Ngân sách căng thẳng nhưng kế hoạch tăng 8% tiền lương từ năm 2015 của Bộ Tài chính cho thấy, nếu khéo co kéo thu-chi thì vẫn giải quyết được nhu cầu tăng lương.
Nỗ lực đầy khích lệ
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay, lương hưu bình quân đang là 3,41 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập rất thấp so với điều kiện giá cả hiện nay. Nếu được tăng lương, người về hưu cũng sẽ được cải thiện đời sống.
Ước tính, nếu tăng 8%, mỗi người hưởng lương hưu sẽ có thêm khoảng 272.800 đồng/tháng/người.
Tăng lương là một nỗ lực lớn của Chính phủ. |
Trước đó, hôm 6/11, Thủ tướng đã chấp thuận phương án 2 của Bộ Tài chính đề xuất lên trong tổng số 3 phương án tăng lương. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, tiền lương và trợ cấp sẽ được tăng bình quân 8% cho 3 nhóm đối tượng là người nghỉ hưu, người có công và cán bộ viên chức, công chức thuộc lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, cụ thể là có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, tương ứng bậc 1, bậc 2.
Dự kiến, tổng số tiền lương tăng thêm theo phương án này là 11.100 tỷ đồng, với khoảng 4,7 triệu người được thụ hưởng.
Theo cách tính của Bộ Tài chính, 3 nhóm đối tượng trên khi tăng thêm 11.100 tỷ đồng thì bình quân mỗi người sẽ được hưởng thêm khoảng 240.000 đồng/người/tháng.
Là cơ quan trực tiếp thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, ông Sinh nói: "Chúng tôi ủng hộ kế hoạch tăng lương của Chính phủ. Các con số đưa ra khá khả thi, phù hợp với điều kiện hiện nay".
Giải thích thêm về cơ chế hưởng lương hưu và trợ cấp cho người có công hiện nay, ông Sinh cho biết, hiện việc chi trả này đang chia theo hai nhóm đối tượng trước và sau năm 1995.
Trong đó, nhóm người nghỉ hưu từ trước năm 1995, được trợ cấp do Ngân sách Nhà nước chi trả là hơn 1,348 triệu người. Năm 2013, ngân sách đã chi hết 39.753 tỷ đồng cho đối tượng này.
Đối với nhóm thứ 2, nghỉ hưu sau năm 1995, do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả dựa trên mức đóng góp và số năm công tác trước đây hiện có khoảng 1,306 triệu người. Năm 2013, tổng Quỹ chi cho tiền lương hưu này là 67.120 tỷ đồng.
Theo tạm tính của ông Sinh, khi tăng 8% tiền lương, trợ cấp cho 2 đối tượng trên, nguồn từ Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ phải chi thêm 5.369,6 tỷ đồng.
Tính hết năm 2013, Quỹ hưu trí hiện còn 214.000 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà Quỹ này phải chi thêm để trả lương hưu theo chính sách mới chỉ chiếm 2,5% tổng Quỹ hiện nay.
Đối với nhóm người hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước năm 1995, khi tăng 8%, ngân sách Nhà nước sẽ phải bỏ thêm 3.180 tỷ đồng.
Với dự kiến tổng số tiền tăng thêm là 11.100 tỷ đồng do Bộ Tài chính tính toán, sau khi trừ đi hai khoản trên, ước có khoảng 2.551 tỷ đồng tiền lương tăng thêm cho số các cán bộ, viên chức thu nhập thấp thuộc lực lượng vũ trang.
Như vậy, các khoản trực tiếp chi ra từ Ngân sách Nhà nước đảm bảo việc tăng lương này sẽ chỉ khoảng hơn 5.731 tỷ đồng.
Tiết kiệm tăng lượng, triệu người an tâm
Trước đó, tại buổi thảo luận về ngân sách ở Quốc hội hôm 20/10, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình phương án, đã đề nghị hoãn tăng lương năm 2015. Đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này trong 2 năm trở lại đây. Lý do được đưa ra vẫn là câu chuyện túi tiền ngân sách cạn kiệt, căng thẳng, không cân đối được.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đã tỏ ra khá thất vọng. Khi đó, nhiều ý kiến đã đưa ra đề nghị, ít nhất, Bộ Tài chính cũng cần quan tâm dành ngân sách tăng lương cho người về hưu và những viên chức, công chức đang hưởng bậc thấp.
Hàng triệu người hưởng lợi từ quyết định tăng lương. |
Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nếu không tăng lương, đời sống công chức, viên chức sẽ rất khó khăn và khi thu nhập thấp, sẽ dễ phát sinh tiêu cực, nhận phong bì bôi trơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ Tài chính cần phải tính toán các khoản tăng thu năm 2014-2015 để dành cho tăng lương.
Do đó, Bộ này đã soạn 3 phương án, trong đó, phương án 1 đảm bảo cả việc tăng lương tối thiểu cho tất cả đối tượng sẽ gây tốn kém nhất, tới 33.000 tỷ đồng, còn phương án 3 là ở mức tiết kiệm nhất, thu hẹp đối tượng với tổng chi thêm chỉ 6.700 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã chọn phương án 2 là trung dung nhất, vừa phải nhất. Nguồn tiền sẽ được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách dự kiến năm 2014 là khoảng 63.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, nếu tăng thêm 100.000 đồng/người/tháng cho tất cả các đối tượng, thì mỗi năm, ngân sách sẽ phải bỏ thêm 40.000 tỷ đồng. Con số này là sẽ là một gánh nặng lớn khi ngân sách vẫn đang gặp khó. Do vậy, Bộ này chú trọng phương án thu hẹp đối tượng được tăng lương.
Trên thực tế, nếu so với tổng nguồn thu ngân sách dự kiến vượt dự toán năm 2014 là 63.000 tỷ đồng và khoảng 1.100 tỷ đồng khoản cải cách tiền lương của các địa phương, thì con số trên là không lớn. Ước, con số này chỉ chiếm khoảng 9%.
Thêm vào đó, với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá, rượu, bia, casino, ngân sách cũng sẽ được bù đắp đáng kể, như năm 2015 sẽ có thêm 571 tỷ đồng vào năm 2015, tăng thêm 2.773 tỷ đồng năm 2016, thêm 4.395 tỷ đồng vào năm 2017.
Bộ Tài chính cho hay, mặc dù đã chọn phương án 2 nhưng cả 3 phương án này sẽ vẫn được trình đầy đủ tới Quốc hội để có ý kiến quyết định.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nợ công tăng cao, chi thường xuyên lên tới 67% là quá lãng phí, lớn hơn cả chi cho đầu tư phát triển nhiều lần. Vì vậy, cách tốt nhất để có nguồn tiền tăng lương là cần phải cắt giảm chi thường xuyên. Nhiều ý kiến đã bày tỏ, nên cắt 10% phần chi này để dành cho tăng lương.
Phạm Huyền