Nếu bạn mê chạy xe côn tay mà chưa có điều kiện về kinh tế, đừng lo, hãy tìm đến với chiếc Minsk “khù khờ”.

Minsk “ngon” giá 8 triệu đồng

Thông thường, những người thợ chuyên “dọn” Minsk không phải bỏ ra quá nhiều tiền để có được một chiếc xe Minsk “đồng nát”. Điểm đến của họ chính là Làng Tề Lỗ (Huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) - nổi tiếng là lò mổ ô tô, xe máy lớn nhất miền Bắc. Hôm nào gặp may, thợ xe có thể “ôm” cả chục chiếc về với giá sắt vụn từ 1 triệu đến 1,5 triệu/chiếc.

{keywords}

Những người thợ chuyên “dọn” Minsk không phải bỏ ra quá nhiều tiền để có được một chiếc xe Minsk “đồng nát”

Anh Trần Thiết Cường (một người chuyên “săn” xe máy cũ tại Hà Nội) chia sẻ: “Cứ mỗi lần lên Tề Lỗ mua xe là mình phải thuê xe tải chở về vì mình mua lô với số lượng nhiều, nhất là Minsk. Đó là những chiếc xe bán với giá “đồng nát” nên thường là không đi được. Bọn mình mua về chỉ để dỡ đồ. Đôi khi “nhặt” 3 -4 con cũ mới dọn được thành một con mới”.

Sau khi kiếm được xe cũ, những người như anh Cường sẽ “dọn” thành một chiếc xe mới và bán lại cho anh em chơi xe. Anh Cường cho biết, công đoạn đầu tiên của quá trình “dọn” xe là bổ xác xe cũ. Những phụ tùng dùng được, nhỏ nhất là một con ốc, đều được giữ lại. Sau khi đã gom đủ phụ tùng, việc nhất thiết phải làm là lên cốt cho máy, doa xilanh, ép lại biên, sơn lại các bộ phận khung vỏ theo ý của chủ xe… Tiếp đó là công đoạn ráp máy, lên khung, chỉnh bi, côn, phanh, đấu nối hệ thống điện bán dẫn…

{keywords}

Sau khi kiếm được xe cũ, những người như anh Cường sẽ “dọn” thành một chiếc xe mới và bán lại cho người chơi xe

Đó là chuyện của những người thợ. Còn với người “chơi” xe, thích có một chiếc côn tay đi ngay, họ chỉ cần bỏ ra từ 6 đến 8 triệu đồng là đã có một chiếc Minsk được dọn lại tinh tươm trông như mới.

Tuy nhiên, theo anh Cường, phàm là những người thích Minsk thì họ cũng thích mày mò, biết biết một chút về Minsk. “Anh em đa phần không xuống tiền rồi “ẵm” luôn một con đã dọn sẵn. Như thế cũng chẳng phải là chơi xe. Họ sẽ tham gia vào quá trình dọn. Chọn một cái xác xe cũ, rồi thích làm theo kiểu gì, thay thế phụ tùng nào, sơn ra sao mình sẽ làm cho họ. Tính cả tiền xe, tiền công xá làm lại máy, sơn xi, phụ tùng… 8 triệu là có một con Minsk ngon lành để đi” – Anh Cường nói.

“Chơi” Minsk thế nào?

Có thể nói, từ lâu Minsk là một dòng xe đa dụng với đồng bào dân tộc vùng cao của Việt Nam bởi những điểm ưu việt và phù hợp của nó. Được trang bị động cơ 2 kỳ, 1 xilanh với thể tích 125cc, bền, khỏe, kết cấu khung sườn khá chắc chắn, song cho đến nay, qua nhiều năm tháng “lao động vất vả” cùng người dân, Minsk đã phần nào “xuống sức” và có biểu hiện “ốm đau” thất thường.

{keywords}

Chơi Minsk không phải cứ mua về rồi đi. Phải biết một chút về nó

Vì thế, những người thợ “dọn” Minsk và bán cho khách luôn dặn dò, chơi Minsk không phải cứ mua về rồi đi. Phải biết một chút về nó. “Minsk có nhiều bệnh nhưng đều là bệnh dễ sửa, và nếu mình hiểu nó, việc chơi Minsk sẽ không là sự vất vả nữa. Chơi xe Minsk, 50% chiếc xe chạy ngon lành nhờ thợ sửa chữa, 50% còn lại phụ thuộc vào chính người sử dụng” – Anh Nguyễn Công Thức – một thợ dọn Minsk khác chia sẻ kinh nghiệm.

Tìm hiểu và “điều trị” những “chứng bệnh” của chiếc xe này với tư cách là một người chơi Minsk, anh Nguyễn Công Thức đã chỉ ra những hỏng hóc thường gặp ở xe Minsk để bạn đọc và người chơi xe Minsk tham khảo:

1. Phần khung sườn: Khung sườn của những chiếc xe Minsk cũ đã quá ọp ẹp, có thể do một số mối hàn trên kết cấu khung bị nứt, bi cổ phốt đã kém hoặc bạc trục càng sau mòn. Xe đi có cảm giác láng cần kiểm tra lại bi trục may-ơ bánh trước và sau hoặc vành bị ô-van. Nhông xích tải mòn dẫn tới hiện tượng trượt tải.

Ngoài ra, còn một số trường hợp xảy ra như má phanh mòn, khô dầu mỡ. Một số chi tiết chuyển động nhỏ như: dây côn, dây phanh, dây ga cần phải bơm mỡ, bảo dưỡng thường xuyên. Lốp xe cũng là phần quan trọng, cần đảm bảo rằng lốp không quá mòn nhằm tránh trơn trượt khi vận hành.

