Giá thịt heo, trứng, đường… và nhiều loại rau củ bắt đầu giảm do sức mua thấp trong khi nguồn hàng dồi dào.

TIN BÀI KHÁC

Thông tin từ các trại chăn nuôi heo ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy giá heo ở trại từ đầu tháng 5 này đã bắt đầu giảm khá mạnh, từ 60.000 đồng - 62.000 đồng/kg hiện còn 56.000 đồng- 57.000 đồng/kg đối với heo “đẹp”, còn heo nhiều mỡ giá 51.000 đồng - 53.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng khác như đường, nhiều loại rau củ… ở chợ đầu mối cũng đang giảm dần.

Giảm từ đầu nguồn

Giá thịt heo mảnh tại các chợ đầu mối ở TPHCM hiện chỉ còn 62.000 đồng - 69.000 đồng/kg, sức tiêu thụ đang giảm khoảng 10% so với lúc bình thường. Giới kinh doanh dự báo sắp tới giá thịt heo sẽ tiếp tục giảm do các trường học bước vào mùa nghỉ hè... Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng heo về chợ khoảng 190 tấn/đêm, giảm khoảng 20 tấn/đêm so với mức bình quân. Theo một cán bộ Ban Quản lý chợ Bình Điền, lượng heo về chợ giảm không phải do thiếu nguồn cung mà do sức tiêu thụ chậm, tiểu thương không dám lấy nhiều hàng vì sợ “ôm sô”. Tại một số chợ lẻ, giá thịt heo đã giảm khoảng 3.000 đồng – 5.000 đồng/kg, tùy khu vực.

Giá trứng gà tại các trại cũng đang giảm từ 200 đồng - 300 đồng/trứng, hiện còn 1.250 đồng - 1.350 đồng/trứng (giá bán lẻ trên thị trường 1.700 đồng-1.900 đồng/trứng).


Từ ngày 12 đến 25-5, thịt heo Vissan giảm giá 15.000 đồng/kg tại các cửa hàng, đại lý... của Vissan

Các nhà máy đường cho biết tháng trước họ đã giảm giá bán buôn mặt hàng đường gần 1.000 đồng/kg, xuống còn 17.000 đồng/kg. Đầu tháng 5, nhiều nhà máy tiếp tục giảm giá còn 16.500 đồng- 16.700 đồng/kg. Ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay thời gian gần đây, các nhà máy đường nhiều lần điều chỉnh giá giảm nhưng vẫn không bán được hàng. Hiện các nhà máy vẫn còn tồn lượng đường khá lớn lên đến 420.000 tấn.

Trong khi đó, đường nhập lậu từ Thái Lan về nhiều, rẻ hơn đường trong nước 1.000 đồng – 2.000 đồng/kg. Giá đường thế giới cũng đang có xu hướng giảm, cách nay 2 tháng, giá khoảng 800 USD/tấn, nhưng hiện chỉ còn 700 USD/tấn đối với hàng giao ngay. Với mức giá này khi nhập về Việt Nam sau khi cộng các khoản chi phí giá chỉ có 16.000 đồng/kg. Còn giá đường giao kỳ hạn (giao hàng tháng 8 đến tháng 10) chỉ có 580 USD - 600 USD/tấn, do đó giá đường sắp tới sẽ còn tiếp tục giảm đáng kể...

Rau củ đồng loạt giảm

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết một tuần nay, lượng hàng về chợ rất dồi dào (khoảng 3.100 tấn/đêm, cao hơn mức bình quân khoảng 300 – 400 tấn/đêm) nên giá nhiều mặt hàng rau củ đang giảm, có thể nói là rất rẻ so với trước đây. Chẳng hạn, giá bầu, bí chỉ còn 3.500 đồng – 4.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng – 1.500 đồng/kg), bông cải xanh Đà Lạt 9.000 đồng – 10.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng – 4.000 đồng/kg), cà chua, khổ qua 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng – 2.500 đồng/kg), xà lách xoong 4.000 đồng/kg, xà lách lụa Đà Lạt 3.000 đồng/kg…

Theo bà Thanh Hà, mặc dù hàng từ chợ sỉ về chợ lẻ phải cộng thêm các khoảng phí như phí vận chuyển, thuế, tiền điện, nước… tăng nhưng tiểu thương chợ lẻ cũng phải giảm giá theo chợ sỉ để người mua “dễ thở” và bán được nhiều hàng.

Tại các siêu thị, giá các mặt hàng rau củ, trái cây cũng đang giảm. Chẳng hạn, tại Co.opMart, giá cà chua hiện chỉ 6.500 đồng/kg, xà lách mỡ 15.000 đồng/kg, dưa hấu đỏ 7.000 đồng/kg… Sắp tới, từ ngày 12 đến 25-5, Co.opMart giảm giá trứng gà Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Adeco 2.000 đồng/chục, còn 20.500 đồng/chục; đường La Ngà, Bonsu giảm 1.000 đồng/kg, còn 20.500 đồng/kg và kết hợp cùng Vissan giảm giá 15.000 đồng/kg đối với một số loại thịt heo để ổn định thị trường và duy trì sức mua. Hay tại BigC, từ ngày 11-5 đến 1-6, giá dưa hấu đỏ chỉ còn 4.900 đồng/kg, cà chua Đà Lạt 5.900 đồng/kg, cần tây Đà Lạt 6.900 đồng/kg, gà thả vườn 56.900 đồng/kg, vịt nguyên con 55.500 đồng/kg…

Hiện sức mua tại các chợ lẻ đang rất yếu, tiểu thương chợ lẻ phải “liệu cơm gắp mắm”, nhìn vào giá ở siêu thị để điều chỉnh giá bán hàng, giữ khách...

Bình ổn thêm giá sữa, dụng cụ học sinh

Ngày 10-5, Sở Công Thương TPHCM đã công bố chương trình bình ổn giá sữa, dụng cụ học sinh trên địa bàn TPHCM. Theo đó, có 10 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá dụng cụ học sinh và 2 doanh nghiệp là Công ty Vinamilk và Nutifood tham gia bình ổn giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và người cao tuổi.

Chương trình bình ổn giá dụng cụ học sinh kéo dài từ nay đến hết tháng 10-2011, tổng mức vốn ứng cho các doanh nghiệp là 25,22 tỉ đồng, thực hiện bình ổn các mặt hàng tập học sinh, cặp – ba lô – túi xách, đồng phục học sinh.

Theo kế hoạch, các doanh nghiệp bình ổn sẽ cung ứng 14,4 triệu quyển tập học sinh, 560.000 bộ đồng phục và 450.000 cặp – ba lô – túi xách, chiếm khoảng 20% - 33% nhu cầu tiêu dùng của học sinh TPHCM trong mùa khai giảng và bảo đảm giá bán luôn thấp hơn giá thị trường 15%.

Hai doanh nghiệp sữa không nhận vốn từ chương trình và cam kết từ nay đến hết tháng 12-2011 sẽ giữ giá, giữ ổn định chất lượng các mặt hàng sữa bột.

(Theo Người lao động)