- Xích lại gần với Trung Quốc là một trong số các giải pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chống trả lại lệnh cấm vận của phương Tây. Tuy nhiên, việc này cũng đang làm đau đầu nhiều nhà lãnh đạo nước Nga.

Lạnh lùng với đồng tiền phương Tây

Ngày 13/10, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến lễ ký kết 38 thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận về việc mở một hạn mức hoán đổi đồng NDT và đồng Ruble trị giá khoảng 24,5 tỷ USD nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, tránh phụ thuộc vào đồng USD.

Ngân hàng Trương ương Nga cho biết, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có hiệu lực trong 3 năm và có thể kéo dài tùy, thuộc vào hai bên.

Theo Bussiness Insider, thỏa thuận này cho phép hai nước sử dụng đồng tiền của nhau mà không phải mua trên các thị trường tiền tệ. Nó sẽ giúp Nga tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh hợp tác với châu Á nhằm giảm ảnh hưởng của các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

{keywords}

Xích lại gần với Trung Quốc là một trong số các giải pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chống trả lại lệnh cấm vận của phương Tây

Hàng loạt thỏa thuận, từ năng lượng đến tài chính, đã được ký kết trong chuyến thăm Nga kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong khuôn khổ thăm châu Âu một tuần của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nó như một minh chứng cho lời khẳng định của Tổng thống Nga Putin, rằng "Trung Quốc là đồng minh tự nhiên của Nga" và như Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đánh giá "quan hệ giữa Nga và Trung Quốc như những đối tác chiến lược đang ở trình độ rất cao".

Có thể thấy, với những gì diễn ra trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc vừa qua, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã lên cao hơn bao giờ hết, hướng tới "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" như lời phát biểu của ông Lý Khắc Cường.

Những thông tin trên RIA Novosti cũng cho thấy, Trung Quốc đang muốn thiết lập khu vực phát triển kinh tế chung giữa châu Âu và châu Á, trong đó Nga là một đối tác quan trọng.

Quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng vọt gần đây, vượt qua cả quan hệ thương mại Nga - Đức và được dự báo còn tăng trưởng do các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây.

Trong lĩnh vực đầu tư và vốn, Trung Quốc cũng là đối tượng số 1 của Nga. Trước đó, hồi tháng 5, Nga và Trung Quốc cũng đã ký hợp tác chiến lược với thỏa thuận cung cấp khí trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm. 

{keywords}

Hàng loạt thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm Nga kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Không chỉ kinh tế, mối quan hệ Nga - Trung ngày càng sâu sắc trong cả lĩnh vực quân sự. Theo Bloomberg, Tổng thống Vladimir Putin có thể tiến tới đáp ứng một trong hai điều mà Trung Quốc mong muốn nhất hiện nay là: nắm bắt công nghệ vũ khí tiên tiến.

Giải bài toán "chơi dao"

Quan hệ Nga - Trung đang lên một tầm cao mới trong bối cảnh ông Putin muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào thương mại và đầu tư của phương Tây, trong khi Trung Quốc thì muốn có thêm nhiều năng lượng, vũ khí và cũng muốn vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của nước Mỹ.

Với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác với Nga có lẽ là cần thiết. Trung Quốc vừa soán ngôi vị của Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP). Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng sắp trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Việc hợp tác mua dầu khí từ Nga có thể là lựa chọn số 1 trong bối cảnh vận tải dầu trên Biển Đông và vận chuyển khí qua Myanmar có nhiều bất cập.

Hợp tác với Nga còn giúp Trung Quốc thâm nhập vào thị trường rộng lớn này cũng như có cơ hội thâu tóm các DN trong lĩnh vực năng lượng và học hỏi được công nghệ vũ khí tiên tiến.

Ở chiều ngược lại, Nga cũng giảm thiểu được suy thoái kinh tế trước hàng loạt các lệnh cấm vận của Mỹ và EU. Nền kinh tế Nga cần tiền từ bán dầu khí và cần hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. 

{keywords}

Việc xích lại gần với Trung Quốc cũng đang làm đau đầu nhiều nhà lãnh đạo nước Nga.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà phân tích Nga lo ngại là: Hợp tác đồng nghĩa với việc tăng sức mạnh cho Trung Quốc - nước láng giềng có nền kinh tế gấp 4 lần, có dân số gấp 10 lần Nga và có đường biên giới rất dài với Nga.

Một nhà phân tích chính trị độc lập tại Moscow trên Bloomberg cho rằng, đến thời điểm này, ông Putin đã quay mặt với Tây và hướng sang Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách tối đa hóa lợi ích từ chính sách mới của Nga.

Chuyến viếng thăm Nga của ông Lý Khắc Cường cho thấy, Trung Quốc không phí thời gian để ngay lập tức tấn công vào thị trường nợ của Nga sau khi Mỹ và châu Âu đóng cánh cửa này đối với Kremlin.

Tầm quan trọng của Trung Quốc với Nga, trong bối cảnh hiện tại, theo Bloomberg, là yếu tố có thể khiến ông Putin đáp ứng cả các yêu cầu về công nghệ vũ khí tiên tiến của Trung Quốc. Cũng theo nguồn tin này, Nga đang chuẩn bị ký các hợp đồng bán các hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho cường quốc hạt nhân Trung Quốc vào quý I năm sau.

Sự hợp tác trên nhiều phương diện giữa Nga và Trung khiến không ít nước lo ngại nhưng mang lại lợi ích cho cả hai cường quốc. Nhưng, sự lớn mạnh về bất cứ phương diện nào của Trung Quốc cũng chính là điều khiến các nhà lãnh đạo Nga đau đầu. Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, xích gần lại với Trung Quốc là lựa chọn tất yếu, không thể tránh của nước Nga.

Văn Minh