩ nhà mình có xe hơi riêng đâu. Mua được cái xe cho chồng lái chở con đi chơi là mãn nguyện rồi”.

Ông Long bảo: “Thế nào rồi vợ chồng em cũng đổi xe cho mà coi. Có thể chồng em sẽ chán sedan, sẽ thích xe MPV hoặc SUV hoặc cũng có thể thích thương hiệu khác”.

Tiền nào của đó

Ông Vĩnh, người từng lái thử xe mới cho nhiều thương hiệu xe từ loại tầm giá trên dưới 10.000 USD cho đến các loại xe sang, chia sẻ: “Không dễ lý giải là hai chiếc xe có cùng số chỗ ngồi, gần như cùng đủ các tiện ích cơ bản như ghế da, số tự động, mâm đúc, kính bấm, dàn âm thanh DVD, kết nối USB, iPhone, bóng hơi… mà cái thì 1 tỉ cái thì 3 tỉ. Tính năng an toàn thì đa phần là những mô tả nằm trong giả thiết. Thế 2 tỉ chênh lệch kia là để mua cái gì?”

Ông Long đồng ý với ông Vĩnh, “cái xe 3 tỉ nó khác chiếc xe 1 tỉ xa lắm”. Dù lời mô tả những tính năng và tiện nghi chuẩn có vẻ gần như nhau. Tất nhiên là nói đến chữ “chuẩn” thì cũng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Có những tính năng mà dân lái xe thừa nhận, “hầu như chẳng bao giờ dùng tới trong điều kiện đường sá Việt Nam”. Nhưng nó vẫn là sự khác biệt và có lẽ chỉ người đã mua mới nhận ra. Không phải ai mua xe 3 tỉ đồng cũng là để khoe mẽ.

Ông Long kể về ấn tượng với thương hiệu xe sang M. Khi đó, M. mới nhập về Việt Nam loại xe SUV 5 chỗ giá gần 3 tỉ đồng. Hai vợ chồng ông Long lái xe nhà là chiếc SUV giá 1 tỉ đồng đến xem.

Người bán hàng là cô gái trẻ, có vẻ sành tâm lý khách hàng. Cô gợi ý khéo léo để ông lấy chiếc USB ghi nhạc trên xe của ông đem sang chiếc xe 3 tỉ nghe thử. Bản nhạc quen thuộc, đúng gu cho ông thấy sự khác nhau về chất lượng hệ thống âm thanh trên hai xe. Nhưng cô bán hàng không nói về điều đó. Cô để tự ông cảm nhận. Cô cũng không liệt kê chiếc xe có tính năng này tính năng nọ . Cô dẫn dắt cuộc trò chuyện, thực ra là hỏi nhiều hơn nói. Cô chia sẻ sở thích lái xe của ông. Cô hỏi vợ ông về những đứa con, về thói quen sinh hoạt gia đình. Suốt buổi, cả hai bên chưa nói gì về tài chính để mua xe.

Cuối cùng cô kết luận buổi tư vấn cho vợ chồng ông Long là: “Theo em, anh chị nên cân nhắc thêm trước khi mua xe của tụi em ngay lúc này”. Và cô phân tích những lý do hợp lý để khuyên ông chưa nên đổi sang chiếc xe giá 3 tỉ đồng.

Người bán khuyên người mua chưa nên mua (dù chắc chắn không phải là họ không muốn bán hàng)! Ông Long phân trần người ta khuyên ông chưa nên mua có lẽ không chỉ vì xe của ông chạy quá ít, mỗi năm có vài ngàn cây số. Ông Long so sánh, bạn của ông cũng chạy xe thương hiệu M. mỗi năm vài ngàn cây số, phần lớn thời gian xe nằm trong garage ở nhà.

Ông Long dẫn lại lời giải thích của bạn ông: “Tôi đâu có cần khoe khoang với ai mà tôi vẫn chạy xe hơn 3 tỉ. Đồng tiền kiếm được đâu có dễ. Bộ khùng hay sao mà tự nhiên mua cái xe giá đắt hơn 2 tỉ lại không biết nó hơn cái xe 1 tỉ ở chỗ nào?”

(Theo Thế giới Tiếp thị)