- Gốc rễ để giải bài toán phát triển của Việt Nam thời gian tới, theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính là nhu cầu tiêu dùng của xã hội, là lòng tin của người dân trong vấn đề đầu tư và tiêu dùng.
Điểm sáng kinh tế
Số liệu do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng ấn tượng trong quý III/2014, ước tăng 6,19%, nâng tăng trưởng 9 tháng đầu năm lên 5,62%.
Theo đánh giá của Bộ này, nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Dự kiến năm 2014 sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% do Chính phủ đề ra, thậm chí kết quả có thể còn đạt được cao hơn.
Khá nhiều tổ chức nước ngoài duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức tương đối sát với mục tiêu của Chính phủ. ANZ duy trì dự báo ở mức 5,6%; IMF 5,5% còn Ngân hàng Thế giới (WB) 5,4%.
|
Chứng khoán VPBank cũng ghi nhận các tín hiệu tích cực của nền kinh tế với dự báo GDP 2014 cả nước sẽ đạt 5,97%, lạm phát cả năm ở mức 4,2%. Ông Barry Weisblatt - Giám đốc Khối phân tích của VPBS lạc quan về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trích dẫn tuyên bố của Microsoft sẽ di dời nhà máy sản xuất Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thương mại cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng lên mức cao kỷ lục, lãi suất giảm nhanh trên các thị trường, tỷ giá và vàng ổn định, lạm phát thấp, sản xuất và công nghiệp tăng cao hơn dịch vụ... là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc trở lại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có khá nhiều ý kiến lo ngại. Trong báo cáo tháng 10, ANZ bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tăng trưởng GDP đạt mục tiêu và cho rằng đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức 7%.
Ông Sanjay Kaira, đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, năm 2014 các chỉ số kinh tế chính đã tốt hơn nhưng còn nhiều vấn đề bất ổn như: nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn, nợ xấu nhiều... Theo IMF, ở nhiều nước trên thế giới, tăng 5-5,5% thì tốt, nhưng ở Việt Nam 5% là rất thấp bởi tiềm năng của Việt Nam cao hơn. Nhiều nước châu Á khác như Nhật, Hàn Quốc... cách đây 20-30 cũng phát triển rất mạnh.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng, phục hồi của kinh tế Việt Nam thực ra còn rất mong manh. Cơ cấu đóng góp vào tăng trưởng chủ yếu từ FDI. Trong khi đó, DN vẫn rất ốm yếu, thậm chí số DN đóng cửa năm 2014 tiếp tục tăng. Cục máu đông nợ xấu chưa được giải tỏa... Đây là các vấn đề thực sự đáng lo ngại.
Lo nhất sức cầu
Một điểm lo ngại chung được nhiều chuyên gia chia sẻ là vấn đề sức cầu của nền kinh tế thấp mà phần nào được biểu hiện qua lạm phát thấp và tăng trưởng tín dụng ì ạch.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho rằng, điểm yếu lớn nhất chính là ở sức cầu.
Huy động tiền trong dân vào kích cầu, phát triển kinh tế đang là bài toán cấp thiết nhưng không dễ. |
“Chúng ta mới đẩy mạnh được về mặt đầu tư, chưa đẩy mạnh được sức cầu về mặt tiêu dùng. Ở đây là lòng tin của NĐT, lòng tin của DN, lòng tin của người dân vào hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất, tiêu dùng. Nếu người dân không có được lòng tin để tiêu dùng thì làm sao chúng ta thúc đẩy được sức cầu?”, đại diện ngân hàng này chia sẻ.
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, cũng nhìn nhận, ngoài tiền ngân sách, một phần lớn từ tiền tiết kiệm trong dân chưa được huy động.
Theo ông Thành, tiền đang được đầu tư nhiều hơn trên thị trường tài chính, chứ không phải vào sản xuất. Nếu lòng tin quay trở lại, tiền sẽ vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, không cất giữ nhiều dưới dạng tài chính.
Ông Barry Weisblatt từ VPBS dẫn số liệu chỉ ra rằng thu nhập của người Việt Nam đang tăng nhanh hơn chi tiêu cho đời sống. Năm 2012, GDP bình quân đầu người một tháng ước khoảng 2 triệu đồng trong khi chi tiêu cho đời sống bình quân khoảng 1,5 triệu đồng. Trước đó, năm 2010, mức thu nhập và chi tiêu ước tính lần lượt đạt 1,3 triệu đồng và 1,14 triệu đồng. Năm 2008 đạt 1 triệu đồng và 750.000 đồng...
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, gốc rễ để giải bài toán phát triển chính là nhu cầu tiêu dùng của xã hội, là lòng tin của người dân trong vấn đề đầu tư và tiêu dùng. “Nên chúng ta phải thúc đẩy được cái đó, giải phóng được trí tuệ, giải phóng được nguồn lực trong người dân thì đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới”.
“Nhưng DN cũng sẽ không thể bán được hàng nếu không có người mua, mà người mua lại phụ thuộc vào 3 đối tượng: Chính phủ, người dân và xuất khẩu. Xuất khẩu hiện thuận lợi. Đầu tư chính phủ đang được thúc đẩy nhưng hạn chế. Quan trọng hơn cả là ở người dân. Có lẽ chúng ta phải thay đổi cả văn hóa, làm sao để, xã hội tiêu dùng thực sự. Muốn như vậy, từ mặt tư tưởng, từ mặt truyền thông có lẽ cần phải có thay đổi”, ông Vinh chia sẻ.
Bà Pamela Kustas - chuyên gia TTCK tại khu vực Đông Nam Á của Bloomberg, lưu ý: Trung Quốc đang chuyển trọng tâm từ đầu tư sang tiêu dùng. Đây là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam vì dân số của nước này lớn. Về cả trung và dài hạn, đây là yếu tố rất quan trọng đối với Việt Nam.
Đánh giá chung, đại diện Chứng khoán VPBS cho rằng, tiêu dùng giảm mạnh vào đầu 2013 nhưng gần đây đã tăng trở lại. Còn ông Nguyễn Đức Vinh tin tưởng nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi trong năm 2015. Bài toán thúc đẩy tiêu dùng có thể giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nợ xấu.
Mạnh Hà