Vặt vãnh cả thôi và dân xứ mình đã quen chịu vậy nên cũng không có vấn đề gì lớn. Nhưng người ta thì không, người ta xếp những thứ ấy vào cái “tệ”, lý lẽ cơ bản là: vì những cái vặt vãnh ấy nó liên quan đến con người.

Một trang tin nước ngoài chuyên về sân bay và du lịch (The Guide to Sleeping in Airports) đã công bố danh sách người dùng bình chọn về chất lượng sân bay năm 2014, trong danh sách 10 sân bay có chất lượng tệ nhất của châu Á có hai sân bay Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đại diện ngành hàng không nước nhà đã lên tiếng phản bác, cho biết ngành hàng không trong thời gian qua đã có những cải tiến đáng kể.

Đáng lưu ý là những điểm “tệ” mà người dùng phải chịu đựng ở các sân bay của nước mình trong năm qua phần lớn là những chuyện “vặt vãnh”, không trùng khớp với những cải tiến ở tầm vĩ mô của ngành. Vặt vãnh như chuyện vệ sinh sân bay còn kém, nhân viên sân bay thiếu thân thiện, thủ tục chậm, wifi yếu, thiếu ghế ngồi cho hành khách...

Vặt vãnh cả thôi và dân xứ mình đã quen chịu vậy nên cũng không có vấn đề gì lớn. Nhưng người ta thì không, người ta xếp những thứ ấy vào cái “tệ”, lý lẽ cơ bản là: vì những cái vặt vãnh ấy nó liên quan đến con người.

{keywords}
Sân bay Tân Sơn Nhất - Nguồn ảnh: internet.

Còn nhớ, khi một tô mì gói ở sân bay Nội Bài bị chém tới 40.000-50.000 đồng, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải vào cuộc can thiệp thì giá một tô mì mới hạ xuống còn 20.000 đồng! Vậy đó, những chuyện vặt vãnh, nhưng không dễ thay đổi, bởi sự thay đổi này phải bắt nguồn từ sâu trong thái độ của mỗi con người.

Dân gian vẫn nhìn giới làm việc trong các sân bay nói riêng và trong ngành hàng không nói chung như một lực lượng lao động có “chọn lọc”. Xin vào làm việc trong ngành hàng không là khó. Sân bay vẫn được cho là đất “hoàng triều cương thổ”, vẫn là đất của quan hệ, gửi gắm... Có lẽ một phần vậy nên “thái độ phục vụ” cũng ở mức nào đó.

Vừa qua, Cục Hàng không đã triển khai bốn xin (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép) và bốn luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ). Lẽ ra thì những điều này vốn đã là một loại tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp tối thiểu của ngành dịch vụ hàng không.

Nhưng, ngay cả khi được triển khai thành một kiểu “phong trào” nâng cao đặc biệt như thế, thì cái “bốn xin, bốn luôn” này vẫn có vẻ lạc lõng sao đó đối với không khí các sân bay hiện tại. Sự tử tế không thể mang ra mà đếm được theo kiểu ba cái này bốn cái kia, nó cần được xây dựng thành một nếp văn hóa, cần ăn sâu vào mỗi con người. “Bốn xin, bốn luôn” có lẽ là một bước khởi đầu đơn giản và cơ bản. Cũng có người lo lắng những kiểu khẩu hiệu như thế này vốn tràn ngập ở nhiều ngành, nhiều bộ của nước ta, đã thành một căn bệnh vần vè chữ nghĩa mà rỗng không vô hồn, liệu rồi nó có thành như thế đối với những sân bay?

Khắc phục những cái “tệ” đó có khó lắm không? Có và không. Khó ở chỗ mới nghe cái xếp hạng này, nhiều ý kiến phản bác đã cho rằng trang mạng này không phải là kênh chính thức, không có giá trị. Kiểu phản ứng này là dư âm của một thời đã qua, theo kiểu phân quyền ai được quyền đánh giá và ai là người bị đánh giá. Nay thì mọi chuyện đã khác rồi, mọi người đều có quyền chia sẻ những đánh giá của mình, và đây là đánh giá không phải để trao tặng danh hiệu này nọ, mà là đánh giá của chính khách hàng - nguồn lực thương mại của ngành công nghiệp được xem là phát triển “nóng” nhất trong mấy năm gần đây.

Cái khó nằm ở chỗ không muốn nghe, chứ nếu đã lắng nghe được đánh giá này rồi, thì việc sửa dần là không khó. Có thể sân bay chúng ta chưa được lộng lẫy, sang trọng, hiện đại như xứ người, nhưng không khó để chăm sóc nó cho luôn tươm tất, thân thiện với hành khách. Giao tiếp giữa con người với con người là quan trọng, chứ không phải là những thông báo vô hồn, những lối xếp hàng chăng dây bất động mặc kệ hàng người, và cả những nụ cười trên mặt tiếp viên - đáng buồn thay thường chỉ nở ra đối với khách ngoại quốc, còn với đồng bào của mình thì dửng dưng, lạnh nhạt.

Còn nhớ nữa, mơ ước được có một đôi cánh và bay lượn như chim, bay lên đến tận “chín tầng trời”, là một trong những mơ ước cổ xưa và vĩ đại nhất của nhân loại, thế mà đến lúc thực hiện được mơ ước đó rồi, đến lúc có thể bay vào bầu trời, người ta nhận ra rằng những khó khăn thực sự lại nằm trên mặt đất. Xin làm sao để trong tâm trí hành khách, khi bay lên khỏi mảnh đất dưới kia, còn lại những lưu luyến mong đợi được trở về, chứ không chỉ còn lại cảm giác của người vừa trốn thoát. Bởi dù có bay xa bay cao rồi cũng sẽ trở về, và ngôi nhà đầu tiên trên mặt đất, đại diện cho xứ sở, đại diện cho con người của đất nước này, là những sân bay. Không thể cất cánh bay nếu bệ xuất phát quá èo uột. Cần có một trái tim bay lượn, cần có tư duy của bầu trời.

(Theo PNOL)