2. Phần máy: Đây là phần quan trọng bởi phần khung sườn có ọp ẹp thì chiếc xe vẫn có khả năng vận hành được, nhưng phần máy nếu đã hỏng thì quả là một nỗi khổ lớn đối với người đi xe.

Khi vận hành, xe có tiếng kêu lạ (đặc biệt khi cao ga), xe đi yếu không bốc có thể do các nguyên nhân: Mòn xéc-măng, piston và xi lanh, biên lắc dẫn tới hơi yếu và xe không bốc; xích côn và lá côn và bi cơ mòn.

Một số nguyên nhân do các chi tiết máy đã xuống cấp dẫn tới động cơ phát ra tiếng kêu ngoài ý muốn. Số nặng, sang số khó, có thể do côn không cắt rứt khoát hoặc đĩa chia số đặt chưa đúng vị trí.

{keywords}

Chơi xe Minsk, 50% chiếc xe chạy ngon lành nhờ thợ sửa chữa, 50% còn lại phụ thuộc vào chính người sử dụng

3. Phần chế hòa khí, bình chứa xăng, lọc gió: Thông thường bình xăng sử dụng lâu ngày sinh ra lắng cặn dẫn tới tắc khóa xăng, ống dẫn và chế hòa khí, cần phải xúc rửa vệ sinh lại toàn bộ hệ thống.

Lọc gió bám quá nhiều bụi bẩn khiến không đủ lượng gió cung cấp cho quá trình hòa trộn nhiên liệu trong chế hòa khí. Điều này gây tắc chế hòa khí dẫn tới xe có hiện tượng không thể tăng ga ở vận tốc cao.

Chế hòa khí của Minsk thường xuyên bị nước vào khi ta rửa xe hoặc băng qua chỗ có nước ngập sâu do thiết kế cổ hút gió và dây ga không kín. Xe lúc này sẽ không khởi động được, hoặc nếu có khởi động được thì tiếng nổ cũng kêu lụp bụp, không đều. Cần phải tháo chế xúc rửa ngay.

4. Phần điện: Điện trên xe Minsk là phần rất đáng chú ý và cũng là bộ phận hay “dở chứng” nhất. Về cơ bản, phần điện được chia thành hai loại: Điện cung cấp cho quá trình đánh lửa và điện cung cấp cho đèn, còi.

Về điện cung cấp cho quá trình đánh lửa: Khi xe chạy đường dài ở tốc độ cao, máy nóng gây ra cháy cuộn điện nguồn cung cấp cho quá trình đánh lửa của bugi. Nếu chạy tốc độ thấp mà vẫn bị cháy có thể do vô lăng từ quay không đồng tâm, mâm lửa bị móp méo dẫn tới va quệt vào vô lăng làm cháy cuộn điện nổ.

Ở trường hợp khác, nếu cuộn điện vẫn làm việc bình thường mà bugi không đánh lửa thì cần kiểm tra lại TK (IC), dây nguồn ra mô-bin, mô-bin sườn hỏng, dây cao áp, hoặc bugi hỏng, nhiều trường hợp bugi vẫn đánh lửa khi ta kiểm tra nhưng lắp vào chạy được một đoạn đường ngắn xe lại chết máy có thể kết luận bugi om, cần thay bugi mới.

Về phần điện cung cấp cho đèn, còi: Phần lớn điện đèn các xe Minsk đều đã bị kém, giảm công suất dẫn tới đèn tối, nguyên nhân là do cuộn điện phát kém, rò rỉ hệ thống dây dẫn và quan trọng là bóng đèn phải đúng công suất, pha đèn không bị ố.

Trên đây là những hỏng hóc cơ bản thường gặp khi chạy xe Minsk. Mong rằng với những kinh nghiệm sửa xe và chơi xe của một “tay chơi Minsk” như anh Nguyễn Công Thức, những người yêu loại xe hai kì này sẽ thu được những kiến thức nhất định cho mình.

Những lưu ý khi đi xe Minsk

{keywords}

Khi chạy đường dài, các bạn cần chuẩn bị mang theo một số thứ đồ cần thiết cho xe Minsk

Xe Minsk rất hay được các bạn trẻ dùng để đi “phượt”, đi du lịch. Khi chạy đường dài, các bạn cần chuẩn bị mang theo một số thứ đồ như sau:

- Cờ lê: 10;12;13;14;15;17;22, mỏ lết. Những dụng cụ này dùng để tháo chế hòa khí, thay chỉnh côn và thay săm.

- Tuốc-nơ-vít 2 cạnh và 4 cạnh.

- Tuýp 20.5 để tháo bugi.

- Bộ móc lốp và săm Minsk 3.00 – 18 dùng khi thủng săm dọc đường.

- Một chiếc bơm tay nhỏ.

- Một vài chiếc bugi.

- Một cuộn điện nổ.

- Một số bóng đèn pha.

- Một TK phòng khi bị ngập nước dẫn tới ẩm TK.

- Dây côn, dây ga, một bộ lá côn (nếu chạy hành trình dài)

- Đèn pin (phòng khi hỏng xe lúc trời tối).

Lưu ý đặc biệt:

Minsk là dòng xe 2 kỳ, vì vậy xăng cung cấp cho quá trình đốt cháy cần phải pha thêm nhớt với tỷ lệ 25/1 hoặc 20l xăng/1l nhớt nếu chạy đường dài. Nhớt pha vào xăng với mục đích bôi trơn xi lanh, trục khuỷu khi máy hoạt động. Bạn nên đảm bảo rằng, trong cốp xe lúc nào cũng có sẵn một hộp nhớt để pha thêm vào xăng.

Minsk không phải là một dòng xe đua tốc độ. Bản chất thật sự của Minsk là khỏe và lì lợm, hãy tận dụng ưu điểm này để phục vụ cho chuyến đi của bạn.

 (Theo TTTĐ)