Theo thông tin do báo điện tử Daily NNA của Nhật công bố (16.10), thời gian gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bỏ qua Trung Quốc để chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất quan trọng.

Theo kết quả khảo sát do Teikoku Databank, một công ty chuyên thu thập thông tin từ các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện, 10,9% số doanh nghiệp nước này coi Việt Nam là cơ sở sản xuất quan trọng nhất tại nước ngoài, trong khi tỉ lệ lựa chọn Trung Quốc là 6,9%.

Tỉ lệ này đưa Việt Nam ở vào vị trí số 1 trong các nước và vùng lãnh thổ được doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng nhất khi lựa chọn địa điểm sản xuất ở nước ngoài, vượt qua Trung Quốc ở vị trí thứ hai.

{keywords}

Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản trong một cuộc gặp - Ảnh: ibtimes

Khoảng 23.000 doanh nghiệp đã tham gia khảo sát trong tháng 9 cho biết, các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật quan tâm nhất tại Việt Nam là nội thất, may mặc, công nghệ thông tin…

Các lý do để chọn Việt Nam là chi phí, lực lượng lao động trẻ và có năng lực cao.

Nhưng xét về thị trường bán hàng được chú trọng nhất thì Việt Nam đứng thứ 4, sau Trung Quốc, Mỹ và Thái Lan.

Sau khi có thông tin doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất, bỏ qua Trung Quốc, ông Hiroshi Fukada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi thư thông báo cho ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, ông Lộc nhận định: "Các nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua đã được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận. Những thông điệp mang tính đột phá về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được chia sẻ và đây là tín hiệu hết sức tích cực".

Đồng thời, đại diện VCCI cho rằng chính niềm tin của doanh nghiệp trong nước cũng đã tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp Nhật Bản.

"Từ kết quả này, Chính phủ càng cần thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực cải cách thể chế sâu rộng hơn nữa để thu hút đầu tư. Tạo ra được niềm tin là rất quan trọng, nhưng thúc đẩy quá trình đó còn quan trọng hơn và sẽ phải là một nỗ lực lâu dài", ông nói.

Theo TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản chia sẻ rằng họ quan tâm nhiều nhất đến việc tăng cường công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam. Chủ tịch Jetro đã từng khẳng định Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc lắp ráp mà sẽ giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ, sản xuất linh kiện, phát triển công nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, thông tin trên không có nghĩa là Việt Nam đã hơn Trung Quốc về thu hút FDI, bởi theo DVO (20.10), trong một diễn biến có liên quan thì nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang đổ tiền đầu tư vào Trung Quốc.

Mới đây nhất, đại gia công nghệ Intel tuyên bố sẽ đầu tư 1,5 tỉ USD cho hai công ty chip Trung Quốc. Còn tập đoàn sản xuất ô tô General Motors cũng có kế hoạch đầu tư 14 tỉ USD vào Trung Quốc.

(Theo VnEconomy, DVO, Motthegioi)