Tốc độ gia tăng nợ công có thể khiến chúng ta đối mặt nguy cơ chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều. Cảnh báo mới nhất từ nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ KH-ĐT.

Bổ sung thêm khoản mới vào nợ công?

Mới đây, Bộ Tài chính công bố đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra quốc tế. Đây có thể là một thành tích lớn khi lãi suất phát hành thấp hơn nhiều so với lãi suất dự kiến ban đầu, giúp tiết kiệm tới 32,5 triệu USD tiền lãi thanh toán.

Nhưng trên thực tế, 32,5 triệu USD đó không phải là con số tiền tươi thóc thật mà chỉ là khoản chênh lệch lãi suất thực tế với lãi suất dự báo theo kế hoạch phát hành. Một tỷ USD trái phiếu bán thành công cũng có nghĩa Việt Nam phải trả thêm khoản nợ nước ngoài trong 10 năm tới, với lãi suất 4,8%.

{keywords}

Dự báo năm 2014, cách tính mới sẽ cho con số nợ công Việt Nam có tỷ lệ là 65,2% GDP.

Cách đây 13 năm, năm 2001, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chỉ mới là 11,5% GDP thì đến năm 2010, con số này đã tăng gần 5 lần, lên 51,7% GDP.

Trong 3 năm kế tiếp, từ 2010-2013, nợ công đi ngang, chỉ tăng tiếp lên 54,2%. Nhưng năm 2014, nợ công dự tính sẽ lại tăng vọt lên tới tận 60,3% GDP.

Nhưng năm nào cũng vậy, dù tỷ lệ này là bao nhiêu, tăng ở mức nào thì cơ quan quản lý Nhà nước vẫn khẳng định nợ công Việt Nam là an toàn. Bởi, nó còn cách xa mục tiêu kiểm soát của Chính phủ là 65% GDP.

Các chuyên gia kinh tế vẫn luôn đặt câu hỏi, con số nợ công bao nhiêu mới là không an toàn?

Bởi, hàng loạt khoản nợ hiện nay sẽ có nguy cơ biến thành nợ công, như nợ đọng bảo hiểm xã hội, rủi ro sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được các khoản nợ của Chính phủ bảo lãnh. Thậm chí, đó còn là rủi ro nợ xấu mất vốn của DNNN.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần bổ sung 4 khoản nợ nữa vào nợ công của Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là cần tính cả khoản nợ bất khả kháng mà Ngân sách Nhà nước phải chi trả. Đó là các khoản nợ trong chi phí tái cơ cấu DNNN, ngân hàng, chi phí xử lý nợ xấu, nợ đọng bảo hiểm, thậm chí, kể cả khoản lỗ do tăng/giảm giá ngoại tệ. Dù không được xác định theo Luật Quản lý nợ công nhưng trên thực tế, trách nhiệm chi trả cuối cùng lại thuộc về Chính phủ.

Khoản chi được dự toán cho nợ bất khả kháng sẽ chiếm khoảng 5% tổng nợ công trong nước.

Đề án về vấn đề trần nợ công, do Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ KH-ĐT công bố ngày 13/11, lý giải, các con số trên là tính theo Luật Quản lý nợ công với phạm vi hẹp hơn nhiều so với các tổ chức quốc tế tính.

Nếu theo cách tính đề xuất của Học viện, con số nợ công năm 2013 sẽ ở mức 61,28% GDP, cao hơn 7,08% điểm phần trăm, tương ứng phải tăng thêm 256 nghìn tỷ đồng so với con số chính thức.

Nếu tính thêm 5 khoản nợ phải trả của Ngân sách Trung ương và địa phương, tổng số nợ công sẽ tăng lên từ 1.942 nghìn tỷ đồng thành 2.107 nghìn tỷ đồng, chiếm 58,75% GDP.

Nếu tính thêm các khoản nợ của Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội thì con số mới sẽ là 2.148 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9% GDP.

Tiếp tục, khi nợ công tính thêm chi phí dự phòng bất khả kháng nữa, năm 2013, Việt Nam sẽ có con số mới nhất là nợ 2.198 tỷ đồng, tức bằng 61,28% GDP. Dự báo năm 2014, cách tính mới sẽ cho con số nợ công Việt Nam có tỷ lệ là 65,2% GDP.

{keywords}

Việt Nam có nguy cơ chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều (ảnh Bussiness Week)

Lường trước những rủi ro

Học Viện Chính sách và Phát triển đánh giá nợ công của Việt Nam có mức độ rủi ro vỡ nợ thấp. Nếu so với 5 nước láng giềng, Việt Nam đang có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất khi đã chạm ngưỡng 60% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công ở Indonesia chỉ là 24,4% GDP, ở Thái Lan là 45,9%; Philippines 50,2%; Lào 46,3%; Malaysia 54,6% và bình quân của các nước đang phát triển là 35,3% GDP.

Thu nhập trung bình của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều nước, chưa đến 2.000 USD/người/năm, thua xa Philippines với 4.700 USD, Indonesia 5.200 USD, Malaysia 17.500 USD.

Chưa kể, dân số Việt Nam bắt đầu già hoá với tỷ lệ 7% trong khi ở Lào là 4%, ở Indonesia và Ấn Độ là 5%. Dân số nước ta đang già nhất trong số nhóm các nước có thu nhập 3.000-5.000 USD.

Đáng lo hơn, năng suất lao động của Việt Nam còn giảm dần và thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng hạn, năng suất của Singapore gấp 15 lần Việt Nam, Nhật Bản gấp 11 lần, Hàn Quốc gấp 10 lần, Malaysia gấp 5 lần và Thái Lan gấp 2,5 lần. Tốc độ tăng năng suất lao động giảm từ 4,1% giai đoạn 2002-2007 xuống còn 3,2% năm 2008-2014.

Trong khi đó, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ công đang ngày càng tăng. Dự kiến, năm 2013, tổng nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam là gần 33,4% thu ngân sách, sẽ tăng lên 38,07% năm 2014 và tăng tiếp lên hơn 45% năm 2015.

Với các chỉ số này, nhóm nghiên cứu đã không ngần ngại cảnh báo, "chúng ta có nguy cơ chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều". Vì thế, nhóm này đề xuất một kịch bản nợ công mới tới Bộ KH-ĐT, với dự kiến trần nợ công nên là 68% GDP.

Phạm Huyền