- Không chỉ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa, các DN sử dụng phần mềm bất hợp pháp, nhất là DN xuất khẩu còn đứng trước rủi ro bị cấm xuất khẩu vào một số thị trường như Mỹ.
FDI cũng cố tình chơi... lậu
Thời gian vừa qua, một loạt cuộc thanh tra đã được tiến hành tại nhiều đối tượng doanh nghiệp, từ nước ngoài , trong nước; từ các DN công nghệ thông tin đến DN sản xuất hay thương mại... đa phần đều phát hiện các hành vi xâm phạm bản quyền phần mềmvới các mức độ vi phạm khác nhau.
Trong đó, có hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài chỉ mua một số lượng phần mềm có bản quyền rất ít để lách luật.
Tại cuộc thanh tra tại một DN FDI là Công ty TNHH Công nghệ Y tế Perfect Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện số lượng lớn phần mềm vi phạm trị giá hàng tỷ đồng.
Cụ thể, trong số 44 máy tính kiểm tra đã tìm thấy 124 phần mềm các loại từ các phần mềm chuyên dụng dành cho thiết kế đồ họa của Autodesk như AutoCAD, các phần mềm Adobe Photoshop đến các phần mềm thông dụng của Microsoft, thậm chí cả phần mềm có chi phí rất ít như Từ điển Lạc Việt . Trong số 124 phần mềm, Perfect Việt Nam chỉ cung cấp được giấy phép sử dụng cho 10 phần mềm của Microsoft.
Nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng phần mềm bất hợp pháp, |
Qua kết quả thanh tra, nhiều chuyên gia bản quyền và công nghệ tỏ ra rất thất vọng với tình trạng này vì DN FDI vốn được xem là tuân thủ tốt hơn về bản quyền nay đã có tình trạng trốn tránh việc mua bản quyền phần mềm . Và câu chuyện như trên không phải là hiếm gặp.
Lãnh đạo Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã từng có nhiều thực tế về vấn đề này cho rằng, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% hiểu rất rõ về luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, sử dụng bất hợp pháp tài sản trí tuệ của người khác cho mục đích vận hành kinh doanh của doanh nghiệp mình. Đây là một điều đáng cảnh báo.
Cái giá phải trả
Theo các luật sư Sở hữu trí tuệ, quy định pháp lý xử phạt của Việt Nam và quốc tế cho hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ phần mềm máy tính ngày càng nghiêm khắc.
Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các DN có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các DN có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. |
Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật SHTT, và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất...
Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
Các luật sư dẫn chứng, vụ việc Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam phải đền bù hơn 1 tỷ đồng và công khai xin lỗi Microsoft và Lạc Việt do xâm phạm bản quyền phần mềm của hai doanh nghiệp phần mềm này vào cuối năm 2013 là một bài học đầy tính cảnh báo cho các DN khác cố tình vi phạm.
Cũng theo các Luật sư SHTT quốc tế thì các DN xuất khẩu sẽ phải đối mặt với các hình phạt rất nặng nề khi 36 bang của Mỹ đã áp dụng Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA).
Bộ luật này yêu cầu tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu trên thế giới phải sử dụng phần cứng, phần mềm hợp pháp, có bản quyền trong mọi hoạt động sản xuất, thương mại. Lý do là việc một doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ giúp cho đối tượng đó đạt được lợi thế về giá, từ đó sẽ tạo ra sự không bình đẳng đối với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng sản phẩm CNTT có bản quyền.
Theo Luật sư Trần Mạnh Hùng, Công ty Tư vấn Luật Baker & McKenzie, nếu không tuân thủ, các đối tượng sau đây có thể bị kiện: Những nhà sản xuất sản phẩm được bán hoặc chào bán tại hai bang (dù là được bán, chào bán riêng rẽ hay được bán, chào bán như là một bộ phận của sản phẩm khác); các bên thứ ba (chẳng hạn những người bán lẻ) bán hoặc chào bán các sản phẩm có khả năng bị coi là sản phẩm vi phạm tại các bang này.
Cũng theo ông Hùng, các doanh nghiệp sẽ bị chính những đối thủ có mặt hàng cạnh tranh có trụ sở ở bất kỳ nơi nào trên thế giới hoặc Chưởng lý (người phụ trách vấn đề pháp lý) của các bang khởi kiện. Và nếu không thể chứng minh được mình sử dụng phần mềm, phần cứng hợp pháp, hoặc không chấm dứt việc sử dụng CNTT trái pháp luật trong vòng 90 ngày sau khi nhận được thông báo thì có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị tịch thu hàng hóa và quan trọng hơn là xếp trong "danh sách đen" bị cấm vào thị trường Mỹ.
Rõ ràng quyền Sở hữu trí tuệ đang ngày càng được Chính phủ trong nước và quốc tế quan tâm để bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh cho tất cả các DN. Những hành vi cố tình vi phạm của các DN sớm muộn rồi cũng bị phát hiện và phải đối mặt với những hậu quả khó lường, không chỉ về thiệt hại kinh tế và còn đánh mất cả uy tín trên thương trường.
Hà Minh