Một loại kẹo trái cây đóng trong hộp hình quả trứng (kẹo trứng) nhiều màu sắc đang được bán phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa, gây lo ngại khi thông tin cảnh báo của nó gần như bị giấu biệt.

Vỏ Malaysia, ruột Trung Quốc

Kẹo nói trên được đóng trong hộp nhựa, loại nhỏ bằng nắm tay, loại lớn bằng trái bóng. Khi mở (tách đôi) quả trứng, sẽ có một gói kẹo nhỏ kèm theo một túi đồ chơi nhiều hình dạng, làm bằng nhựa mỏng, nhọn. Phần đồ chơi nhiều hơn kẹo, giá rất rẻ nên nhiều ông bố, bà mẹ đã chọn mua cho con.

Có đứa con trai hai tuổi thích xem clip “bóc trứng lấy quà” trên mạng, chị Thu Phương, ngụ tại đường Hồ Tùng Mậu (Q.1, TP.HCM) cũng chọn mua kẹo trứng được bày bán tại các tiệm tạp hóa với giá 10.000 đồng/quả nhỏ và 40.000 đồng/quả lớn. Trên sản phẩm có ghi nguồn gốc từ Malaysia, được một doanh nghiệp tại Q.Tân Bình nhập khẩu đóng gói và phân phối. Thấy con trai rất hào hứng mỗi lần mở trứng lấy quà, chị Phương liên tục mua về.

Một lần, thấy con đòi ăn bịch kẹo nhỏ, với những viên kẹo giống hệt viên thuốc, chị đưa lên miệng cắn mạnh thì thấy vị chua chua, gần như không hòa tan. Từ đó, chị Phương quan sát kỹ những thứ quà trong quả trứng nhựa và không khỏi giật mình vì những mô hình chiến binh, xe tăng, máy bay... trong gói quà toàn bằng chữ Trung Quốc được làm từ những mẩu nhựa đầy những khe, ngạnh... rất nguy hiểm đối với trẻ, có nguy cơ cao gây hóc dị vật.

{keywords}

Kẹo, đồ chơi trong mỗi quả trứng

Giữa những dòng chữ bằng tiếng Trung trên vỏ gói quà, chị Phương phát hiện dòng chữ cảnh báo bằng tiếng Anh cực nhỏ “…not for children under 3 years” (không dùng cho trẻ dưới ba tuổi). “Tại sao có cảnh báo nguy hại mà nhà phân phối lại không công bố rõ ràng bên ngoài sản phẩm như các loại đồ chơi nhập khẩu khác?” chị Phương đặt nghi vấn.

Nguy hiểm

Thử mua một số sản phẩm kẹo trứng tại một tiệm tạp hóa trên đường Trần Quang Khải (Q.1), chúng tôi nhận thấy, những hộp kẹo này đủ màu sắc, in hình các loại động vật khá bắt mắt. Bề mặt lớp vỏ nhựa được bọc một lớp ni lông có nhãn bằng tiếng Anh và tiếng Việt, mô tả thành phần là “dextrose, đường maltodextrine, axít citric, hương liệu (cam, dâu, táo, nho), canxi stearate, axít stearic, màu tổng hợp".

Cách đây chừng một năm, có loại kẹo tương tự sử dụng nhãn mác Trung Quốc được bán lẻ rộng rãi trên thị trường. Sau vụ việc một em nhỏ tại Hà Nội bị ngộ độc do ăn những viên kẹo đó, thời gian gần đây không thấy sản phẩm ấy xuất hiện, mà thay thế bằng những loại được cho là nhập khẩu từ Malaysia.

{keywords}

Khảo sát tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, đại lý tạp hóa tại chợ Bình Tây (Q.6), nơi trước đây từng bán sỉ kẹo trái cây hộp hình trứng nhập từ Trung Quốc, chúng tôi ghi nhận không còn bán sản phẩm này. Theo giải thích của các chủ đại lý thì gần đây các công ty không bỏ mối sản phẩm tại chợ sỉ nữa.

Hầu hết người bán sản phẩm này không biết có cảnh báo “không dùng cho trẻ dưới ba tuổi”. “Trẻ nào chơi chẳng được” là câu trả lời của chủ đại lý tạp hóa Mỹ Lộc, 22B Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Bình) khi chúng tôi hỏi bé hai tuổi có thể chơi và ăn được kẹo trong đó hay không. Chủ đại lý này còn cho biết thêm, khách hàng mua sản phẩm hầu hết là những ông bố, bà mẹ mua cho con nhỏ chừng hai-ba tuổi.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, cần phải có những xét nghiệm cụ thể để biết chính xác những viên kẹo trong những hộp hình quả trứng này hoặc chất liệu nhựa để làm vỏ trứng có hóa chất độc hại cho trẻ hay không. Mối nguy trước mắt chính là tai nạn hóc dị vật từ chính những viên kẹo hình viên thuốc, hình ngôi sao hay những đồ chơi tí hon hình lá cờ, hình chiến binh... Đáng chú ý, thời gian qua, không ít trường hợp hóc dị vật được cấp cứu trong các bệnh viện nhi tại TP.HCM là do những đồ chơi dạng này. Những ốc vít, mảnh nhựa, nút bấm đến những cục pin... được gắp ra từ thanh quản, dạ dày, ruột, tai, mũi của trẻ khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình ân hận. Tuy vậy, vẫn còn những phụ huynh chủ quan, lơ là trước các loại đồ chơi nguy hiểm.

(Theo PNOL)